English

Hợp tác & Hội nhập

Dấu ấn Đại học Duy Tân tại Hội nghị Quốc tế CDIO 2014

Trước xu thế toàn cầu hóa với những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội trên con đường tiến tới hội nhập Cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015, đi tìm một mô hình để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với hệ thống giáo dục từng quốc gia. 20 năm kiện toàn và bứt phá với nhiều thành công lớn trong hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo, việc gia nhập Hiệp hội CDIO năm 2012 nhằm triển khai các mô hình đào tạo hữu ích cho sinh viên góp phần không nhỏ giúp Đại học Duy Tân nâng cao vị thế trong dòng chảy giáo dục. Tại Hội nghị Quốc tế CDIO Thường niên lần thứ 10 diễn ra tại Đại học Bách Khoa Catalunya, Barcelona, Tây Ban Nha từ ngày 15-19/6/2014, những hiệu quả trong triển khai CDIO tại Đại học Duy Tân thông qua các báo cáo chi tiết của các thành viên tham dự đã được ghi nhận và đánh giá cao.
 
Đại biểu của Đại học Duy Tân báo cáo tại Hội nghị 
 
Là hoạt động mang tính chất thường niên, Hội nghị Quốc tế CDIO lần thứ 10 thu hút 240 đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia, các tập đoàn công nghệ, kỹ sư, giảng viên và sinh viên đến từ 82 trường đại học và viện nghiên cứu đào tạo về khoa học kỹ thuật của 30 quốc gia. Trong diễn đàn lớn vì một nền giáo dục kỹ thuật phát triển, 95 bài báo (được đăng và báo cáo trực tiếp), 30 posters, 18 workshops, 4 showcases đã được giới thiệu. Lãnh đạo trong các cơ quan quản lý chính sách, cải cách giáo dục kỹ thuật và các tập đoàn công nghệ đến từ Hoa Kỳ, Canada, Australia đã tập trung thảo luận về các vấn đề Tiếp nhận và Huấn luyện sinh viên kỹ thuật mới tốt nghiệp, Chương trình Hỗ trợ cho người học từ phía doanh nghiệp, Nghiên cứu và Kết nối giữa doanh nghiệp với nhà trường… Cũng từ phiên thảo luận tại các nhóm, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai trực tiếp mô hình CDIO tại trường học. Trong đó, đại biểu đến từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển Đan Mạch, Thuỵ Điển, Phần Lan đã chia sẻ những sáng kiến hiệu quả để thu hút sinh viên thông qua việc giảng dạy tích cực, áp dụng CDIO vào các dự án lớn.
 
 
Các thành viên của Đại học Duy Tân tại Hội nghị
 
Cùng với những thành tựu trong hợp tác quốc tế để chuyển giao chương trình đào tạo và đưa sinh viên ra nước ngoài du học khi kết hợp với các trường đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ và Anh Quốc, Đại học Duy Tân đã đánh dấu cho một chặng đường phát triển thành công hơn với việc gia nhập Hiệp hội CDIO năm 2012. Duy Tân trở thành một trong hai thành viên chính thức của Việt Nam tham gia tổ chức có sự góp mặt của gần 100 trường đại học kỹ thuật hàng đầu ở khắp các châu lục.

Sau khi trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội CDIO, Đại học Duy Tân không ngừng tìm hiểu, học hỏi áp dụng mô hình CDIO vào khối ngành kỹ thuật của nhà trường đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm với các đối tác trong và ngoài nước. Hiện nay, theo hướng tiếp cận CDIO, tất cả các chương trình đào tạo kỹ thuật của nhà trường đều được hoạch định và cải tiến như: đưa môn học Giới thiệu Kỹ nghệ (Introduction to Engineering) vào năm thứ Nhất để sinh viên hiểu hơn về ngành nghề, Triển khai 2 đồ án CDIO (gồm 1 căn bản và 1 nâng cao), Áp dụng đánh giá kỹ năng và năng lực thực hiện của sinh viên thông qua các đồ án… Hàng năm, Duy Tân thường xuyên cử cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia Hội nghị CDIO thường niên, Hội nghị CDIO vùng, Hội nghị CDIO mùa thu và các CDIO Workshop khắp thế giới. Triển khai CDIO tại Duy Tân đã đạt nhiều kết quả tốt trong đó có Cúp vàng Luân lưu CDIO 2013 cùng 1 giải Nhất và 1 giải Nhì với các dự án “Sản phẩm Lọc nước Giá rẻ Tự làm dành cho Người dân Vùng Nông thôn” và “Mẫu Chữ cái Năng lượng Mặt trời và Pin” trong Cuộc thi CDIO Academy 2013 diễn ra tại Học viện MIT và Đại học Harvard (Hoa Kỳ).

Đại học Duy Tân có 4 thành viên với 6 báo cáo tham luận trực tiếp tại Hội nghị. Các báo cáo của Đại học Duy Tân là sự đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, là kết quả hợp tác với các đối tác trên thế giới và hiệu quả từ quá trình triển khai, áp dụng mô hình CDIO trong thời gian qua. Duy Tân là đại học trong khu vực châu Á có số lượng bài báo được chấp nhận đăng và báo cáo trực tiếp nhiều nhất tại Hội nghị. Các chủ đề mà Đại học Duy Tân báo cáo góp phần giải quyết các vấn đề mà giáo dục kỹ thuật đang gặp phải như: Đổi mới sáng tạo trong dạy và học, Đánh giá và kiểm định chương trình đào tạo, Thiết kế khung chương trình đào tạo, Hợp tác quốc tế,… Chương trình Learning Express và Oversea Industrial Learning Program mà Đại học Duy Tân đang triển khai với các đối tác trong khối ASEAN được đặt biệt quan tâm tại hội nghị.

Đánh giá về sự hợp tác và triển khai CDIO với Đại học Duy Tân trong những năm qua Helene Leong, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế đến từ Singapore Polytechnic cho biết: “Chúng tôi cảm ơn Đại học Duy Tân với những nỗ lực đồng hành và phát triển các chương trình trao đổi sinh viên cùng Singapore Polytechnic. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao sự tham gia tích cực, áp dụng và chia sẻ kinh nghiệm triển khai CDIO của Đại học Duy Tân trong Hội nghị lần này. Những nỗ lực của Đại học Duy Tân đã góp phần nâng cao vai trò và trách nhiệm của các trường Đại học trong khối ASEAN.”

Hội nghị Quốc tế CDIO thường niên lần thứ 10 diễn ra vào thời điểm các vấn đề đổi mới giáo dục kỹ thuật đang là thách thức lớn đối với nền giáo dục trên toàn thế giới. Thành công ban đầu từ khi tham gia Hiệp hội CDIO đã trở thành động lực để Đại học Duy Tân tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo để có những đóng góp thiết thực hơn nữa trong Hội nghị Quốc tế CDIO lần thứ 11 sẽ diễn ra tại Đại học Kỹ thuật Chengdu, Trung Quốc năm 2015 nhằm đưa giáo dục kỹ thuật toàn cầu phát triển lớn mạnh trong kỷ nguyên mới.
 
(Truyền thông)