Tin tức Tuyển sinh


Nhiều trường có thể ngưng đào tạo

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT
Có thể chuyển sinh viên sang trường khác
 
7 trường  ĐH, CĐ bị dừng tuyển sinh hoàn toàn trong năm 2012 gồm: ĐH Hùng Vương TP.HCM, ĐH Đông Đô, ĐH Văn Hiến, CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, CĐ Kỹ thuật - Công nghệ bách khoa, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội và CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Sài Gòn. Theo các quyết định của Bộ, sau thời hạn ngừng tuyển sinh, nếu nguyên nhân dẫn đến việc này được khắc phục thì Bộ sẽ cho phép các trường tuyển sinh lại.
 

Hội nghị cán bộ của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM có những tranh cãi trong nội bộ trường 
Hội nghị cán bộ của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM có những tranh cãi trong nội bộ trường - Ảnh: Minh Luân

 Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ đã gửi văn bản đề nghị các trường bị tạm ngừng tuyển sinh báo cáo tiến độ khắc phục các nguyên nhân dẫn đến việc tạm ngừng. Đến năm 2013, nếu trường nào không khắc phục, Bộ sẽ ra quyết định ngưng đào tạo đối với trường đó”.
 
Cũng theo ông Bằng, khi ngưng đào tạo nghĩa là trường sẽ không được đào tạo cho sinh viên tất cả các khóa trước đó. Số sinh viên này sẽ được xem xét để chuyển sang các trường khác.
 
Mong manh tìm đất xây trường
 
Lý do ngừng tuyển sinh của các trường trên đều do chưa có cơ sở đào tạo thuộc sở hữu của trường và tỷ lệ sinh viên/giảng viên vượt quá quy định. Một số trường ở phía nam nằm trong diện ngưng tuyển sinh năm 2012 theo quyết định của Bộ có thể xoay xở được tỷ lệ trên, nhưng việc có đất để xây dựng cơ sở vẫn còn nhiều vướng mắc.
 

 

Đến năm 2013, nếu trường nào không khắc phục, Bộ sẽ ra quyết định ngưng đào tạo đối với trường đó

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT

Vào tháng 10.2011, hàng chục cán bộ - công nhân viên của ĐH Văn Hiến đồng loạt phản ứng gay gắt với Tập đoàn truyền thông đa phương tiện VTC khi đơn vị này cam kết đầu tư vào trường nhưng một thời gian dài vẫn không đầu tư gì. Thời điểm này, phía VTC lại cho rằng chỉ đầu tư khi trường đã chuyển sang loại hình tư thục. Theo PGS-TS Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng, hiện tại trường đã tìm được một công ty cổ phần về thủy hải sản đồng ý làm nhà đầu tư mới. Theo thỏa thuận, trước mắt công ty này sẽ đầu tư 120 tỉ đồng để lo chỗ học cho sinh viên và chuyển đổi trường sang loại hình tư thục. Tuy vậy, theo thông tin của chúng tôi, hiện tại có một cổ đông không nhất trí với phương án này. Nhà đầu tư mới lại yêu cầu sẽ chỉ đầu tư một khi có sự nhất trí hoàn toàn của tất cả cổ đông.
 
Trong khi đó, hiện nay ban lãnh đạo của Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Sài Gòn vẫn đang có mâu thuẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Ngoài việc đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM giải quyết, vụ việc cũng được đưa lên tòa án để phân xử. Vì vậy trường này vẫn chưa thể có điều kiện tìm một cơ sở vật chất trực tiếp phục vụ đào tạo.
 
Có lẽ đến nay tại TP.HCM chỉ Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM đang có những điều kiện để thực hiện việc tuyển sinh trở lại vào năm 2013. Theo PGS-TS Nguyễn Tác Anh, Hiệu trưởng, trường đã hoàn thành việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ dân cư cũng như chủ sở hữu khu đất tại Q.Tân Phú. Ngoài ra, trường cũng tuyển thêm giảng viên để đáp ứng tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo quy định. Hiện nhà trường đã có văn bản gửi Bộ để báo cáo việc khắc phục nguyên nhân dẫn đến tạm ngừng tuyển sinh năm 2012 và xin phép tuyển sinh trở lại vào năm 2013.
 
Trường chưa giải quyết được mâu thuẫn
 
Nhiều trường bị tạm ngưng tuyển sinh còn do tồn tại nhiều mâu thuẫn nội bộ. Lý do mà Bộ tạm ngừng tuyển sinh năm 2012 với ĐH Hùng Vương TP.HCM là “tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến không có khả năng điều hành hoạt động của trường. Mâu thuẫn kéo dài ảnh hưởng đến uy tín và môi trường giáo dục”… Cũng trong thời điểm này, UBND TP.HCM đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT và ông Lê Văn Lý, Hiệu trưởng. Sau khi hết hạn tạm đình chỉ chức vụ, mới đây ông Lê Văn Lý đã quay trở lại điều hành trường. Tuy nhiên, việc giải quyết sự việc tại trường đang hết sức khó khăn. Mâu thuẫn trong trường chưa được giải quyết. Việc đầu tư của trường cũng đang bế tắc. Nếu tình hình này kéo dài, nhiều khả năng Bộ không cho trường tiếp tục đào tạo.
 
Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Sài Gòn vướng rất nhiều nguyên nhân để bị ngừng tuyển sinh. Theo quyết định của Bộ, lãnh đạo trường đã “tự ý thành lập các cơ sở đào tạo trái phép; tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép đào tạo; chưa xây dựng được cơ sở vật chất trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường; vi phạm quy định thông tư về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ, TC. Đặc biệt, nội bộ nhà trường mất đoàn kết kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo, uy tín của nhà trường và địa phương”.
 
Theo ông Phạm Ngọc Dưỡng, Ủy viên HĐQT, vụ việc tại trường hiện nay muốn tháo gỡ phải tổ chức đại hội cổ đông. Tuy nhiên, việc này lại đang khó khăn vì sự bất hợp tác từ chủ tịch HĐQT kiêm hiệu trưởng. 
                                                      

Đăng Nguyên

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.