Theo một nguồn tin riêng của Tiền Phong, lúc đầu, ban soạn thảo đã đưa ra 5 phương án tương đối giống nhau. Tuy nhiên, ưu điểm của 5 phương án là đảm bảo yêu cầu của Bộ: Không nên hiểu là bỏ điểm sàn mà thay thế vào đó bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng và thực chất cũng là… sàn!
Nguồn tin này cho biết, các ý kiến thảo luận tập trung vào 2 điểm chủ yếu: một là phải có sàn- hoặc là 1 điểm sàn chung, hoặc là mỗi môn thi có một điểm sàn. Hai, các trường có thể mềm dẻo trong chính sách tuyển sinh, đặt hệ số cho các môn thi để phù hợp với các ngành nghề đào tạo.
Theo các đại biểu, trước đây, thi theo khối A, B, C… và hệ số điểm không được sử dụng mềm dẻo nên có những thí sinh thi vào trường Y đạt 25 điểm, chẳng hạn, vẫn trượt và đứng ngoài cổng trường ĐH vì các trường khác đã tuyển xong. Hoặc có thí sinh được 1 điểm môn Vật lý nhưng điểm Toán và Hóa cao vẫn được vào học ngành Vật lý… Vì vậy, điểm sàn mới, theo các đại biểu, phải được tính theo cách thức nào đó để các trường có thể chọn từ trên xuống dưới giúp thí sinh giỏi không trượt ĐH.
Cuối cùng, nguồn tin này nói, đa số ý kiến đồng ý với phương án tính sàn theo tổng cho dễ. Cụ thể, theo phương án được đồng tình xây dựng ngay tại cuộc bàn thảo là sẽ có 4 điểm sàn. Các đại biểu tạm gọi 4 điểm sàn được tính chung từ cao xuống thấp là các mức sàn A, B, C và D.
Theo đó, các mức A và B sẽ tuyển sinh vào bậc ĐH: Các thí sinh đạt mức điểm sàn A sẽ được tuyển trước; nếu các trường chưa đủ chỉ tiêu, các thí sinh đạt mức sàn B sẽ được “vào cuộc” xét tuyển. Lúc này, những thí sinh đạt mức sàn A sẽ được thêm một cơ hội thứ hai; mức điểm sàn C thấp hơn A và B một chút thuộc về các thí sinh đạt điểm mấp mé vào ĐH sẽ được các trường còn thiếu chỉ tiêu tuyển dụng; tuy nhiên, các thí sinh này sẽ phải học thêm để củng cố kiến thức rồi mới được học ĐH chính thức.
Sàn cuối cùng tạm mang tên sàn D dành cho cao đẳng và sau đó là trung cấp. Theo nhiều đại biểu, phương án này mang lại sự mềm dẻo hơn cho cả thí sinh và các trường. Điểm mới thứ 2 trong phương án chưa có tên này là các trường tuyển sinh được sử dụng hệ số trong các môn thi để tuyển sinh và các thí sinh đáp ứng yêu cầu của điểm sàn sẽ được tuyển theo hệ số, tùy trường.
Điểm sàn nào là A, B, C, D sẽ được tính sau và theo 2 phương án: Có thể tính từ trước ra đề cho phù hợp hoặc cũng có thể tính sau. Nếu tính trước sẽ phải chỉ đạo từ khâu ra đề; nếu là tính sau thì khi có điểm thi xong, điểm sàn sẽ được tính theo từng phân khúc…
Được biết, quan điểm của Bộ GD&ĐT không nên hiểu là bỏ sàn mà chỉ thay bằng ngưỡng khác để đảm bảo chất lượng và một sự kiện tương tự sẽ diễn ra tại TPHCM để bàn thảo trước khi đưa phương án dự thảo chính thức xin ý kiến đóng góp của xã hội.
Hồ Thu
Nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/se-co-4-muc-diem-san-thi-tuyen-sinh-688315.tpo