Nên làm các câu hỏi từ dễ đến khó, tùy theo sở trường. Mỗi câu dễ, tính toán đơn giản cần được làm trong khoảng thời gian ngắn hơn 18 phút, dưới 15 phút là hợp lí nhất. Thường những câu sau cần làm nhanh: vẽ đồ thị hàm số, bài toán phụ trong khảo sát hàm số, giải phương trình (lượng giác, đại số, vô tỉ, mũ - logarít), tính tích phân, giải hệ phương trình đại số, hình giải tích phẳng và đặc biệt là số phức. Cố gắng tính toán thật cẩn thận, tính đúng ngay từ lần đầu vì rất khó phát hiện sai sót trong bài làm của mình tại phòng thi vào lúc cuối giờ.
Một số bài toán tìm điều kiện hay giải phương trình, hệ phương trình, thí sinh cần đặc biệt chú ý tới việc đặt điều kiện và kiểm tra. Trong đề thi toán, điều kiện chiếm khoảng 1 điểm, chưa kể nếu không kiểm tra kĩ điều kiện sẽ dẫn đến đáp số cuối cùng sai, làm mất điểm.
Chú ý thường các nghiệm là những số đẹp như 1, -1, 0, 2, -2... nên khi gặp phương trình khó giải hãy kiểm tra ra nháp những nghiệm này để tìm hướng giải tiếp. Hơn nữa, nếu câu nào có bài làm phải tính toán cồng kềnh hoặc đáp số phức tạp thì cần kiểm tra lại vì có thể do đọc sai đề bài, tính toán sai hoặc giải sai hướng.
Để tránh mắc sai lầm khi bỏ sót hay làm hai lần một câu hỏi, thí sinh nên đánh dấu vào tờ đề thi những câu vừa làm xong, đồng thời ghi đáp số vào đó để dễ kiểm tra sau khi thi. Thí sinh cũng không nên dành quá nhiều thời gian cho một câu khó. Nếu sau khoảng 15 phút mà vẫn chưa tìm đúng hướng, nên dừng lại giải câu khác trước. Thí sinh cần làm ít nhất 7 câu đúng mới nên tập trung giải những câu khó.
Cuối buổi thi, khi còn khoảng 20 phút, với những câu khó không có khả năng giải ra được đáp số, hãy cố gắng kiếm thêm những điểm nhỏ. Chẳng hạn như đặt điều kiện, biến đổi một số bước của một phương trình, vẽ hình, tính một số yếu tố tạo ra đáp số như chiều dài đoạn thẳng, diện tích của hình, khoảng cách... Lưu ý rằng mỗi ý nhỏ được 1/4 điểm nên làm thêm được ý nào sẽ được thêm điểm của ý đó. Sau cùng, thí sinh rà soát lại toàn bộ xem có nhầm lẫn, thiếu sót nào không (bài làm, họ tên, số báo danh, tổng số tờ giấy thi...).
Điểm cao là mục đích quan trọng nhất ở mỗi môn thi, bởi vậy việc muốn thể hiện mình như giải một câu bằng nhiều cách hoặc cố làm được bài khó nhất để thể hiện đẳng cấp trong khi bỏ qua những câu dễ hơn đều không thích hợp với kì thi này.
Thầy Hoàng Trọng Hảo (Tạp chí Toán Tuổi thơ)
Môn Hóa: Không học tủ
Hình thức thi của môn Hóa là trắc nghiệm nên các câu hỏi sẽ dàn trải toàn bộ kiến thức được học. Vì vậy, không được học tủ, học lệch. Khi giải trắc nghiệm, tốc độ làm bài cũng là yếu tố quyết định, nên cố gắng làm càng nhiều bài càng tốt. Các câu hỏi trắc nghiệm thường không khó, nếu làm nhiều sẽ thấy đa phần các câu sẽ lặp lại vài dạng nào đó. Ban đầu sẽ mất nhiều thời gian, nhưng sau đó sẽ nhanh hơn. Một điều nữa là sau khi giải nhiều câu hỏi rồi, các em sẽ biết khả năng của mình, không phải học sinh nào cũng có thể đạt điểm tuyệt đối, nhất là đối với đề ĐH, do đó mặc dù phải nhanh nhưng cũng cần ưu tiên thời gian tập trung làm chính xác và cẩn thận những câu mà mình biết để không mất điểm đáng tiếc.
