Gửi tham dự với đề tài nghiên cứu “Ý thức sinh thái miền sông biển trong dân ca xứ Quảng”, sinh viên Lê Văn Thắng - Lớp K20 VHD1, Chuyên ngành Văn hoá Du lịch (thuộc Ngành Việt Nam học), Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn của Đại học Duy Tân đã được mời tham dự Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 - ICVS 2016 được tổ chức trong 2 ngày từ 15 - 16/12/2016, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội. Trở về từ Hội thảo, Lê Văn Thắng đã chia sẻ niềm vui cũng những kinh nghiệm quý báu học hỏi được từ rất nhiều các học giả uy tín đến từ hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Sinh viên Lê Văn Thắng tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5
Chào em Lê Văn Thắng. Em có thể chia sẻ cơ duyên nào đưa em tới tham dự Hội thảo quốc tế rất uy tín này?
LVT: Đúng là rất tình cờ trong một lần cùng cô giáo chủ nhiệm là Trần Thị Ánh Nguyệt đến xem biểu diễn Bài Chòi ở đường Trần Hưng Đạo - Đà Nẵng. Cả 2 cô trò vốn đã yêu thích Bài Chòi nên ngay khi được nghe các giai điệu đậm sắc màu dân ca xứ Quảng giữa lòng thành phố Đà Nẵng, cả cô và trò đã quyết tâm cùng tìm hiểu sâu hơn về Bài Chòi. Khi mà âm nhạc hiện đại với Pop, Rock… đang ngày càng thu hút giới trẻ thì việc chưa có biện pháp hữu hiệu nhằm giữ gìn và lưu truyền cho thế hệ sau các di sản dân ca truyền thống, con người sẽ đánh mất kí ức, đánh mất quá khứ và đánh mất luôn cả tâm hồn thuần Việt. Xuất phát từ suy nghĩ đó, 2 cô trò đã quyết tâm thực hiện đề tài nghiên cứu “Ý thức sinh thái miền sông biển trong dân ca xứ Quảng”. Khi gửi đề tài đến Ban Tổ chức Hội thảo Việt Nam học lần thứ 5, em đã được mời đến tham dự Hội thảo với tư cách đồng tác giả trong bài nghiên cứu của TS. Trần Thị Ánh Nguyệt.
Tham gia một Hội thảo với rất nhiều các học giả nổi tiếng đến từ hơn 30 quốc gia trên thế giới, cảm xúc của em như thế nào?
LVT: Có lẽ hồi hộp là cảm giác đầu tiên, vì một mình đến Thủ đô Hà Nội và cũng là lần lần đầu tiên trong đời em được tham gia một môi trường học thuật chuyên sâu và lớn đến vậy. Em cũng rất bất ngờ khi ai cũng nhìn và hỏi han bởi mình… "trẻ quá so với quy định". Có lẽ các học giả và các giảng viên có chút ngỡ ngàng về sự xuất hiện của một sinh viên trẻ măng nói giọng miền Trung tại một Hội thảo tầm cỡ, khiến em có cảm giác như mình là “người ngoài hành tinh” vậy (cười). Bên cạnh đó em rất hạnh phúc và cảm thấy thật may mắn vì được lựa chọn tham dự một hội thảo chất lượng 5 năm mới tổ chức một lần và đề tài nghiên cứu đã được cấp mã số.
Sinh viên Lê Văn Thắng với giải MC Triển vọng tại Cuộc thi Be your dream 2016
Hội thảo với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” là diễn đàn để các Nhà khoa học khắp năm châu trình bày các kết quả nghiên cứu về Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam hiểu sâu sắc hơn về đất nước mình. Hội thảo này chắc hẳn đang mang đến cho em những góc nhìn rất mới về đất nước và con người Việt Nam?
