English

DTU & Doanh nghiệp

Hội thảo "Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành vi mạch bán dẫn của Tp. Đà Nẵng"

Ngay sau hoạt động ký kết MOU hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại Tp. Đà Nẵng, Đại học Duy Tân đã phối hợp với Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao & các Khu Công nghiệp Đà Nẵng cùng Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu tổ chức Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành vi mạch bán dẫn của Tp. Đà Nẵng” vào chiều ngày 27/1/2024 tại Đại học Duy Tân. Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các chuyên gia cùng các giảng viên và sinh viên trao đổi thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực và chương trình đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn tại Tp. Đà Nẵng. 
 
Hội thảo
Ông Vũ Quang Hùng - Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, 
Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao & các Khu Công nghiệp Đà Nẵng 
phát biểu tại Hội thảo
 
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, ông Vũ Quang Hùng - Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao & các Khu Công nghiệp Đà Nẵng nhấn mạnh: “Sau chuỗi sự kiện bước đầu như: thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế Vi mạch và Trí tuệ Nhân tạo Đà Nẵng (DSAC), tọa đàm 'Đà Nẵng và chính sách phát triển vi mạch, trí tuệ nhân tạo' cùng Lễ Ký kết Hợp tác MOU giữa 3 bên là Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao & các Khu Công nghiệp Đà Nẵng, Đại học Duy Tân và Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu, Hội thảo được tổ chức ngày hôm nay thể hiện sự nhanh chóng trong việc thúc đẩy các bước triển khai tiếp theo giữa các bên trong lĩnh vực này. 
 
Bán dẫn là một lĩnh vực công nghệ cao rất phức tạp và tinh vi. Các công đoạn trong sản xuất vi mạch có thể gói gọn trong ba khâu là Thiết kế, Chế tạo và Lắp ráp - kiểm tra, đóng gói. Trong đó, 2 khâu là Thiết kế và Lắp ráp - Kiểm tra, đóng gói đang được xác định là tạo ra nhiều cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Hiện tại, nhu cầu về nguồn nhân lực làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn rất lớn, hay nói đúng hơn là đang xảy ra tình trạng khan hiếm. Do đó, một trong những giải pháp hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp này là phát triển nguồn nhân lực chuyên môn trong nước, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao, ổn định, có sức cạnh tranh để thu hút được các công ty vi mạch thế giới đến hoạt động tại Việt Nam. Tp. Đà Nẵng đang tập trung xây dựng một chiến lược để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trước mắt là tập trung vào khâu thiết kế vi mạch và phát triển nguồn nhân lực vi mạch, đồng thời định hướng cung ứng không chỉ cho thành phố mà cho cả khu vực.” 
 
Hội thảo
Ông Lưu Huê Tiến - Tổng Giám đốc Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu
 chia sẻ tâm huyết với hoạt động đào tạo ngành vi mạch bán dẫn
 
Ông Lưu Huê Tiến - Tổng Giám đốc Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự, rất vui và tự hào khi có mặt trong chương trình hội thảo quan trọng này. Vui là vì chúng tôi được đóng góp một phần công sức để xây dựng lực lượng lao động chất lượng trong tương lai cho Tp. Đà Nẵng. Tự hào vì tập thể Sun Edu được lãnh đạo của địa phương và trường Đại học Duy Tân tin tưởng ký kết hợp tác để cùng chung tay xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn. Vai trò của Sun Edu là rút ngắn quãng đường từ giảng đường đại học đến doanh nghiệp. Làm sao đó để sinh viên của chúng ta sau khi ra trường, vào doanh nghiệp là có thể đảm nhận được công việc ngay mà không cần phải đào tạo lại. Từ những trăn trở đó, chúng tôi luôn cố gắng xây dựng những chương trình đào tạo sát với thực tế. Mỗi một chương trình đào tạo đều được chúng tôi nghiên cứu dựa trên những tiêu chuẩn chung của từng vị trí công việc, của ngành nghề nhằm tạo ra những phân khúc phù hợp với công việc mà các bạn đảm nhận ở doanh nghiệp.”
 
Tiếp đón lãnh đạo của 2 đơn vị đến tham gia hội thảo, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Duy Tân nhận định: “Được Ban Thường vụ Thành Uỷ cùng Uỷ ban Nhân dân Tp. Đà Nẵng giao nhiệm vụ cùng với các đơn vị thực hiện đào tạo nguồn nhân lực vi mạch cho thành phố là vinh dự lớn cho nhà trường. Có thể nói đây cũng là một nhiệm vụ rất gian nan bởi ngành vi mạch, bán dẫn là ngành cần có sự đầu tư rất lớn. Đặc biệt, sinh viên theo học ngành này phải là những người giỏi về toán học và có tính kiên trì trong học tập. So với Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vốn có nhiều trường đại học lớn, tập trung rất nhiều sinh viên giỏi, Đà Nẵng là một thành phố của miền Trung - dải đất nghèo của Việt Nam cũng có rất nhiều nhân tài trẻ nhưng chưa thể so sánh với 2 đầu đất nước. Vì thế mà thầy và trò Đại học Duy Tân càng phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng lực đào tạo. Nhà trường mong muốn cùng với nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn với những chương trình đào tạo chất lượng, các em sinh viên sẽ không ngừng nỗ lực trong học tập để gặt hái được những thành công nhất định trên chính con đường phát triển sự nghiệp của bản thân các em.”
 
