English

Hợp tác & Hội nhập

“Diễn đàn Khoa học Công nghệ Lần thứ 3” tại Đại học Duy Tân

Sáng 28/8/2016, Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Đại học Duy Tân và nhiều đơn vị khác tổ chức “Diễn đàn Khoa học Công nghệ Lần thứ 3” ngay tại Sân trường Đại học Duy Tân, số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Ngày hội mang tinh thần khởi nghiệp đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp, các nhà khoa học trẻ và các bạn sinh viên đến tham dự. Điểm nhấn của Ngày hội chính là sân chơi khởi nghiệp giúp các bạn sinh viên trình bày các ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp đầy tâm huyết. Sinh viên Đại học Duy Tân đã giành những giải thưởng cao nhất với 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba.

Sau hai lần tổ chức tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, “Diễn đàn Khoa học Công nghệ” được đánh giá rất cao bởi đã tạo ra một môi trường học tập và nghiên cứu sôi nổi giữa các nhà khoa học trẻ, các doanh nghiệp và sinh viên. Từ môi trường này, các nhà khoa học đã chia sẻ kinh nghiệm, định hướng và truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các bạn sinh viên, hỗ trợ hoàn thiện và thương mại hóa các sáng chế và sản phẩm nghiên cứu đồng thời kêu gọi vốn từ nhà đầu tư, qua đó nâng cao hiệu quả của phong trào khởi nghiệp. 

Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc và Đại học Duy Tân ký kết Thỏa thuận Hợp tác
để phát triển hệ sinh thái sáng tạo - khởi nghiệp của Tp. Đà Nẵng

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Bá Hậu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc cho biết: “Đến với Tp. Đà Nẵng lần này, chúng tôi thực sự vui mừng bởi nơi đây thực xứng đáng là thành phố khởi nghiệp, với sức trẻ sục sôi cùng sự đầu tư đồng bộ và có hiệu quả của chính quyền thành phố. Việc tổ chức “Diễn đàn Khoa học Công nghệ Lần thứ 3” và Starup UniTour tại Đại học Duy Tân, chúng tôi tin rằng sẽ góp phần tăng thêm cơ hội để những người trẻ hoạt động trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ cùng giao lưu, kết nối, tìm kiếm các cơ hội hợp tác để khởi nghiệp.”
 
Theo ông Hậu, Trung tâm đã ra mắt Ngân hàng Thông tin Khoa học Công nghệ giúp tra cứu ý tưởng, tìm kiếm sự hỗ trợ và kết nối với các chuyên gia của các viện nghiên cứu, hệ thống văn phòng đại diện Khoa học Công nghệ tại nước ngoài. Tới đây, Hệ thống trực tuyến hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp - 1 trong những dự án được Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan tài trợ sẽ được khởi động. Việc các đơn vị đào tạo, vườn ươm và các doanh nghiệp khởi nghiệp cùng chung tay phát triển hệ thống này sẽ giúp kết nối và hỗ trợ trong cộng động khởi nghiệp.  

Tại Diễn đàn, Trung tâm Dịch vụ Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng và Đại học Duy Tân đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác để phát triển hệ sinh thái sáng tạo - khởi nghiệp của Tp. Đà Nẵng. Talk show “Xây dựng Thành phố khởi nghiệp Đà Nẵng được tổ chức ngay tại ngày hội. Trong đó, ông Lý Đình Quân - Phó Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Ban Khoa học Công nghệ, Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao Hoà Lạc, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số cùng nhiều doanh nhân đã chia sẻ những kinh nghiệm, các dự án khởi nghiệp thành công cũng như hướng đến việc xây dựng Thành phố Khởi nghiệp Đà Nẵng.
 
 
Đông đảo các bạn trẻ tham quan gian hàng
giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên Đại học Duy Tân
 
Hơn 20 gian hàng của các doanh nghiệp giới thiệu đa dạng các sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực như giáo dục, môi trường, ẩm thực, nông nghiệp, dịch vụ thanh toán… đã thu hút đông đảo khách tham quan. Đặc biệt, gian hàng của Đại học Duy Tân giới thiệu 6 sản phẩm khởi nghiệp rất độc đáo gồm: 1) Dự án nuôi tôm sạch siêu năng suất không thay nước, 2) Dự án robot dò vết hàn, 3) Dự án Smart Garden của MIC, 4) Dự án máy pha chế cocktail tự động, 5) Dự án Kính dành cho người khiếm thị, 6) Máy phát bao cao su. 

