Trước kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2012, Bộ GD&ĐT đã bãi bỏ việc nâng mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp từ 0,5 điểm lên 1 điểm nhằm tránh việc các trường lợi dụng Điều 33 của quy chế tuyển sinh để “vét” thí sinh. Tuy nhiên, Trường ĐH Tây Đô đang lập lờ vận dụng để câu kéo thí sinh.
Quảng cáo điều chưa có
Hiện Trường ĐH Tây Đô đang thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 3, nhận hồ sơ đến ngày 28/10 với chỉ tiêu lên đến 2.200 hệ ĐH và 1.200 hệ CĐ cho 21 ngành đào tạo. Tất cả các ngành xét tuyển bằng điểm sàn, trong đó có những ngành rất “hot” như dược học, điều dưỡng, kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh… mỗi ngành có chỉ tiêu hơn 200-300. Trong thông báo xét tuyển bổ sung, Trường ĐH Tây Đô “bỏ nhỏ”: “Trường đang trình Bộ GD&ĐT xét duyệt cho trường được cộng điểm ưu tiên khu vực: KV1 +3 điểm, KV2-NT +2 điểm, KV2 +1 điểm”.
Trong khi đó, thông báo xét tuyển bổ sung của các trường khác đều ghi rõ: “Điểm áp dụng cho thí sinh thuộc khu vực 1, nhóm đối tượng không ưu tiên; mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1 điểm giữa các khu vực kế tiếp là 0,5 điểm”. Như vậy, thí sinh thuộc khu vực 1 diện này phải đạt 11,5 điểm mới trúng tuyển, còn với thông báo của Trường ĐH Tây Đô thì thí sinh chỉ cần đạt 10 điểm! Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ không cho phép bất cứ trường nào được áp dụng Điều 33 theo quy chế cũ, vì nếu hạ điểm trúng tuyển xuống nữa thì không thể đảm bảo chất lượng đào tạo. Trường phải bỏ thông báo để không gây ngộ nhận cho thí sinh. Nếu sai phạm, Bộ sẽ xử phạt nặng”.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Cơ sở 2 TP.HCM) tuyển sinh trái quy định của Bộ GD&ĐT khi cho rằng học xong CĐ nghề sẽ thi tuyển học liên thông lên ĐH tại học viện
Còn Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Cơ sở Hà Nội và Cơ sở 2 TP.HCM) đang thông báo xét tuyển hệ CĐ nghề và ghi rõ: “Hoàn toàn giống như các sinh viên hệ CĐ chính quy, học viện ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên CĐ nghề của học viện thi tuyển sinh và theo học hệ liên thông lên ĐH để nhận bằng kỹ sư do học viện cấp”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chưa được Bộ cấp phép đào tạo liên thông từ hệ nghề lên ĐH. Trường nào không được Bộ cho phép mà vẫn quảng cáo tuyển sinh là sai phạm” - ông Ga nhấn mạnh.
“Bẫy” thí sinh bằng mác liên thông
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã công bố danh sách các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo liên thông từ trung cấp nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH chính quy nhưng hiện nay rất nhiều trường không được phép đào tạo liên thông từ hệ nghề lên CĐ, ĐH vẫn thản nhiên quảng cáo để tuyển sinh ồ ạt và tổ chức đào tạo, mặc cho sinh viên đang học lo lắng.
Năm nay, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM không thông báo tuyển sinh hệ CĐ nghề như các năm trước là “sinh viên tốt nghiệp được liên thông lên ĐH chính quy 1,5 năm”, mà thay vào đó là thông tin: “Sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội liên thông lên ĐH theo chương trình phê duyệt của Bộ GD&ĐT”. Bởi lẽ những sinh viên hệ CĐ nghề của trường ở năm trước đang hoang mang vì trường không nằm trong danh sách được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo liên thông từ hệ nghề lên ĐH. Sinh viên cho biết trường đã trấn an bằng thông báo đã nộp hồ sơ xin phép Bộ, vì còn 1,5 năm nữa sinh viên mới tốt nghiệp nên không phải lo.
Trong khi đó, bằng mọi cách lôi kéo thí sinh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thông báo xét tuyển hệ CĐ nghề với “ưu đãi cho thí sinh”: “Sinh viên tốt nghiệp CĐ nghề được thi liên thông lên ĐH, thời gian đào tạo 1,5 năm. Tốt nghiệp cấp bằng ĐH chính quy”. Mặc nhiên, thí sinh sẽ nghĩ rằng học xong CĐ nghề là được liên thông lên ĐH, trong khi trường chưa được phép. Cái “bẫy” này vẫn được các trường CĐ nghề GTVT Trung ương 3, CĐ nghề Kinh tế công nghệ TP.HCM, CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ Ladec, CĐ nghề Du lịch Sài Gòn… áp dụng để thu hút thí sinh.
Chưa kể, Trường CĐ nghề Kinh tế công nghệ TP.HCM đang nhận hồ sơ chương trình liên kết với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh để tuyển sinh ĐH liên thông từ CĐ nghề, CĐ chuyên nghiệp ba ngành công nghệ thông tin, kế toán, quản trị kinh doanh áp dụng để thu hút thí sinh”.
Theo Quốc Dũng (Pháp luật TP.HCM)