Cần tự tin trước khi bước vào kỳ thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Toán: Không nên có lời giải quá vắn tắt
Trong quá trình làm bài, phải kiểm soát được những gì mình viết ra, hết sức tập trung để tính toán và biến đổi cho đúng, phải lập luận và giải thích trong từng bước làm. Không nên có lời giải quá vắn tắt vì có thể không phù hợp với đáp án. Nên trình bày các bước trung gian thật cụ thể để khi dư giờ có thể dò lại dễ dàng hơn. Đặt điều kiện (nếu có) để bài toán tồn tại. Cuối mỗi bài toán phải nêu kết luận.
Thí sinh cần tránh một số sai sót như: Không đọc kỹ đề và thay thế sai dữ liệu, hiểu lạc đề nên đặt vấn đề sai. Sử dụng không đúng hoặc tùy tiện các ký hiệu, khái niệm toán học. Khi giải phương trình quên đặt điều kiện để phép biến đổi là tương đương.
Trần Văn Toàn (Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM)
Ngữ văn: Tránh dài dòng, lan man
Ở phần đọc hiểu, học sinh sẽ phải trả lời một số câu hỏi như xác định nội dung, thông tin chính, ý nghĩa văn bản, chi tiết, tên văn bản; ý nghĩa của từ ngữ, cú pháp; các biện pháp nghệ thuật tiêu biểu và tác dụng của chúng... Với văn bản văn học, đặc biệt là văn bản có tính chất hư cấu, học sinh cần phân biệt nội dung cụ thể của văn bản với ý nghĩa toát ra từ nội dung đó... Một điểm mới trong yêu cầu ở phần đọc hiểu năm nay là tích hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt vào việc đọc hiểu văn bản. Với mỗi câu hỏi, học sinh cần chú ý trả lời ngắn gọn, rõ ràng, tránh dài dòng, lan man.
Để làm tốt phần làm văn với cả hai dạng bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học, thí sinh cần biết cách viết ngắn gọn, chặt chẽ mà thuyết phục để đảm bảo được yêu cầu. Học sinh phải xác định một lập luận chặt chẽ thuyết phục với hệ thống ý: vài hiểu biết về tác giả, tác phẩm - xuất xứ nhân vật, những đặc điểm nổi bật ở nhân vật, nghệ thuật xây dựng nhân vật, đánh giá ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm; ý nghĩa của nhân vật đối với bản thân...
Thạc sĩ Triệu Thị Huệ (Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Vật lý: Đọc thật kỹ từng câu hỏi
Khi làm bài, thí sinh cần lưu ý: Đọc kỹ câu hỏi, không bỏ sót từ nào của phần dẫn để nắm thật chắc nội dung mà đề bài yêu cầu trả lời. Cân nhắc để chọn đúng phương án trả lời. Chú ý tới các từ phủ định như “không”, “không đúng”, “sai”... Phải đọc và xem xét hết cả 4 phương án trình bày a, b, c, d trong phần lựa chọn, tránh những trường hợp vừa đọc được một phương án đã cảm thấy đúng ngay và không đọc các phương án tiếp theo. Tạm bỏ qua những câu khó để chuyển sang làm những câu khác “dễ hơn”, rồi quay lại làm những câu đó sau. Không bỏ sót hoặc để trống bất kỳ câu nào.
Võ Lý Văn Long (Trường THPT Vĩnh Viễn, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Hóa học: Bám sát nội dung trong sách giáo khoa cơ bản
Trước ngày thi, thí sinh cần bám sát nội dung trong sách giáo khoa cơ bản, chuẩn kiến thức và kỹ năng; đặc biệt lưu ý phần tên gọi và công thức các chất, các phản ứng cơ bản, các câu in chữ màu xanh trong sách giáo khoa. Các em giỏi hơn muốn đạt điểm tối đa phải đọc kỹ phần cấu tạo, lý tính, ứng dụng vì đây là những câu thường dễ mất điểm.
