Theo đó, yêu cầu đối với hồ sơ ĐKDT là thí sinh phải ghi đầy đủ, rõ ràng, sạch sẽ vào các mục theo yêu cầu và không sửa chữa, tẩy xoá. Theo quy định, trong hồ sơ, nếu là số, ghi bằng chữ số Ả rập (0, 1, 2, 3,…), không ghi bằng chữ số La mã (I, II, III,…).
Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT lưu ý năm 2014 có có điều chỉnh một số đối tượng ưu tiên, nên thí sinh phải tự xác định thuộc đối tượng nào rồi ghi vào hồ sơ đăng ký dự thi. Nếu thí sinh cố tình khai man sẽ bị xử lý. Thí sinh thuộc diện ưu tiên phải nộp đủ giấy chứng nhận hợp pháp (bản sao) kèm theo phiếu đăng ký dự thi.
Theo hướng dẫn, thí sinh có nguyện vọng dự thi vào trường nào thì mua hồ sơ ĐKDT gồm một túi đựng hồ sơ (đây chính là một phiếu ĐKDT) và phiếu số 1, số 2.
Thí sinh phải ghi đầy đủ các mục ở mặt trước túi hồ sơ và phiếu số 1, số 2 theo hướng dẫn ghi ở mặt sau phiếu số 2 rồi nộp cho nơi nhận hồ sơ kèm theo bản sao (có công chứng) các giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên (con liệt sĩ, con thương binh...), các giấy tờ theo yêu cầu của trường tuyển sinh riêng (nếu có) và 2 ảnh cỡ 4x6 kiểu chứng minh thư mới chụp trong vòng 6 tháng (có ghi rõ họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, tỉnh, huyện và mã số đơn vị ĐKDT vào mặt sau tấm ảnh, 2 ảnh này đựng trong một phong bì nhỏ).
Ngoài ra phải dán thêm 1 ảnh vào mặt trước túi đựng hồ sơ. Thí sinh dự thi vào những trường tuyển sinh riêng cần ghi rõ những giấy tờ còn thiếu so với yêu cầu của trường (như học bạ, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông...) vào phần cuối của phiếu đăng ký dự thi.
Các giấy tờ này phải nộp bổ sung cho trường trước thời hạn qui định của từng trường.
Nơi thu hồ sơ giữ lại túi hồ sơ, phiếu số 1 và 2 ảnh, trả lại phiếu số 2 cho thí sinh sau khi đã ký và đóng dấu xác nhận.
Thí sinh lưu giữ phiếu số 2 này để nhận giấy báo thi, giấy chứng nhận kết quả thi, báo điểm và trong trường hợp bị thất lạc giấy báo thi hoặc có những sai sót trước lúc thi, thí sinh đem phiếu này kèm theo giấy giới thiệu của nơi thu hồ sơ trực tiếp tới trường để làm thủ tục dự thi.
Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức bốn cụm thi:
- Cụm thi tại Tp. Hải Phòng dành cho thí sinh thi vào Trường ĐH Hàng Hải và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, có nguyện vọng thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực Hà Nội;
- Cụm thi tại Tp.Vinh dành cho thí sinh thi vào trường ĐH Vinh và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, có nguyện vọng thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh;
- Cụm thi tại TP.Cần Thơ dành cho thí sinh thi vào trường ĐH Cần Thơ và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Thành phố Cần Thơ có nguyện vọng thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực TP.Hồ Chí Minh;
- Cụm thi tại TP.Quy Nhơn dành cho thí sinh thi vào trường ĐH Quy Nhơn và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, có nguyện vọng thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.
Riêng thí sinh của các tỉnh nói tại mục a, b, c, d nếu đăng ký dự thi vào các trường ĐH thuộc khối Quốc phòng, Công an và các trường hoặc các ngành năng khiếu sau đây vẫn phải đến trường ĐH, CĐ để dự thi: Thể dục Thể thao, Nghệ thuật, Mỹ thuật, Nhạc, Hoạ, Sân khấu Điện ảnh, Kiến trúc, Mỹ thuật công nghiệp, Văn hoá quần chúng, các ngành năng khiếu của các trường sư phạm.
Những thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh (thành phố) được chỉ định dự thi tại các cụm thi nhưng tốt nghiệp THPT tại các tỉnh (thành phố) khác, không bắt buộc phải dự thi tại cụm thi đã được chỉ định.