Việc Bộ cho phép các trường nhận giấy chứng nhận kết quả thi bản
chính hay bản sao khiến tỷ lệ thí sinh (TS) ảo (một TS nộp quá nhiều bộ
hồ sơ) cao hơn dự đoán của các trường.
Năm nay TS có thể nộp hồ sơ xét tuyển ở rất nhiều trường. Thời gian
xét tuyển của các trường khác nhau giúp TS khi thấy khả năng trúng tuyển
ít có thể rút hồ sơ và nộp vào trường khác. Chính vì thế, một TS trúng
tuyển cùng lúc 3 - 4 trường không phải là chuyện hiếm. Thế nên nhiều
trường xét tuyển thêm đến 2 - 3 đợt nhưng vẫn không hy vọng có đủ sinh
viên để đào tạo.
Vài năm gần đây Trường ĐH Hoa Sen không gặp nhiều khó khăn trong xét
tuyển. Thế nhưng năm nay, kể cả những ngành ngay từ đầu trường không có ý
định xét tuyển thêm như: tài chính - ngân hàng, marketing, quản trị
nhân lực, số TS đến làm thủ tục nhập học cũng không đủ chỉ tiêu. Vì vậy,
trong các đợt xét tuyển sau đó, trường liên tục thông báo tuyển thêm
cho các ngành này.
Trước đây Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM thông báo không xét
tuyển do đã nhận đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên đến nay, theo tiến sĩ Nguyễn
Mạnh Cường, Phó hiệu trưởng, do số lượng TS ảo quá nhiều nên trường xét
tuyển bổ sung bậc ĐH cho 4 ngành với 165 chỉ tiêu. Chưa kể trước đó,
trường đã phải xét tuyển riêng một đợt cho bậc CĐ.
May mắn hơn nhiều trường khác, Trường ĐH Văn Lang đã kết thúc thời
gian xét tuyển. Tuy vậy, theo thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo,
dự kiến số lượng TS nhập học chỉ khoảng 60%. Các năm trước, con số này
khoảng 85% nhưng năm nay chắc chắn khó đảm bảo được mức này.
Không chỉ trường ngoài công lập gặp khó, nhiều trường công lập có tên
tuổi cũng bất ngờ vì số TS đến nhập học quá thấp so với dự kiến. Trong
khi các trường khác chạy đua xét tuyển, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM
vẫn đứng ngoài vì nghĩ rằng sẽ nhận đủ chỉ tiêu do vẫn còn nhiều TS
không trúng tuyển ngành học đã chọn nhưng đủ điểm để vào các ngành học
khác. Bất ngờ, đến ngày 7.9, Hội đồng tuyển sinh trường quyết định xét
tuyển bổ sung 7 ngành với 210 chỉ tiêu. Theo thạc sĩ Dương Tôn Thái
Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo, vì số lượng TS đến làm thủ tục nhập học
không đủ nên trường phải tuyển thêm.
Đến nay vẫn có rất nhiều trường không nhận đủ số lượng sinh viên để đào tạo - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Có cần kéo dài thời gian ?
Phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập đánh giá kỳ xét tuyển
năm nay rối bời và cũng không giúp nhiều cho việc tuyển sinh của các
trường. Lượng TS ảo nhiều khiến không ít trường ĐH công lập cũng có mặt
trong cả đợt xét tuyển 2, 3. Số lượng TS xét tuyển vì thế bị hút về các
trường công lập đầu tiên, sau đó mới nộp đơn vào các trường ngoài công
lập.
Khi đưa ra phương án xét tuyển năm nay, Bộ mong muốn giải quyết được 2
vấn đề: giúp các trường ĐH thiếu nguồn tuyển có điều kiện xét tuyển
thêm TS và giúp TS có nhiều cơ hội vào ĐH hơn. Tuy nhiên, đúng như dự
đoán trước đó của nhiều chuyên gia tuyển sinh, phương án kéo dài thời
gian xét tuyển ít hiệu quả và dẫn đến nhiều khó khăn.
Số lượng TS tham gia xét tuyển tuy lớn hơn chỉ tiêu tuyển khá nhiều
nhưng hầu hết đều đã có những kế hoạch từ trước nên chỉ tập trung vào
một số trường. Những TS này phần lớn xét tuyển vào các trường ĐH công
lập, kế đến mới đến trường ngoài công lập. Các trường nhận hồ sơ đều
phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với số lượng TS ảo tăng cao và không thể
lường trước được. Vì vậy, trường nào nhận được TS thì đã kết thúc xét
tuyển từ lâu còn trường thiếu chỉ tiêu thì cho dù có kéo dài đến cuối
tháng 11 vẫn không nhận được bao nhiêu TS. Do đó việc kéo dài thời gian
xét tuyển cũng không tối ưu hơn phương án xét NV2, NV3 áp dụng trong các
năm trước.
Thí sinh ngơ ngác, trường lúng túng
Bộ nghĩ rằng tạo quyền tự chủ cho các trường nên không quy định từng
đợt xét tuyển. Thế nhưng trên thực tế điều này gây khó khăn cho TS và
cũng tạo điều kiện để các trường làm sai.
Mỗi trường quy định thời hạn khác nhau trong khi TS không kịp nhận
giấy báo trúng tuyển nên mất cơ hội nộp vào những trường kết thúc xét
tuyển sớm. Để “chữa cháy”, Bộ yêu cầu các trường không được kết thúc
nhận hồ sơ xét tuyển trước ngày 7.9. Điều này không đúng với tinh thần
giao quyền chủ động cho trường vì nếu đã chủ động thì Bộ không thể định
thời hạn chung cho các trường. Thế nhưng có lẽ vì không lường hết được
diễn biến thực tế nên Bộ rơi vào thế bị động.
Bên cạnh đó, nhiều trường đã lợi dụng quy định này để nhận được TS
càng sớm càng tốt. Có trường cấp luôn giấy báo trúng tuyển khi TS nộp
đơn xét tuyển. Nhiều trường tổ chức thi cho TS thi nhờ đã cố tình không
chuyển dữ liệu cho các trường không tổ chức thi mà cấp luôn giấy báo
trúng tuyển cho số TS này. Có trường chia nhỏ thời gian xét tuyển thành
từng tuần để cấp giấy báo trúng tuyển cho TS nhanh nhất…