Những ngành/trường điểm chuẩn chỉ trên sàn một ít
Tiến sĩ Dũng cho rằng: “Sự biến động không nhiều về hồ sơ đăng ký dự thi vào từng ngành này chắc chắn sẽ không gây xáo trộn điểm chuẩn trúng tuyển vào trường. Kể cả ngành công nghệ may hồ sơ tuy có tăng nhiều nhưng điểm chuẩn cũng sẽ không cao, vì nhiều năm qua điểm chuẩn ngành này chỉ bằng mức sàn và 2 năm vừa qua đã phải tuyển nguyện vọng bổ sung”. Cũng theo tiến sĩ Dũng: “Điểm trúng tuyển các ngành vào trường các năm trước dao động từ 13 đến 17, do vậy thí sinh có học lực trung bình khá có thể thi vào. Đặc biệt, qua các năm có thể thấy một số ngành nhiều cơ hội trúng tuyển, như: công nghệ in, công nghệ may, công nghệ kỹ thuật máy tính…”.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cũng cho hay năm nay trường nhận được 2.521 hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi vào bậc ĐH của trường (tăng 835 hồ sơ so với năm 2012). Tổng chỉ tiêu năm nay giảm 120 so với năm ngoái, nên tỷ lệ chọi vào trường tăng lên. Trong đó, riêng ngành văn hóa học (du lịch) hồ sơ tăng mạnh lên 1.487 (210 chỉ tiêu). Một số ngành hồ sơ có nhích hơn các năm trước như: văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam 32 hồ sơ (30 chỉ tiêu), bảo tàng học 48 hồ sơ (30 chỉ tiêu)… Các ngành còn lại tỷ lệ chọi tương đương năm trước. Từ số liệu này, thạc sĩ Tùng nhận định: “Khả năng năm nay điểm trúng tuyển ngành Việt Nam học sẽ tăng lên. Các ngành còn lại sẽ không có biến động nhiều vì điểm chuẩn các năm trước chỉ ở mức sàn. Ngay cả một số ngành hồ sơ có nhích lên như bảo tàng học, văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam… điểm chuẩn chắc cũng không thay đổi vì hồ sơ thí sinh nộp vào không cao hơn nhiều so với chỉ tiêu ngành”.
Với Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Hầu hết các ngành của trường đều dễ trúng tuyển. Chỉ trừ 4 ngành (công nghệ hóa học, công nghệ thực phẩm, công nghệ môi trường, công nghệ sinh học) thường có mức điểm chuẩn cao hơn điểm sàn từ 3 đến 4 điểm, các ngành còn lại điểm chuẩn chỉ bằng hoặc cao hơn sàn 1 đến 2 điểm”.
Hồ sơ giảm, điểm chuẩn giảm ?
Các trường có tổ chức thi khối ngành kinh tế dự báo sẽ có nhiều biến động hơn. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chia sẻ: “Các ngành của trường năm ngoái điểm chuẩn đều ở mức cao từ 18 trở lên, ngay cả bậc CĐ nguyện vọng 1 cũng 14 điểm. Nhưng năm nay với khoảng 1.900 hồ sơ, việc giảm điểm chuẩn so với mặt bằng các năm trước là chắc chắn. Tuy nhiên, quan điểm của trường sẽ giữ điểm chuẩn không quá thấp để đảm bảo chất lượng sinh viên đầu vào. Có thể trường sẽ tăng cường hơn trong việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung”.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, cũng cho rằng: “Ngành tài chính ngân hàng của trường năm nay chỉ nhận được trên 2.000 hồ sơ so với 1.050 chỉ tiêu, có thể thấy cơ hội trúng tuyển rất cao của các thí sinh dự thi vào ngành này”. Trong 7 chuyên ngành của ngành này, “dễ thở” nhất sẽ là ngân hàng. Các chuyên ngành khác như thuế, hải quan, tài chính công, tài chính bảo hiểm và đầu tư… vẫn cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, năm nay các ngành quản trị kinh doanh, marketing, quản trị khách sạn hồ sơ đều tăng mạnh, trên 2.000 hồ sơ mỗi ngành. Đặc biệt, năm nay thí sinh đổ dồn vào ngành quản trị khách sạn, với 4.880 hồ sơ. Nên riêng ngành này, khả năng điểm chuẩn có thể nhích lên. Tuy nhiên, thạc sĩ Tuấn vẫn cho rằng: “Năm nay hồ sơ giảm gần 10.000 so với năm ngoái nhưng không có nghĩa điểm trúng tuyển các ngành vào trường sẽ bị kéo xuống thấp bởi năm nay trường không còn tuyển sinh bậc CĐ, nên 21.000 hồ sơ này sẽ tập trung vào 3.900 chỉ tiêu bậc ĐH”.
Tham khảo thêm nhiều kênh khác
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, lưu ý: “Tỷ lệ chọi theo ngành sẽ không có ý nghĩa nhiều nếu so sánh giữa các trường với nhau. Vì cũng ngành đó ở trường này tỷ lệ chọi cao nhưng điểm chuẩn thấp, trường khác tỷ lệ chọi thấp nhưng điểm chuẩn vẫn cao. Do vậy, quan trọng còn do chất lượng thí sinh dự thi vào trường đó như thế nào”.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, cũng khuyên: “Tỷ lệ chọi là một kênh tham khảo, thí sinh nên xem thêm chỉ tiêu và điểm chuẩn trúng tuyển ngành đó trước 3 đến 4 năm để có cái nhìn tổng thể hơn. Từ đó, thí sinh so sánh với lực học bản thân để đưa ra lựa chọn trường thi phù hợp”. Cũng theo thạc sĩ Tuấn, một số trường tốp trên lượng hồ sơ thí sinh nộp vào không nhiều nhưng điểm chuẩn luôn ngất ngưởng, như: ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Ngoại thương... Một số trường thí sinh chỉ có thể trúng tuyển nếu học lực khá giỏi cả 3 môn, như: ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Kinh tế - Luật... Cũng thi vào khối ngành kinh tế, nhưng nếu thí sinh có phổ điểm từ 13 đến 16 thì nên chọn thi vào các trường ngoài công lập. |
Hà Ánh