English

Nghiên cứu

Hội nghị Nghiên cứu Khoa học Giảng viên tại Đại học Duy Tân

Ngày 20/1/2017, Đại học Duy Tân đã tổ chức Khai mạc Hội nghị Nghiên cứu Khoa học Giảng viên tại Hội trường 613 - Số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Dành một ngày để tổ chức Hội nghị, Đại học Duy Tân mong muốn đây sẽ là diễn đàn thiết thực, hữu ích để thổi lên ngọn lửa đam mê nghiên cứu, tạo cơ hội cho các nhà khoa học, các giảng viên cùng trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất đồng thời cùng nhau hợp tác mở rộng các hướng nghiên cứu chuyên sâu hơn trong thời gian tới.
 
 
Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ vui mừng trước
thành tích nghiên cứu khoa học của Nhà trường trong năm 2016
 
Hội nghị thu hút đông đảo các cán bộ nghiên cứu, giảng viên gửi báo cáo tham luận. Trong đó, có 80 tham luận được báo cáo tại Hội nghị. Để các cán bộ, giảng viên có thể nhanh chóng tiếp cận với các nghiên cứu, cùng thảo luận chuyên sâu vào từng báo cáo, Hội nghị tổ chức 5 Tiểu ban. Tiểu ban 1 dành cho Khối Kỹ thuật và Công nghệ. Tại tiểu ban này, người nghe được tiếp cận với nhiều nội dung nghiên cứu đang được các nhà khoa học trong và ngoài nước rất quan tâm hiện nay như: “Hệ thống truyền thông ứng dụng kỹ thuật hỗn loạn”, “Phân tích hiệu năng mạng hợp tác truyền năng lượng sử dụng nhiều máy chuyển tiếp”, “Các giải pháp thiết kế kiến trúc bền vững”, “Kiến trúc xanh cần có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn”, “Thiết kế và chế tạo robot kiểm tra khuyết tật hàn”, “Sử dụng thuật toán giải tiến hóa vi phân để tối ưu hóa tiến độ - Hiệu quả tài chính theo thông lệ quản lý dự án xây dựng ở Việt Nam”…

Tiểu ban 2 dành cho Khối Kinh tế và Du lịch. Nhiều nghiên cứu khoa học được báo cáo như: “Ngân hàng ngầm, "Tín dụng đen" và cơ hội cho tín dụng vi mô”, “Nghiên cứu KPI - Ứng dụng trong đánh giá hiệu quả của hoạt động tuyển dụng”,  “Dịch vụ kinh doanh lữ hành và lưu trú tại thành phố Đà Nẵng: Thực trạng và một số giải pháp phát triển đáp ứng yêu cầu hội nhập”… Cùng một số các nghiên cứu trực tiếp đi sâu giải quyết các vấn đề đào tạo tại Đại học Duy Tân như: “Đánh giá tác động của cải cách giáo dục đến việc giảng dạy PBL cho Sinh viên PSU Quản trị Kinh doanh”, “Ảnh hưởng của mạng xã hội Facebook đến việc học tập của sinh viên: Nghiên cứu tại Khoa Đào tạo Quốc tế - Đại học Duy Tân”, “Các nhân tố tác động lên kỹ năng nói tiếng Anh của sinh viên Khoa Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Duy Tân”…

Tiểu ban 3 của Khối Khoa học Sức khỏe chia sẻ cho người nghe thông tin về nhiều căn bệnh cũng như cách phòng tránh. Tiêu biểu như: “Dịch tễ học của bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata ở Miền Trung - Việt Nam”, “Sán lá ký sinh ở ốc nước ngọt Việt Nam”, “Nghiên cứu về chất lượng cuộc sống và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư vú đang điều trị tại bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng”,...

Tiểu ban 4 của Khối Khoa học Xã hội và Tiểu ban 5 dành cho Khối Khoa học Tự nhiên bao gồm nhiều nghiên cứu giúp người nghe có những góc nhìn mới về văn hóa, đời sống tinh thần như: “Bộ bài chòi Việt Nam - cái nhìn so sánh với bài giấy dân gian Trung Hoa”, “Tư tưởng khoan dung và lạc quan trong Truyện Kiều của Nguyễn Du”, “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn Việt Nam gắn với định hướng hội nhập khu vực và quốc tế”… hay các nghiên cứu hữu ích nâng cao chất lượng cuộc sống như: “Chế tạo và nghiên cứu vật liệu phát quang dùng trong đèn chiếu sáng công nghệ cao”, “Nghiên cứu xác định hàm lượng Photpho trong một số loại hạt ngũ cốc bằng phương pháp quang phổ hấp phụ phân tử UV-vi",…
 
