English

Giấc mơ Duy Tân

Cùng Gặp gỡ “Những người của Một thời Sống đẹp”

Kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017) và 131 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886-1/5/2017), chiều 30/4/2017, Đại học Duy Tân đã tổ chức buổi Gặp mặt truyền thống “Những người của một thời sống đẹp”, với sự tham dự của 170 đại biểu nguyên là thanh niên, sinh viên, trí thức và văn nghệ sĩ trong phong trào đấu tranh yêu nước - giai đoạn 1954 - 1975 ở khu vực miền Trung. 
 

 Buổi gặp thân thiết của những người góp phần làm nên lịch sử
 
Giấy mời dự họp mặt là 14h, nhưng lúc 13h20, nhiều khách mời đã tề tựu dưới sân trường Đại học Duy Tân (số 3 Quang Trung) với sự háo hức như của những tháng ngày xuống đường tranh đấu, hoạt động trong lòng địch cách đây 42 năm. Họ chính là những người đã tham gia viết nên một lịch sử đấu tranh khốc liệt trong máu lửa và đầy gian khổ trong nhà tù, trên đường phố và trong nhà máy, giảng đường… của phong trào các đô thị miền Nam, góp một phần làm nên chiến thắng lịch sử 30/4 - Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau phần nêu ý nghĩa và mục đích của buổi gặp mặt truyền thống của Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, các đại biểu đến từ Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng… ai cũng muốn được chia sẻ những xúc cảm nóng hổi của mình. Hồi tưởng lại một thời tranh đấu với sức trẻ đầy nhiệt huyết sẵn sàng xả thân, anh Đinh Tấn Phước (Quảng Ngãi) tự hào nhắc nhở: “Ngày đó, chúng tôi tự nguyện xuống đường tranh đấu, hát cho đồng bào nghe để cùng ‘dậy mà đi’, để cùng hòa mình vào sức mạnh chung của dân tộc”. Khi Sài Gòn đấu tranh thì Huế, Đà Nẵng và các đô thị khác tiếp ứng. Chính trong cuộc đấu tranh đầy mưu trí của lớp trí thức trẻ đã sản sinh ra những con người ưu tú như Nguyễn Văn Trỗi, Nhất Chi Mai, Võ Thị Thắng, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Tam Vàng, Trần Quang Long, Trần Phú Quý hay huyền thoại về cuộc đời đầy sóng gió trong đấu tranh cách mạng của Lê Công Cơ (Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp SV-HS Giải phóng khu Trung Trung Bộ)... Đó còn là Đỗ Hùng Luân, Nguyễn Cam, Lê Văn Thọ… tự mổ bụng mình để đấu tranh với chế độ nhà tù. Khi được hỏi về ký ức của những năm tháng hoạt động trong phong trào HS-SV, anh Lương Thanh Liêm, nguyên Tổng thư ký Tổng Đoàn Học sinh Đà Nẵng (TĐHSĐN) thời kỳ 70-75, xúc động nói: Với phong trào, có nhiều cái để nhớ lắm. Gặp các anh, các chị ở đây cứ như là đang sống giữa những ngày gian khó và không kém phần khốc liệt ấy. Tôi chỉ biết nói lời cám ơn các anh, các chị dù còn, dù hy sinh đã nuôi lớn tôi thêm một ngày...

Và còn đó, nhiều lắm những điều cần phải nhớ của những người có một thời sống đẹp trong phong trào đô thị miền Nam nói chung, miền Trung nói riêng…
  
 
Anh Lê văn Lân (ngồi giữa) từ Huế ra gặp gỡ những người bạn tại buổi gặp mặt
 
 Thời gian trôi đi từng ngày làm mờ phai dần những ký ức, nhưng đã là “dân phong trào” thì luôn mang trong mình hào khí của một thời tuổi trẻ. Những người trong phong trào luôn tìm con đường đi riêng của mình, theo cách của mình để tiếp tục cống hiến, phục vụ và thực sự họ đã có nhiều đóng góp xứng đáng. Anh Lê Văn Lân (Huế) cho biết, đó là trường hợp anh Lê Phương Thảo (tức Lê Công Cơ), là người lãnh đạo trực tiếp phong trào đô thị Huế. Sau ngày giải phóng, rời chính trường về hưu sớm, anh “lao” vào lĩnh vực giáo dục, sáng lập Đại học Duy Tân. Hiện nay, Đại học Duy Tân có tổng số trên 20.000 sinh viên/năm và nằm trong tốp 20 trường dẫn đầu cả nước. Tuy vẫn còn đó nhiều khó khăn của một trường đại học ngoài công lập, nhưng với nghĩa tình nhớ về đồng đội, về những tấm lòng của cơ sở cách mạng đã cưu mang, che chở và giúp đỡ anh trong hoạt động, anh đã cùng nhà trường tạo điều kiện sửa chữa và xây nhà, giúp đỡ con em gia đình chính sách đi học, giúp đỡ những anh chị em phong trào có khó khăn trong đời sống… với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Đó là hình ảnh cụ Nguyễn Hữu Đính, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Huế, hằng năm cho ra đời ấn phẩm Nghiên cứu Huế sang trọng, đúng tầm vóc thành phố văn hóa, được giới nghiên cứu Huế trong nước cũng như bạn bè trên thế giới kính trọng. Hay như nhà thơ Võ Quê, với những vần thơ đầy hào khí của “Thừa Phủ ơi! Lòng ta đồng biển lửa” được nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên phổ nhạc. Anh là người đi đầu và góp phần tạo ra ngành “công nghiệp” giải trí “ca Huế trên sông Hương”, làm cho Huế không còn là thành phố ngủ sớm, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với du khách, giúp hàng ngàn người dân sống được nhờ vào hoạt động văn hóa lành mạnh này. Cùng với thế hệ của Võ Quê, anh Nguyễn Duy Hiền được mọi người thành phố biết đến như là công trình sư của các kỳ Festival, kể từ Festival CODEV Việt Pháp những năm 1990. Chính thành công của các kỳ Festival Huế cả chuyên đề lẫn tổng hợp đã góp phần định hướng, thúc đẩy xây dựng Huế thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam…