Vào phòng thi, thí sinh để giấy tờ cần thiết, bút chì 2B (không nên dùng bút chì kim), gôm, máy tính, đồng hồ lên bàn để xem giờ làm bài... Khi nhận giấy làm bài trắc nghiệm, điền đầy đủ thông tin cần thiết; lưu ý tất cả phần viết đều bằng bút mực và phần tô bằng bút chì. Kiểm thật kỹ từng chữ số trong số báo danh (chú ý nếu có số 0 đầu tiên cũng phải tô vì thí sinh hay tô nhầm số 1 vào vị trí số 0). Cần chú ý tới câu hỏi có ý phủ định như “không”, “sai”..., kiểm tra lại các câu có nội dung tổng hợp.
Trần Đình Hương (Tổ trưởng Tổ hóa học Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM)
Lịch sử: Làm đề cương chi tiết
Khi tiếp xúc với đề thi, thí sinh phải đọc thật kỹ, hiểu yêu cầu cụ thể của đề, tránh tình trạng lạc đề, đảm bảo bài làm cân đối, đầy đủ, tránh tình trạng lúc đầu làm quá nhiều chi tiết không cần thiết, càng về sau càng ngắn vì không còn đủ thời gian.
Viết ra giấy nháp nội dung cơ bản của đề thi dưới dạng đề cương chi tiết, trên cơ sở đó, vận dụng kiến thức để làm bài. Ðề cương trả lời câu hỏi nên làm ngắn gọn và sắp xếp hợp lý theo một cấu trúc rõ ràng có luận đề, luận điểm, luận cứ, luận chứng...
Thạc sĩ Nguyễn Văn Tiến (Trường THPT Vĩnh Viễn, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Địa lý: Lưu ý khi vẽ biểu đồ
Khi nhận đề thi, thấy câu hỏi có một trong các từ “tỷ lệ”, “tỷ trọng”, “cơ cấu”, “kết cấu” (nếu bảng số liệu là số thường thì thí sinh chuyển sang đơn vị %) dưới hoặc bằng 3 năm thì vẽ biểu đồ tròn; trên 3 năm vẽ biểu đồ miền. Khi câu hỏi có 1 trong 3 từ “tăng trưởng”, “phát triển”, “biến động” thì vẽ đồ thị. Bảng số liệu có 2 đơn vị, trên 3 năm thì vẽ biểu đồ kết hợp (2 trục tung). Sau khi vẽ xong cần ghi đầy đủ các yếu tố trên biểu đồ, chú thích, ký hiệu, đơn vị.
Lưu ý phần mục lục ở trang 31 trong Atlat sẽ giúp thí sinh tìm nhanh vấn đề cần trả lời theo câu hỏi.
Châu Thị Nguyệt (nguyên Tổ trưởng Tổ địa lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Môn sinh: Dùng phương pháp loại suy chọn đáp án
Trong đề thi thường có khoảng 20% câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp, đòi hỏi khả năng tư duy và linh động sáng tạo để hạn chế giải quyết vấn đề máy móc, rập khuôn... Đây là những câu hỏi khó.
Với hình thức thi trắc nghiệm, học sinh vẫn có nhiều cơ hội để kiếm điểm trên trung bình so với hình thức thi tự luận. Ví dụ các em có thể dùng phương pháp suy để loại trừ những đáp án sai, còn lại là đáp án đúng.
Phạm Thu Hằng (Trường THPT Tân Bình, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Tiếng Anh: Đảm bảo tốt phần trắc nghiệm trước
Đề thi có 80% câu hỏi trắc nghiệm như các năm trước và 20% là tự luận. Trước tiên, thí sinh phải đảm bảo làm tốt các câu trắc nghiệm sau đó mới làm các phần khác. Khi viết luận, không phải tiếng Việt nghĩ sao thì viết tiếng Anh như vậy mà phải đảm bảo đúng ngữ pháp.
Thông thường, học sinh không đạt điểm cao do làm không tốt phần điền từ vào đoạn văn và đoạn văn đọc hiểu. Đây là 2 nội dung mất nhiều thời gian nhất trong đề thi. Vì vậy, học sinh phải chuẩn bị vốn từ vựng phong phú.
Lê Thanh Tùng (Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM)
Bích Thanh (ghi)
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140528/lam-bai-tot-cac-mon-thi-tot-nghiep.aspx