 
Cán bộ nghiên cứu, giảng viên Duy Tân tham gia Hội nghị
 
Các nghiên cứu xuất sắc nhất tại các Tiểu ban trình bày vào buổi sáng đã được lựa chọn để báo cáo trong Phiên Toàn thể vào buổi chiều. Đó là các báo cáo: “Thiết kế và chế tạo robot kiểm tra khuyết tật hàn” của nhóm tác giả Vũ Dương, Đặng Ngọc Sỹ, Phạm Quyền Anh, Hoàng Thái Hòa, Võ Hoàng Anh; “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại” của tác giả Hồ Tuấn Vũ; nghiên cứu “Phân bố kiểu gen và tỷ lệ đồng nhiễm HBV/HDV ở một số tỉnh Miền Trung, Việt Nam của nhóm tác giả Nguyễn Minh Hùng, Bùi Tiến Sỹ, Nguyễn Thành Trung, Thomas Bock; nghiên cứu “Ấn Độ trong chính sách tái cân bằng của Mỹ” của tác giả Trần Như Bắc... 

Hội nghị Nghiên cứu Khoa học Giảng viên đã ghi nhận sự nỗ lực của các cán bộ, giảng viên với những nghiên cứu ý nghĩa. Theo đánh giá của các Trưởng Tiểu ban, các báo cáo đã đi sâu vào từng mảng nghiên cứu chuyên ngành với nhiều đề tài mang tính thực tiễn, văn phong khoa học, nhiều chủ đề lựa chọn phù hợp với thực tế, tìm ra nhiều phương pháp nghiên cứu mới như định tính và định lượng, các nghiên cứu thực hiện nhiều thí nghiệm mang đến tính chính xác cao...

Năm 2016, hoạt động nghiên cứu khoa học của Đại học Duy Tân gặt hái được nhiều thành tích. Trong đó, Đại học Duy Tân đã xuất bản được 218 bài báo quốc tế, có 207 bài thuộc danh mục ISI với 140 bài trong số đó có các tác giả của Duy Tân là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ. Kết quả này gấp đôi con số của năm 2015 khi nhà trường xuất bản 105 bài báo quốc tế, trong đó có 101 bài thuộc danh mục ISI. Mới đây nhất, với 26/26 bài báo ISI xuất sắc đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học của Thành phố Đà Nẵng, các Nhà khoa học Duy Tân đã được khen thưởng tại Lễ Vinh danh “Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Khoa học & Công nghệ” năm 2016 của Tp. Đà Nẵng, TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu phó nhà trường vinh dự được vinh danh là 1 trong 20 nhà hoạt động Khoa học - Công nghệ tiêu biểu của Đà Nẵng giai đoạn 1997 - 2017 cùng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. 

Phát biểu tại Hội nghị, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân chia sẻ: “Từ một trường đại học đào tạo thưa vắng sinh viên với khoảng 7.500 sinh viên theo học năm 2004, thì đến năm 2016, trường đã có khoảng 20 nghìn sinh viên theo học mỗi năm. Trường mở động đào tạo nhiều ngành nghề, đào tạo đa bậc từ cao đẳng, đại học đến Thạc sĩ, Tiến sĩ. Cùng với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học đã tiến những bước rất lớn với 207 bài thuộc danh mục ISI năm 2016. Đây là kết quả của quá trình lao động đầy quyết tâm của cán bộ, giảng viên nhà trường. Tôi mong rằng, sau hội nghị hôm nay, sẽ có 100% giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học và tiến tới những năm tới đây, sẽ tổ chức Hội nghị nghiên cứu của từng chuyên ngành để các giảng viên phát huy năng lực nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.”

Cùng với hoạt động đào tạo và nghiên cứu, Đại học Duy Tân tổ chức thường niên các hội nghị như Hội nghị Nghiên cứu Khoa học sinh viên, Hội nghị Nghiên cứu Khoa học Giảng viên bên cạnh nhiều Hội nghị Quốc tế về Du lịch, Công nghệ Thông tin, Quang phổ… với sự tham dự của rất nhiều những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới. Những hoạt động ý nghĩa này đã giúp cho các cán bộ, giảng viên và sinh viên Duy Tân nắm vững những thông tin mới nhất về tình hình nghiên cứu hiện nay ở trong nước và thế giới để đưa ra các hướng nghiên cứu hữu ích, sát thực và đạt hiệu quả cao trong tương lai.

(Truyền Thông)