Và còn biết bao anh em trong phong trào miệt mài chạy đua với thời gian, đấu tranh với tuổi tác và bệnh tật, tìm con đường riêng của mình tiếp tục “dấn thân”. Không có danh hiệu thi đua nào cho họ, nhưng trong tình cảm của nhiều người: họ đúng là những công dân ưu tú.

Đã rất nhiều năm tháng đi qua, thế hệ của những người thanh niên miền Nam sục sôi ngày xưa bây giờ phần lớn đã ở vào lứa tuổi "xưa nay hiếm", nhường chỗ cho một thế hệ trẻ hiện đại, tân tiến, nhưng với nỗi niềm đau đáu “Làm gì cho thế hệ trẻ bây giờ biết về thời quá khứ hào hùng của thế hệ đi trước. Những bản anh hùng ca và những tấm gương hy sinh sẽ được nhắc lại ra sao nếu một mai thế hệ chúng ta không ai còn nữa?”...  Trước những băn khoăn đó, những năm gần đây cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm khắc họa lại nét đẹp của một thời trong phong trào đô thị: Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ và anh Nguyễn Đông Nhật với tác phẩm phác thảo “Chân dung một thế hệ”-2007. Các anh Trần Thức, Hoàng Dũng, Bửu Nam, Ngô Thời Đôn với tác phẩm “Viết trên đường tranh đấu”. Thành đoàn Huế với ấn phẩm “Những sự kiện lịch sử trong phong trào đấu tranh đô thị của thanh niên sinh viên học sinh Huế 1954-1975”. Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng với ấn phẩm “Chúng tôi có một thời như thế”-2011. Cùng nhiều hồi ký của các anh, chị một thời là nhân vật chủ chốt phong trào: Lê Phương Thảo, Nguyễn Đắc Xuân, Võ Quê...

Và từ 29/3/2012, nhằm tái hiện hình ảnh của các phong trào đấu tranh yêu nước của TN, HS-SV tại các đô thị miền Nam trong giai đoạn 1954 - 1975, Đại học Duy Tân phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ Tp. HCM đã ra mắt 4 cuốn sách đầu tiên của Tủ sách Đáp lời sông núi - do Hiệu trưởng Lê Công Cơ chủ xướng. Từ 4 cuốn sách đầu tiên, đến nay với các thể loại: biên khảo, hồi ký, chuyện kể, giàu tính sáng tác văn học nghệ thuật, Tủ sách Đáp lời sông núi đã có thêm 11 ấn phẩm mới, góp phần vào việc giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về lịch sử vẻ vang của dân tộc, khí tiết anh dũng của cha, anh năm xưa cũng đã hiến dâng tuổi trẻ, có khi là cả cuộc đời mình cho một lý tưởng: Hoà bình, Độc lập, Thống nhất Tổ quốc, để từ đó giúp cho tuổi  trẻ hôm nay phát huy vai trò của mình trong giai đoạn cách mạng mới, đóng góp trí tuệ và năng lực cho quê hương, đất nước trong công cuộc xây dựng tương lai của dân tộc.

Buổi họp mặt truyền thống của những người tham gia hoạt động phong trào đô thị, góp phần vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 đã khép lại nhưng đã gợi mở cho mỗi chúng ta nhiều vấn đề cần suy nghĩ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay. Kết thúc buổi gặp mặt, NGƯT Lê Công Cơ tâm sự: “Sau 42 năm, điều hạnh phúc là chúng ta còn gặp lại nhưng quỹ thời gian không còn nhiều nữa. Mỗi người đến dự buổi họp mặt với những cảm xúc khác nhau. Đã là người Việt Nam, chúng ta cần hiểu các thế hệ ngàn đời đã hy sinh như thế nào để có chúng ta hôm nay, đất nước chúng ta hôm nay. Trong mỗi chúng ta, kể cả thế hệ trẻ đều có lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Chỉ cần chúng ta sống đẹp, đơn giản, không sống xa đời sống của nhân dân, không sợ trở ngại, vì trở ngại là do lòng ta trở ngại, hãy để nó tự nhiên thể hiện bằng sự lạc quan sống và rộng rãi cống hiến cho cuộc đời những giá trị riêng có của mình thì chắc chắn, “một thời sống đẹp” đối với phong trào của chúng ta trước đây luôn sẽ luôn là ấn tượng đẹp cho giới trẻ hôm nay. Và chính điều đó, khi lớp trẻ nghĩ về quá khứ hào hùng và những công lao, sự mất mát, hy sinh của lớp người đi trước chính là để soi rọi chính mình ở hiện tại, để nhận diện rõ hơn giá trị của độc lập - tự do, cùng đoàn kết và tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.”. 

(Truyền Thông)