Thầy Phan Việt Thắng, TT BDVH & LTĐH Sài Gòn Tri Thức
Vật lý: Nháp thẳng vào đề thi
Mặc dù đề thi trắc nghiệm khá dài, thời gian làm bài lại ngắn nhưng không phải vì thế mà coi nhẹ công việc đọc đề bài. Trong rất nhiều bài toán vật lý, chỉ cần thay đổi một vài từ trong đề bài hoặc thậm chí thay đổi thứ tự từ trong câu hỏi là ý nghĩa của các câu hỏi thay đổi hoàn toàn. Để trả lời các câu hỏi trắc nghiệm nên tìm ra con đường ngắn nhất để đi đến đáp án. Nếu làm được như vậy thì khoảng trống trên tờ đề bài đủ chỗ để làm nháp. Làm như vậy sẽ đỡ mất công chuyển nội dung từ tờ đề bài sang tờ nháp. Nên làm bài một cách từ tốn, chú ý rằng phải trả lời 50 câu hỏi trong vòng 90 phút và các câu hỏi dù khó hay dễ đề có điểm số bằng nhau. Vì thế nếu như đọc đề và suy nghĩ đến 2 phút mà không có ý tưởng trả lời thì tốt nhất xếp chúng vào loại câu hỏi mình chưa chắc chắn đáp án. Việc ghi đáp án vào phiếu trả lời tốn khoảng thời gian từ 5 đến 10 phút. Vì vậy, nên để dành khoảng 10 phút cuối giờ để điền đáp án vào phiếu trả lời, như thế sẽ tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với điền từng câu.
Thầy Phạm Khánh Hội, giảng viên khoa Vật lý trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Ngoại ngữ: Đọc kỹ từ đầu đến cuối các câu hỏi
Ngay khi nhận đề thi, thí sinh nên dành 3 - 5 phút để nhìn lại toàn bộ đề thi, điền các thông tin vào đề thi (họ và tên, số báo danh) để tránh sự nhầm lẫn. Sau đó dành 10 phút đọc từ đầu đến cuối đề thi xem các câu hỏi trong đề thi yêu cầu trắc nghiệm về ngữ pháp, chức năng hay ngôn ngữ. Khi bắt đầu vào làm bài cần đọc kỹ từ đầu đến cuối câu hỏi. Câu nào thí sinh thấy chắc chắn thì khoanh vào đáp án coi như đã làm xong. Những câu hỏi cần phải suy nghĩ, thí sinh nên làm theo trật tự từ đầu đến cuối. Trong mỗi câu hỏi có 4 đáp án, thí sinh chỉ cần nhìn vào từng câu và có thể bỏ được hai đáp án. Thí sinh cần bình tĩnh suy nghĩ và phân tích 2 đáp án còn lại của câu hỏi theo 3 hướng: Thứ nhất, là về từ vựng. Bởi vì, hai đáp án đó thông thường đồng nghĩa với nhau. Thí sinh chọn đáp án nào thì phải đúng tình huống. Bởi vì, chỉ có 1 đáp án khớp tình huống. Thứ hai, là về ngữ pháp có khớp với câu hỏi không. Cụ thể, thành phần ngữ pháp trong câu đó đã đủ chưa. Thứ ba, xem chỗ trống đó có phải là thành ngữ hay không. Nếu là thành ngữ, thí sinh phải thuộc câu thành ngữ đó thì mới khoanh tròn đúng được.
TS Nguyễn Quốc Hùng MA
(Theo Báo Đất Việt)