6 sản phẩm này đã tham dự sân chơi khởi nghiệp với sự góp mặt của nhiều đội chơi đến từ các trường đại học trên địa bàn Tp. Đà Nẵng. Sau khi tranh tài quyết liệt với các đội bạn, sinh viên Đại học Duy Tân đã giành những giải thưởng cao nhất. Trong đó, giải Nhất thuộc về nhóm IWRobot gồm sinh viên Lê Quang Thành (Khoa Điện - Điện tử), Nguyễn Mạnh Tuấn (Khoa Điện - Điện tử) với sản phẩm “Robot kiểm tra mối hàn vỏ tàu”; Giải Nhì được trao cho nhóm SmartGlasses gồm sinh viên Lê Nhật Hưng (chương trình Du học Tại chỗ UIU), Nguyễn Trần Viết Chương (Khoa Đào tạo Quốc tế), Nguyễn Mạnh Tuấn (Khoa Điện - Điện Tử) với sản phẩm Kính dành cho người khiếm thị và giải Ba được trao cho nhóm sinh viên Phan Hồng Sang, Nguyễn Đăng Minh Hùng với Sản phẩm Vườn rau Thông minh (Smart Garden).
 
 
 Các sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên Duy Tân đoạt giải Nhất, Nhì, Ba
 
Sinh viên Lê Quang Thành - nhóm IWRobot đoạt giải Nhất cho biết: “Chúng em rất vui khi sản phẩm của mình được Ban Giám khảo đánh giá cao bởi tính khả thi và có thể phát triển thành sản phẩm thương mại. Sản phẩm ‘Robot kiểm tra mối hàn vỏ tàu’ là một nghiên cứu rất mới, có chi phí cao, áp dụng nhiều công nghệ mới đòi hỏi cả nhóm phải đầu tư nghiên cứu mới có thể tiếp cận và làm chủ được. Sản phẩm này giúp cho việc kiểm tra chất lượng mối hàn của tàu thủy chính xác hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian, chi phí và nhân công, tạo ra môi trường làm việc an toàn và chuyên nghiệp. Chúng em thực sự cảm ơn Đại học Duy Tân đã hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cũng như công nghệ để chúng em hoàn thành sản phẩm hữu ích này.”
 
Trước tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa trong khắp toàn trường với những thành công bước đầu là các giải thưởng giá trị của sinh viên Duy Tân, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân chia sẻ những điều tâm huyết: “Khởi nghiệp không phải là phát triển theo phong trào mà là đầu tư cho trí tuệ, với lựa chọn tâm điểm là các trường đại học. Từ môi trường đại học, những nhóm sinh viên sẽ được đào tạo để nâng cao kiến thức, hoàn thiện kỹ năng để từ đó hình hành các ý tưởng khởi nghiệp. Đừng nghĩ đầu tư cho khởi nghiệp là đầu tư rủi ro mà là đầu tư cho con người, cho các thế hệ tiếp nối trên con đường góp sức thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thấu hiểu tinh thần đó, Đại học Duy Tân đã đầu tư phát triển một vài chục nhóm sinh viên khởi nghiệp với nhiều ý tưởng, sản phẩm rất sáng tạo. Chính bởi sự ý nghĩa, thiết thực và có giá trị thực tiễn đối với xã hội mà nhiều sản phẩm của sinh viên Duy Tân đã giành những giải thưởng lớn tại các cuộc thi trong nước và quốc tế. Mong rằng, ‘Diễn đàn Khoa học Công nghệ Lần thứ 3’ tổ chức tại Đại học Duy Tân lần này sẽ tạo nên sự kết nối ý nghĩa trong cộng đồng khởi nghiệp, giúp các ý tưởng và sản phẩm khởi nghiệp sớm được ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của đất nước ngày càng phát triển lớn mạnh.”

(Truyền Thông)