Kết quả học ở bậc phổ thông và điểm thi thử đề ĐH
Các giáo viên ở TP.HCM đều cho rằng có những căn cứ cụ thể, học sinh (HS) có thể dựa vào đó giúp tăng cơ hội vào ĐH.
Học sinh lớp 12 Trường trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM) ôn thi môn văn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Mức thứ nhất, đối với các Trường ĐH Y Dược TP.HCM hoặc Trường ĐH Ngoại thương thì khả năng đậu cao dành cho các HS học đều 3 môn thi, HS trường chuyên, lớp chọn và HS có điểm số các môn thi cao nhất, nhì trong lớp. Kết quả trung bình kiểm tra ở trường THPT khoảng 9-10 điểm, điểm số khi làm lại đề thi ĐH những năm trước từ 8,5 trở lên hoặc các đề thi thử ĐH khoảng 8-10 điểm.
Mức thứ hai, yêu cầu thấp hơn một chút là cơ hội dành cho thí sinh chọn Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch.
Mức thứ 3 là dành cho thí sinh chọn thi ĐH Bách khoa, Tự nhiên, Kinh tế, Luật, Sư phạm các ngành tiếng Anh, toán, lý, hóa… Đây thường là HS có kết quả học tập khá, giỏi, điểm trung bình môn ở bậc THPT đạt khoảng 7-9 điểm, đề thi ĐH những năm trước là 7-8 điểm, đề thi thử ĐH của các trường uy tín từ 6,5-8 điểm.
Mức thứ 4 sẽ dành cho thí sinh có kết quả nằm khoảng giữa mức thứ nhất và mức thứ 3 để dự thi vào những trường đa ngành như Trường ĐH Sài Gòn. Còn với kết quả kiểm tra ở trường THPT đạt loại trung bình khá hoặc khá khoảng 6,5-7,5 điểm, điểm số khi tập làm quen với đề thi ĐH những năm trước 6-7 điểm, làm các đề thi thử ĐH từ 6-7 điểm thì nên dự thi các trường ĐH dân lập, các trường ĐH địa phương hoặc CĐ Kinh tế Đối ngoại. Và nếu kết quả học tập thấp hơn nữa thì để “chắc ăn”, thí sinh đăng ký vào các trường TCCN.
Thạc sĩ Hoàng Hữu Vinh, giáo viên môn toán Trường THPT Vĩnh Viễn, giải thích: “Đề thi kiểm tra trên lớp, kiểm tra học kỳ hay tốt nghiệp không khó bằng đề thi tuyển sinh ĐH. Bên cạnh đó, nội dung đề kiểm tra cho trong lớp hoặc đề thi tốt nghiệp chỉ gói gọn trong chương trình học lớp 12, trong khi đó phần này chỉ chiếm tỷ lệ 60% ở đề thi tuyển sinh ĐH, 40% còn lại là kiến thức đã học ở lớp 10 và 11”. Chính vì vậy, ông Vinh khuyên HS tham khảo ý kiến của giáo viên bộ môn. Bên cạnh đó, HS có thể tự đánh giá sức mình thông qua việc giải một số đề thi tuyển sinh của các năm học trước, đề thi thử (HS nên chọn đầy đủ đề của các trường trên cả nước) và tuân thủ nghiêm túc theo đúng nội quy thi và thời gian quy định. Sau đó, HS so sánh với điểm chuẩn của ngành học trong từng trường ĐH những năm trước để chọn đúng trường có ngành học đó phù hợp sức học của mình.
Chiến lược chọn ngành
Đậu ĐH đã là chuyện khó nhưng ngành học đó có phù hợp hay không cũng là một lựa chọn không dễ.
Ông Trần Văn Quang, Tổ trưởng tổ vật lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho rằng thí sinh chọn ngành học phù hợp tùy thuộc vào năng khiếu, sự yêu thích và đừng quên thể trạng của mình.
Khi đề cập đến thực tế này, ông Đình Hương chỉ ra 7 yếu tố HS cần phải kết hợp để định hướng nghề nghiệp. Ông Hương nhấn mạnh: “Xem xét kỹ điều kiện về ngoại hình, sức khỏe, tính cách, các kỹ năng cần thiết… có phù hợp để thành công với nghề đã chọn hay không? Đến trường hoặc lên website của trường để biết sơ tình hình cơ sở vật chất, giáo trình, chương trình đào tạo, mức học phí. Tìm hiểu kỹ công việc sẽ làm, hướng phát triển trong tương lai, tuổi thọ của nghề, thời gian học, khả năng tìm được việc làm khi ra trường, mức thu nhập… Tham khảo ý kiến ba mẹ, thầy cô và bạn bè để có cái nhìn khách quan…”.
Bà Trần Thị Huyền Thanh, Tổ trưởng tổ ngoại ngữ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho rằng mỗi HS có một tính cách khác nhau. Riêng HS chọn nghề nghiệp liên quan đến môn tiếng Anh thì cần năng động, nhanh nhẹn, luôn học hỏi, thích tiếp cận cái mới và thích đi đây đi đó. Thạc sĩ Hoàng Hữu Vinh quả quyết việc chọn trường, chọn ngành cần có một chiến lược và chiến thuật khôn ngoan. Ông nói: “Nếu thí sinh thích ngành sư phạm tiếng Anh nhưng do điểm chuẩn của ngành này khá cao so với sức học của mình thì các em có thể chọn học ngành cử nhân tiếng Anh cũng thuộc Trường ĐH Sư phạm với điểm xét tuyển thấp hơn. Sau đó ra trường, các em có thể học bổ sung một số chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để đi dạy”.
Bích Thanh