English

Nghiên cứu

Hội thảo “Tài nguyên Cây thuốc ở Miền Trung”

Chiều ngày 21/12/2015, Khoa Dược Đại học Duy Tân phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP) tổ chức Hội thảo “Tài nguyên cây thuốc ở miền Trung”. Đến dự có TSKH. Trần Công Khánh - Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng phụ trách Khối Y Dược, Đại học Duy Tân cùng lãnh đạo Khoa Y, Khoa Điều dưỡng và đông đảo các bạn sinh viên quan tâm.
 
 
TSKH. Trần Công Khánh phát biểu tại Hội thảo
 
Nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm, Việt Nam có nguồn tài nguyên thực vật nói chung và nguồn cây thuốc dược liệu nói riêng rất phong phú và đa dạng. Cùng với kinh nghiệm gieo trồng và khai thác các loại dược liệu phục vụ chữa bệnh của cộng đồng các dân tộc, việc nghiên cứu chiết xuất các hoạt chất để sản xuất thuốc mới đang trở nên ngày càng khả thi. Tuy nhiên trên thực tế, việc nghiên cứu này đang còn khá hạn chế ở thời điểm hiện tại.
 
 
Đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên Duy Tân tham dự Hội thảo

Nhiều năm tâm huyết tìm hiểu và sưu tầm cây thuốc từ khắp mọi miền đất nước, xây dựng các vườn dược liệu quý cũng như nghiên cứu thành công nhiều bài thuốc chữa bệnh hữu hiệu, TSKH. Trần Công Khánh đã mang đến Hội thảo bức tranh toàn cảnh về sự phong phú và đa dạng của cây thuốc tại miền Trung cũng như tiềm năng sẵn có của cây thuốc Việt Nam. “Được đánh giá là đất nước có nguồn dược liệu khá phong phú nhưng việc khai thác cây thuốc để chữa bệnh ngày càng gia tăng mà không chú trọng việc trồng và nhân rộng các cây thuốc quý đã khiến cho nguồn tài nguyên dược liệu bị giảm sút nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang công nghiệp và xây dựng các công trình dân sự đã làm cho diện tích đất trồng dược liệu ngày càng thu hẹp lại, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Bởi vậy, tôi hy vọng Khoa Dược Đại học Duy Tân sẽ cùng phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát, đề xuất những mô hình khả thi để xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc ngay trên mảnh đất miền Trung.” - TSKH. Trần Công Khánh chia sẻ.

Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến đã đề cập đến vấn đề bảo tồn và phát triển các cây thuốc quý như: mô hình quản lý gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn văn hoá của các cộng đồng địa phương, biện pháp nâng cao hiệu quả của các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia, nghiên cứu gây trồng các loài cây thuốc có giá trị kinh tế cao, tập huấn cho người dân địa phương về quản lý và các kỹ thuật trồng và bảo quản cây thuốc…

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo sinh viên, Khoa Dược đã triển khai nhiều hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong đó có tổ chức seminar “Sàng lọc và Tìm kiếm các hợp chất có tác dụng chống ung thư từ nguồn cây thuốc Việt Nam”, triển khai nhiều đề tài nghiên cứu để sản xuất sâm Angelia Ngọc Linh, Trà hòa tan Hà thủ ô trắng,... nhằm nâng cao sức khỏe đời sống con người. Hội thảo do Khoa Dược tổ chức hôm nay thực sự có ý nghĩa để nâng cao ý thức của người dân trong việc trồng và bảo vệ nguồn tài nguyên cây thuốc quý, khôi phục lại vùng phân bố, khai thác phù hợp để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng.

(Truyền Thông)