Tin tức Tuyển sinh


Nhiều thay đổi trong tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2014

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT

Sửa đổi Quy chế tuyển sinh

 

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Trong Nghị quyết TƯ 8 vừa thông qua về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT có nói rõ về việc đổi mới tuyển sinh và giao cho các trường. Bộ GD-ĐT đang lên kế hoạch thực hiện các chỉ đạo của Đảng cũng như các điều khoản của Luật GD ĐH để chuẩn bị phương án tuyển sinh cho phù hợp.
 
Tuyển sinh 2014 sẽ có nhiều thay đổi.
Tuyển sinh 2014 sẽ có nhiều thay đổi.

 

Do vậy, hiện Bộ GD-ĐT đang gấp rút sửa đổi Quy chế tuyển sinh phù hợp với luật GD ĐH để các trường có thể thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả 2 hình thức theo quy chế. Dự kiến, sẽ đưa vào quy chế những điều kiện thỏa mãn phương án tuyển sinh riêng. Bộ dự kiến sẽ ban hành sớm Quy chế tuyển sinh để các trường kịp thực hiện".

 

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Ga, tuyển sinh năm 2014, Bộ sẽ sửa đổi ưu tiên khu vực bởi vì sau nhiều năm thực hiện chính sách ưu tiên khu vực, có một số tỉnh thành phố đã phát triển tốt hơn, thu nhập bình quân đầu người cao hơn và điều kiện xã hội phát triển tốt hơn. Nếu các thí sinh ở những vùng này tiếp tục được ưu tiên cộng điểm khu vực thì sẽ bất hợp lý và không công bằng cho những thí sinh ở vùng khác. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại và điều chỉnh để đảm bảo công bằng hơn cho các thí sinh ở các vùng miền khó khăn.

 

Thứ trưởng Ga cho hay, với những trường đã đề xuất phương án tuyển sinh riêng, khi Quy chế tuyển sinh được điều chỉnh, bổ sung thì phương án nào thích hợp sẽ được thực hiện từ năm 2014. Những trường không có phương án tuyển sinh riêng tiếp tục thực hiện kỳ thi “3 chung” của Bộ cho đến 2015. Sau năm 2015, cùng với việc thay đổi căn bản và toàn diện giáo dục và đổi mới cách đánh giá phổ thông, sẽ có thể có những đổi mới mạnh mẽ hơn.

 

"Trước khi ban hành Quy chế mới, Bộ sẽ tham thảo ý kiến rộng rãi của các nhà giáo dục và xã hội” - Thứ trưởng Ga cho biết.

 

Bộ GD-ĐT chỉ nên kiểm soát chất lượng!

 

Nhận định về vấn đề ĐH Việt Nam hiện nay, TS Ngô Tự Lập - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần chủ động thương mại hóa giáo dục đại học một cách hợp lý. Cần phải coi các trường đại học vì mục đích kinh doanh là những doanh nghiệp, chịu sự kiểm soát của nhà nước thông qua pháp luật, trước hết là Luật doanh nghiệp và Luật Giáo dục đại học.

 

Theo TS Lập, hiện nay Bộ GD-ĐT nên kiểm soát chất lượng thông qua các quy định về chương trình, tài liệu, giáo viên và cơ sở vật chất của các trường, thay vì kiểm soát đầu vào thông qua kỳ thi đại học đại trà và điểm sàn như hiện nay. Chúng ta nên cho phép các trường tự tuyển sinh, áp dụng chế độ thu phí cạnh tranh và chịu trách nhiệm về chất lượng trước nhà nước và xã hội.

 

TS Lập kiến nghị: “Nên tập trung đầu tư cho một vài trường đại học công có trình độ cao, với chế độ thi tyển đầu vào rất chặt chẽ. Sinh viên các trường này được hưởng học bổng toàn phần, đủ để họ toàn tâm toàn ý vào học tập nghiên cứu. Các học bổng này là sự ưu tiên của xã hội dành cho công tác đào tạo tầng lớp tri thức tinh hoa của đất nước, vì thế nó không chỉ dựa trên kết quả thi đầu vào, mà cần phải được quyết định lại hàng năm căn cứ vào kết quả học tập”.

 

Với tư cách là lãnh đạo một trường ĐH ngoài công lập, ý kiến về vấn đề này, GS Đặng Ứng Vận - Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình cho rằng: “Nhà nước kiểm soát đầu vào thông qua điểm sàn dẫn đến một thực tế là các trường công, các trường trọng điểm vẫn có quyền lấy tới điểm sàn và như vậy đồng nghĩa với việc chiếm hết thị phần của các trường tư, đặc biệt là các trường mới được thành lập”.

 

GS Vận đặt câu hỏi: Tại sao không đặt các trường công và trường trọng điểm vào một thách thức tương tự như các trường tư, tức là, các trường quốc gia, trường vùng, trường trọng điểm không được lấy quá, ví dụ 15% số thí sinh có điểm cao nhất, các trường công không được lấy quá 30% số thí sinh có điểm cao nhất và dành 15% từ điểm sàn trở lên cho các trường mới được thành lập? Về thực chất, quy định này tạo động lực cho các trường công, trường trọng điểm phải tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng và uy tín của họ.

 

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nhieu-thay-doi-trong-tuyen-sinh-dh-cd-nam-2014-802342.htm

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.