English

Đại học

ĐH Duy Tân mở Ngành học mới Truyền thông Đa phương tiện năm 2017

Đại học Duy Tân chính thức tuyển sinh và đào tạo ngành Truyền thông Đa phương tiện trong năm học 2017-2018 sau khi nhận được quyết định của Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép đào tạo ngành Truyền thông Đa phương tiện từ năm 2017, theo quyết định số 2565/QĐ-BGDĐT. Theo đó, Đại học Duy Tân trở thành cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đầu tiên và duy nhất đào tạo ngành Truyền thông Đa phương tiện trong cả nước.

 ĐH Duy Tân mở Ngành học mới Truyền thông Đa phương tiện năm 2017
 Đại diện Đại học Duy Tân, TS. Nguyễn Tấn Thắng ký kết hợp tác với
Nhà báo Diệu Hiền - Phó Trưởng Đại diện Báo Thanh niên tại miền Trung
 
Ý tưởng mở ngành Truyền thông Đa phương tiện được cán bộ và giảng viên của Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Duy Tân ấp ủ từ năm 2013. Sau gần 4 năm thực hiện với sự chuẩn bị chu đáo từ chương trình học đến đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, Đại học Duy Tân chính thức tuyển sinh ngành Truyền thông Đa phương tiện năm 2017

Theo ThS. Võ Thị Kim Ngân - Trưởng Bộ môn Văn - Báo chí của Đại học Duy Tân cho biết: “Trong khóa học 4 năm, ngoài khối kiến thức giáo dục đại cương, sinh viên sẽ được học nhiều chuyên ngành về Báo in, Phát thanh, Truyền hình, Báo điện tử, Tổ chức sự kiện, Thiết kế thông điệp truyền thông, Xử lý khủng hoảng truyền thông, Sản xuất Điện ảnh - Truyền hình, Quảng cáo đa phương tiện… Đây là ngành học ‘hot’ và có xu hướng phát triển lớn mạnh trong tương lai nên sinh viên tốt nghiệp ngành Truyền thông Đa phương tiện sẽ sớm có cơ hội tìm được một công việc ưng ý tại đa dạng các cơ quan, ngành nghề như: tham gia điều hành, quản lý, đào tạo công tác truyền thông trong doanh nghiệp, có thể làm việc trong ngành Truyền thông - Báo chí, Truyền thông Điện tử, trong ngành Luật, trong ngành Giáo dục hoặc làm Maketting, quảng cáo… Trong 5 năm đầu, Nhà trường sẽ tuyển sinh 100 sinh viên/năm để đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng nhất.”
 
ĐH Duy Tân mở Ngành học mới Truyền thông Đa phương tiện năm 2017 
Toàn cảnh buổi giới thiệu ngành học mới
Truyền thông Đa phương tiện tại Đại học Duy Tân
 
Để tạo điều kiện cho sinh viên theo học Truyền thông Đa phương tiện được thực tập, tiếp cận công việc để cho ra đời các sản phẩm truyền thông hiệu quả đồng thời tiếp cận cơ hội việc làm trong tương lai, ngày 4/8/2017, tại buổi giới thiệu về ngành học mới, Đại học Duy Tân đã ký kết với nhiều cơ quan báo chí trên địa bàn Đà Nẵng gồm: Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, Báo Thanh niên, Báo Công an Đà Nẵng, Báo Người lao động, Nhà Xuất bản Đà Nẵng… 

Nhà báo Hồng Quang Năm - Phó Giám đốc Đài phát thanh Truyền hình Đà Nẵng cho biết: Cuộc họp giữa các đài truyền hình trong thời gian gần đây đã cho thấy một thực tế là lượng khán giả xem truyền hình ở độ tuổi 16-22 đang dần giảm sút. Nguyên nhân là bởi các phương tiện truyền thông khác đang phát triển mạnh, đa dạng và có hiệu quả đã thu hút sự quan tâm lớn từ các em. Rất nhiều các sản phẩm mang tính nghiệp dư như xuất hiện trên các phương tiện thông tin với nhiều thông điệp đa dạng đã gây sự chú ý lớn cho người xem. Bởi vậy, việc Đại học Duy Tân mở ngành Truyền thông Đa phương tiện thời điểm này là rất phù hợp để sớm đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng có khả năng đưa các thông điệp truyền thông đến khán giả, độc giả một cách hiệu quả đồng thời góp phần định hướng công chúng trước các nguồn thông tin.

Trực tiếp phụ trách khối Khoa học Xã hội và triển khai thực hiện đề án mở ngành Truyền thông Đa phương tiện, TS. Nguyễn Tấn Thắng - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân khẳng định: “Truyền thông Đa phương tiện là ngành có sự giao thoa giữa ngành Truyền thông và Công nghệ Thông tin. Tại Đại học Duy Tân, đào tạo Truyền thông Đa phương tiện đang có lợi thế khi nhà trường đã có sẵn cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho đào tạo. Trong đó ngành Công nghệ Thông tin vốn là ngành trọng điểm của nhà trường đã gặt hái được nhiều thành công với số lượng nghiên cứu khoa học rất lớn, sinh viên đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi trong nước và quốc tế đồng thời phần lớn sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, Đại học Duy Tân còn có xưởng phim Silver Swallows Studio, Tạp chí Khoa học Công nghệ, Trung tâm Truyền thông, Trung tâm Công nghệ Thông tin CIT, Trung tâm Công nghệ phần mềm CSE… hỗ trợ thực tập và đào tạo. Với việc được Bộ Giáo dục & Đào tạo tín nhiệm cho phép đào tạo ngành Truyền thông Đa phương tiện cùng sự chuẩn bị chu đáo trong suốt quá trình xây dựng đề án mở ngành, Đại học Duy Tân tin tưởng sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu truyền tải và định hướng thông tin để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội cũng như ổn định đời sống chính trị, tư tưởng của người dân.”

(Truyền Thông)