Với mong muốn tạo nên một diễn đàn mở để các nhà nghiên cứu tại Việt Nam, khu vực Châu Á Thái Bình Dương và các nước trên thế giới chia sẻ thông tin, mở rộng cơ hội hợp tác trong quá trình hội nhập, Đại học Duy Tân đã phối hợp với Công ty TNHH Xuất bản & Nghiên cứu Kinh doanh (Ấn Độ) tổ chức Hội thảo Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 về Kinh doanh toàn cầu, Kinh tế, Tài chính và Khoa học Xã hội với chủ đề: “Hội nhập kinh tế của các quốc gia đang phát triển: Cơ hội và Thách thức”.
Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội thảo
Trong Lễ Khai mạc diễn ra vào sáng 10/7/2015, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cùng lãnh đạo các đơn vị, giảng viên các khoa trong toàn trường đã đón tiếp nhiều đại biểu của thành phố, các sở ban ngành đến tham dự hội thảo, như: ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng, ông Lê Quang Nam - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và TS. Elango Rengasamy - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Xuất bản & Nghiên cứu Kinh doanh, Ấn Độ - đại biểu phía đơn vị đồng tổ chức.
Hội thảo Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 2 về Kinh doanh toàn cầu, Kinh tế, Tài chính và Khoa học Xã hội đã thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo các đại biểu đến từ: Hoa Kỳ, Anh Quốc, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, New Zealand, Nigeria, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan và Việt Nam.
Đông đảo đại biểu Quốc tế tham dự Hội thảo
Trong bối cảnh sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường đã có những tác động không nhỏ tới giá cả, tỉ lệ cung cầu, nguồn lao động,… tạo nên sự biến động trong quá trình phát triển của một quốc gia, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển thì việc tháo gỡ rào cản mậu dịch giữa các nước để nâng cao lợi thế về cạnh tranh và hiệp lực, đảm bảo sự tăng trưởng toàn diện cũng như thịnh vượng về kinh tế của các nước khi tham gia vào thương mại và mậu dịch đa phương chính là vấn đề tiên quyết giúp các nước ổn định phát triển kinh tế trong trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
50 báo cáo được trình trình bày tại các phiên thảo luận của Hội thảo đã tập trung phân tích cụ thể thực trạng của các nước đang phát triển, những cơ hội, thách thức và đưa ra định hướng phát triển cho các quốc gia hiện nay. Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ đã chia sẻ tại buổi khai mạc: “Trong thế giới hiện nay, tài nguyên thiên nhiên dù đang cạn kiệt nhưng ‘tài nguyên’ chất xám vẫn không ngừng phát triển và tương tác lẫn nhau thúc đẩy các nước cùng phát triển. Thông qua buổi hội thảo hôm nay, tôi tin rằng các nhà khoa học từ nhiều quốc gia sẽ mang đến nhiều ý tưởng mới, sáng kiến hay để các quốc gia trên thế giới cùng chung tay hành động vì một thế hoà bình và bền vững”.
Ngay sau Hội thảo, các báo cáo có chất lượng tốt nhất sẽ được chọn và tiếp tục hoàn thiện để đăng trong các tạp chí Global Business Research Journals, GBRJ. Bên cạnh đó, Hội thảo sẽ trao Giải thưởng Trình bày Xuất sắc nhất cho các nhà nghiên cứu có phần trình bày tốt nhất tại Bế mạc Hội thảo và Giải thưởng Bài báo Xuất sắc nhất được công bố 2 tháng sau đó theo tiêu chí của Ban Tổ chức.
(Truyền Thông)