LVT: Mỗi đề tài nghiên cứu trình bày tại Hội thảo đều gợi mở những kiến thức rất thú vị về đất nước và con người Việt Nam. Cùng với những kiến thức đã học và tìm hiểu về du lịch Việt Nam, em nhận thấy nước ta đang tập trung khai thác sâu rộng du lịch nghỉ dưỡng, giải trí mà ít quan tâm đến văn hóa truyền thống như phong tục, tập quán, lễ hội - vốn là một thế mạnh. Nếu chúng ta khai thác mảng du lịch này kết hợp với đầu tư, giữ gìn và truyền lại cho thế hệ sau, chắc chắn các di sản văn hóa, lễ hội của Việt Nam không chỉ được được bảo tồn mà còn có tiếng vang trên thế giới. Bởi vậy, những sinh viên đang học tập và nghiên cứu về Du lịch, Việt Nam học như chúng em cần nghiên cứu sâu hơn để am hiểu về du lịch, về văn hóa và đời sống người Việt để giúp quảng bá, đánh thức tiềm năng văn hóa địa phương… đồng thời xúc tiến hội nhập văn hóa, thúc đẩy giao lưu văn hoá phát triển không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế. Có lẽ sau khi hội thảo này kết thúc và đã có một chuyến “vi vu” tại Thủ đô, em sẽ tham gia nghiên cứu để hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt Nam. Trong đó, em sẽ nghiên cứu sâu hơn về Bài Chòi. Đây là loại hình nghệ thuật dân tộc vô cùng độc đáo, nhưng “sức sống” cũng như là sức “ảnh hưởng” của Bài Chòi quả thật chưa sâu như những loại hình nghệ thuật khác. Bởi vậy, em rất muốn loại hình nghệ thuật này được quan tâm nhiều hơn, được biểu diễn nhiều hơn, quy mô hơn và phổ biến hơn như câu nói rất hay của Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng rằng "Văn nghệ dân gian có thể đi trên đường phố cùng những con người đương đại".
Em đã được lĩnh hội những kiến thức và kỹ năng gì khi theo học chuyên ngành Việt Nam học tại Đại học Duy Tân?
Khá nhiều trường đại học đã đào tạo ngành Việt Nam học trong một thời gian dài nhưng em quyết định theo học ngành này tại Đại học Duy Tân, bởi em thấy có nhiều điều đặc biệt. Không giảng dạy một cách hàn lâm, Việt Nam học tại Duy Tân có chuyên ngành rõ ràng là Văn hóa Du lịch. Chúng em được học song song kiến thức về Văn hóa và kỹ năng nghiệp, nghiệp vụ để phục vụ Du lịch. Với kiến thức khá bao quát, cơ hội việc làm của sinh viên sẽ được mở rộng tại các cơ quan, đoàn thể thuộc cả 2 lĩnh vực Văn hóa và Du lịch. Ví dụ, sau khi tốt nghiệp sinh viên học Việt Nam học tại Duy Tân có thể tham gia vào nhiều hoạt động bên mảng Du lịch như làm Hướng dẫn viên Du lịch, Lễ tân, Buồng phòng Khách sạn… hoặc có thể hoạt động tốt ở các đoàn thể công ty, phường xã… với tư cách là những Chuyên viên văn hoá, Quản lí văn hoá... Em thực sự yêu thích ngành Hướng dẫn viên Du lịch và với những kiến thức thụ hưởng được tại đây, em tự tin có thể “sống” tốt bằng nghề khi ra trường.
Không chỉ là sinh viên đam mê nghiên cứu, Lê Văn Thắng khá thành công trong hoạt động nghệ thuật. Tiêu biểu như là 1 trong sáu thành viên của đội Đại học Duy Tân giành Giải Nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên và giải Khuyến khích toàn quốc tại Cuộc thi Tuổi 20 hát 2015, giải MC Triển vọng tại Cuộc thi Be your dream 2016. Động lực nào khiến em luôn nỗ lực như vậy?
LVT: Nói như cách của các bạn trên cộng đồng mạng là “mình thích thì mình làm thôi". Nói vui vậy thôi, em là một người thích hoạt động và thích làm những điều mới để thử thách bản thân. Mỗi cuộc thi đều mang cho em những trải nghiệm khác nhau và giúp mình trưởng thành hơn. Nếu Tuổi 20 Hát là thỏa sức với đam mê với lần đầu tiên được lên sóng truyền hình ở sân khấu lớn, Be Your Dream 2016 (hạng mục MC) là một sự thách thức lớn cho bản thân khi đó không phải là sở trường thì tham gia Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lại là một niềm tự hào trong lĩnh vực học thuật. Tham dự Hội Thảo Quốc Tế Việt Nam học hay nghiên cứu khoa học thực sự là một ngã rẻ nhiều khó khăn hơn và nhiều chông gai hơn. Nhưng chắc chắn rồi, thử thách càng chông gai thì lại càng có nhiều động lực để bước tiếp, cho dù có thành công hay nhiều thất bại thì em cũng đã sống trọn từng giây với thử thách và đã làm được một điều gì đó để không hối tiếc với ước mơ.
Cảm ơn em về cuộc trò chuyện thú vị này.
(Truyền Thông)