Lớp học liên thông tại ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Nếu liên thông từ trình độ TC nghề, TCCN lên trình độ CĐ hoặc từ trình độ CĐ nghề, CĐ lên trình độ ĐH, thí sinh dự thi tuyển một môn văn hóa theo khối thi của ngành dự định học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH hệ chính quy hằng năm do Bộ GD-ĐT tổ chức và 2 môn cơ sở ngành. Tổng điểm 3 môn tối thiểu phải đạt từ 15 điểm trở lên.
Nguyễn Phương Linh, học sinh Trường TC Công nghệ Hà Nội, cho biết: Vì học lực trung bình nên Linh chọn đường vòng là học TC, dự kiến sau này sẽ thi liên thông lên ĐH. Tuy nhiên, dự thảo này đã đóng chặt cánh cửa vào ĐH của Linh vì học sinh này chắc chắn không đủ trình độ để thi kỳ thi tuyển sinh ĐH chính quy.
Một chuyên gia tuyển sinh nhận định: Quy định này “chặn” đường vào ĐH của học sinh TCCN và TC nghề bởi đầu vào của hệ TC rất thấp, phần lớn hiện nay các trường chỉ xét tuyển; đó là chưa kể đến ngoài học sinh tốt nghiệp THPT còn tuyển cả học sinh tốt nghiệp lớp 9, học sinh học giữa chừng các lớp 10, 11, 12. Với trình độ như vậy, làm sao học sinh TC có thể thi đầu vào như ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy. Bên cạnh đó, sau 2-3 năm học TC thì kiến thức ở phổ thông đã rơi rụng gần hết.
Quá dễ dãi để liên thông
Lãnh đạo một trường ĐH cho rằng thi liên thông như hiện nay quá dễ dãi. Học TC đã dễ, thi liên thông cũng dễ, rồi quá trình học liên thông cũng
cẩu thả hơn so với chính quy, thế mà bằng cấp lại tương đương chính
quy. Như thế là không công bằng vì giỏi - kém cũng như nhau, ai cũng có
được bằng ĐH, là phổ cập ĐH.
Theo ông Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính, quan điểm của ông là đầu vào kém thì không nên học ĐH. “Xã hội đòi hỏi đào tạo phải có chất lượng thì phải chấp nhận thực tế này. Muốn có bằng ĐH nhưng bản thân không bảo đảm chất lượng thì đừng có mơ. Nên chấp nhận thực tế chứ không phải đổ xô tìm mọi cách để có tấm bằng ĐH. Phải phân luồng rõ ràng, người nào giỏi làm thầy, người nào không giỏi thì làm thợ” - ông Chi nhấn mạnh.
Thế nhưng, ông Nguyễn Thanh Chương, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH GTVT, lại cho rằng chỉ nên thi tuyển bằng môn chuyên môn chứ không nhất thiết là môn văn hóa. “Mất 3 năm học CĐ mà học xong lại phải thi đầu vào bằng các môn văn hóa như tuyển sinh chính quy vào thì thà ở nhà ôn tập sang năm thi lại ĐH cho
đỡ lãng phí” - ông Chương nói. Cũng theo ông Chương, vấn đề ở đây chính
là không tin tưởng quá trình đào tạo, vì vậy phải siết đầu ra TC, chuẩn
đầu ra mới là quan trọng. Trên thực tế, siết chỉ tiêu, siết đầu ra cũng
là một cách để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là siết đầu vào
rồi quá trình đào tạo bỏ ngỏ.
Ông Lê Trọng Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội, cũng chung quan điểm: Sinh viên phải có trình độ nhất định mới học tốt
nhưng không nhất thiết phải thi chung với hệ chính quy, chỉ cần đề thi
đó được lấy từ ngân hàng đề của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng
giáo dục là được.