Tin tức Tuyển sinh


Môn ngoại ngữ thi tốt nghiệp là “viết”, không phải “viết luận”

Cụ thể, về đề thi môn ngoại ngữ, trả lời câu hỏi thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT năm nay thí sinh phải làm bài thi viết hay viết luận, ông Mai Văn Trinh giải thích trong văn bản chính thức, Bộ GD-ĐT nêu rõ môn ngoại ngữ gồm viết và trắc nghiệm. Riêng, phần viết trong ngoại ngữ có nhiều dạng như: chuyển từ bị động sang chủ động, điền từ vào chỗ trống, sắp xếp lại câu… hay khó hơn là viết theo các topic, chủ đề. Còn viết luận cũng là một dạng của viết nhưng khó hơn nhiều. “Và thi tốt nghiệp năm nay môn ngoại ngữ sẽ chuẩn hóa “viết” chứ không phải viết luận”, ông Trinh nhấn mạnh.
 
Riêng môn Văn, đề thi sẽ có 2 phần: đọc hiểu và nghị luận. Trước bất an của các em học sinh rằng bộ GD-ĐT công bố sẽ thay đổi cách ra đề thi một số môn trong thi tốt nghiệp năm nay khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là thi khiến các em đột ngột, ông Mai Văn Trinh cho rằng, những thay đổi trong thi tốt nghiệp năm nay Bộ đã có hướng dẫn xuyên suốt từ đầu năm học về đổi mới cách dạy và học, không phải là đột ngột.
 
Liên quan đến việc có ý kiến cho rằng với cách tính điểm tốt nghiệp năm nay có thể có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, ông Trinh khẳng định việc xét tốt nghiệp THPT như Bộ GD-ĐT đưa ra (50% là điểm thi tốt nghiệp, 50% là điểm của cả quá trình học lớp 12) là nhằm mục đích giảm áp lực thi cử cho học sinh và đỡ tốn kém cho xã hội, nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy khi tổ chức một kỳ thi quốc gia. Việc xét tốt nghiệp THPT này đã được nhiều nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới áp dụng. “Bộ GD-ĐT cũng đã lường trước việc xét xếp loại tốt nghiệp như trên có thể dẫn đến tiêu cực nên đã chỉ đạo các sở, trường học thực hiện tốt việc chấm điểm và đánh giá học sinh. Đến nay, nhiều Sở GD-ĐT đã chủ động thực hiện quản lý điểm và đánh giá học sinh bằng phần mềm. Vì vậy, điểm số của học sinh khó có thể thay đổi”, ông Trinh nhấn mạnh. Cũng theo ông Trinh, với cách xếp loại tốt nghiệp năm nay có tạo nên tình trạng 100% học sinh đỗ tốt nghiệp hay không thì phải chờ kết quả kỳ thi, “chúng ta phải có niềm tin vào lực lượng, các giáo viên, vào các trường”. Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là tăng cường khâu kiểm soát, thanh kiểm tra để hạn chế thấp những sai sót, vi phạm.
 
Đặc biệt, dư luận vẫn cho rằng, với việc kỳ thi chỉ còn 4 môn thì năm nay, có những thí sinh hệ giáo dục thường xuyên bị trượt tốt nghiệp từ năm ngoái không cần thi lại vẫn có thể đỗ tốt nghiệp (vì cả 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn trùng với 4 môn mà các em năm ngoái đã thi, được bảo lưu điểm) nếu các em đủ điều kiện để xét tuyển. Vấn đề này đã làm nảy sinh tâm lý trong dư luận cho rằng, học sinh hệ THPT không được bảo lưu, học sinh GDTX được bảo lưu thì không công bằng. Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh cho biết,  vì học sinh GDTX là đối tượng đặc biệt (các em vừa học vừa làm) nên Nhà nước ưu tiên cho đối tượng này được bảo lưu kết quả thi tốt nghiệp, bảo đảm cho các em được thụ hưởng chính sách giáo dục nhân văn của nhà nước. Bởi vậy, năm 2014 này sẽ có những em không cần thi lại vẫn có thể đỗ tốt nghiệp vì cả 4 môn mà các em năm ngoái đã thi, được bảo lưu điểm. “Tuy nhiên, cần hiểu là không phải không thi mà vẫn đỗ, mà là do các học viên giáo dục thường xuyên được bảo lưu điểm thi của những môn thí sinh đã thi năm 2013 đạt yêu cầu rồi. Điều quan trọng là tổng điểm của 4 môn (điểm thi hay điểm bảo lưu) chỉ chiếm 50% tổng điểm xét tốt nghiệp, còn điểm trung bình năm học lớp 12 chiếm 50%” - Ông Trinh cho hay.
 
PHAN THẢO
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2014/4/346501/

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.