Hội thảo
Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng trường
Đại học Duy Tân kỳ vọng thế hệ sinh viên hội đủ mọi năng lực
góp phần phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn
 
Để sinh viên nắm bắt sâu và rộng về quá trình thiết kế và sản xuất IC, ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Kỹ thuật AD Technology Việt Nam đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về ngành thiết kế vi mạch. Qua đó, sinh viên được tìm hiểu rất rõ về vai trò của kỹ sư thiết kế vi mạch, kỹ sư kiểm thử, kỹ sư mô phỏng mạch, và kỹ sư tích hợp mạch. Điều này giúp các bạn sinh viên hình dung rõ nét hơn về ngành này và nhận thức về những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn mà nó mang lại.
 
Trong khuôn khổ của chương trình, Hội thảo đã dành nhiều thời gian cho phần Toạ đàm với mục tiêu tư vấn nghề nghiệp, cơ hội, thách thức và những gì cần chuẩn bị để tham gia vào đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch. Cùng với 3 khách mời gồm ông Vũ Quang Hùng, ông Lưu Huê Tiến, ông Lê Thanh Tuấn có các đại diện của Đại học Duy Tân là PGS.TS. Hà Đắc Bình - Hiệu trưởng Trường Công nghệ và PGS.TS. Nguyễn Gia Như - Hiệu trưởng Trường Khoa Máy tính. 
 
Hội thảo
Phần tọa đàm với nhiều giải đáp cho sinh viên 
tìm hiểu sâu về ngành vi mạch bán dẫn
 
Theo đề án Phát triển Nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Quốc gia do Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn trong đó dự kiến có khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế chip. Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực ở trên, trọng trách rất lớn đặt lên vai các trường đại học cùng các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực này với nhiều hoạt động đào tạo. 
 
Trong đó, sinh viên có thể tham gia vào chương trình Đào tạo Ngắn hạn dành cho các bạn đang theo học các ngành gần để được cấp các Giấy chứng nhận, đảm bảo đáp ứng với nhu cầu của doanh nghiệp. Các em học sinh có thể lựa chọn theo học các chuyên ngành về Thiết kế Vi mạch tại các trường đại học trong khoảng thời gian 4-5 năm để có một tấm bằng chính thức ở lĩnh vực này.
 
Hội thảo
Các khách mời, giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân
 chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
 
PGS.TS. Hà Đắc Bình - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thuộc Đại học Duy Tân cho biết: “Hiện tại, Đại học Duy Tân đang đào tạo chuyên ngành Thiết kế Vi mạch Bán dẫn với thời gian là 4,5 năm. Sinh viên sẽ tốt nghiệp vào dịp cuối năm dương lịch để ngay khi bước sang năm mới có thể đón đầu làn sóng tuyển dụng từ các doanh nghiệp. Điều này rất thuận lợi cho các em sinh viên. Nhà trường đã đầu tư rất bài bản về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo cùng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm hỗ trợ tối đa để các em vững tay nghề ngay khi bước vào làm việc ở doanh nghiệp.”
 
Cùng với các ngành có thu nhập rất cao ở khối Công nghệ Thông tin, sinh viên ngành Thiết kế Vi mạch Bán dẫn sau khi tốt nghiệp có thể nhận mức lương trên 12 triệu đồng/tháng, và tăng nhanh qua từng năm, có thể lên tới 100 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm và vị trí làm việc. Đây là chất xúc tác rất lớn để các em lựa chọn và yên tâm theo học để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này.
 
Đối với chương trình Đào tạo Ngắn hạn về Thiết kế vi mạch dành cho Giảng viên và Sinh viên, Đại học Duy Tân cùng với Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu và Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng sẽ có nhiều kết nối hợp tác với các Doanh nghiệp trong lĩnh vực Thiết kế vi mạch để ký kết tuyển dụng, hỗ trợ học phí cho người học. 
 
Hội thảo thực sự là diễn đàn ý nghĩa để các chuyên gia, doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên hiểu rõ về tầm quan trọng của lĩnh vực này trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như có góc nhìn tổng quát về ngành nghề để có những lựa chọn đúng đắn cho tương lai.
 
(Truyền Thông)