Không đợi “nước tới chân mới nhảy”
Phải đến giữa học kỳ 2, các môn thi tốt nghiệp mới được công bố, nhưng từ đầu năm học, nhiều trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng đã chủ động lên chương trình ôn thi cho học sinh (HS) cuối cấp. Xác định mặt bằng học lực của HS còn thấp, Trường THPT Phạm Phú Thứ đã tổ chức ôn tập cho HS theo phương pháp “cuốn chiếu”, tức là học tới đâu, ôn tới đó, không đợi “nước tới chân mới nhảy”.
Thầy Phan Khôi - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: từ kết quả trung bình môn kỳ thi kiểm tra học kỳ I, nhà trường tính dựa trên 8 môn thi trong danh sách chọn ra 6 môn thi tốt nghiệp của Bộ, thì chỉ có 57% HS khối 12 đủ điểm đậu tốt nghiệp. Qua đó, tăng cường bồi dưỡng đối với HS yếu. Chủ yếu là hướng dẫn các em phương pháp học hiệu quả, rèn kỹ năng giải các dạng bài tập. Nhà trường cũng khuyến khích HS ý thức tự học bằng cách hệ thống kiến thức một cách khoa học, dễ nắm bắt, in sao và phát đến tận từng lớp. Đặc biệt, đối với các em HS vùng dân tộc thiểu số, học nội trú tại trường thì các thầy cô giáo hướng dẫn các em tổ chức học nhóm tại ký túc xá ngoài giờ lên lớp
Không chỉ trường vùng ven như THPT Phạm Phú Thứ, các trường trong trung tâm thành phố, HS có điều kiện học tập tốt hơn, nhà trường cũng không chủ quan. Thầy Nguyễn Quang Long - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Q. Hải Châu) cho biết: Đối với HS cuối cấp, trường tăng cường 5 tiết vào thứ 5 hàng tuần. Trong buổi học đó, HS được giáo viên hướng dẫn củng cố kiến thức, rèn từ những bài tập cơ bản. Ngoài ra, các HS khá, giỏi cũng được phân công “giúp bạn cùng tiến”.
“Học vẹt thì khó mà ăn”
N.T.Phương, một thí sinh trượt tốt nghiệp năm trước chia sẻ: “Không phải em lười học mà biết sức học của mình có hạn nên em cũng lo học lắm. Nhưng không biết răng mà càng học càng quên. Đọc đi đọc lại xong thì nhớ đó nhưng vài ba bữa thì không nhớ nữa và cứ hay lẫn lộn bài này sang bài khác, nhất là mấy môn xã hội. Vô phòng thi, hồi hộp quá em lại càng khó nhớ bài. Rứa là không làm được chi hết. Đúng là học vẹt thì khó mà ăn.”
Cô Nguyễn Thị Thanh - Hiệu trưởng trường THPT Hòa Vang cho rằng: Năm nay, trong 6 môn thi tốt nghiệp có nhiều môn xã hội như Văn, Sử, Địa. Các môn này thiên về lý thuyết, nhất là Sử, Địa nhưng nếu không biếc cách, cứ “học vẹt” và tệ hơn là “học tủ” thì khó mà đạt được kết quả như mong đợi. Đó là kinh nghiệm qua kết quả thi tốt nghiệp của HS trong nhiều năm trở lại đây.
Các môn học dù là tự nhiên hay xã hội thì đều cần có tính khoa học. Có phương pháp học đúng không chỉ giúp HS nắm vững kiến thức mà còn đỡ mất thời gian. Nên trong các buổi lên lớp ôn thi tốt nghiệp cho HS cuối cấp, nhà trường định hướng giáo viên hướng dẫn HS phương pháp học hiệu quả riêng cho từng môn.
Bên cạnh đó, ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết: Đối với HS cuối cấp, theo báo cáo các trường đều tổ chức họp phụ huynh. Mục đích mong muốn phụ huynh quản lý chặt chẽ hơn việc học tập của con em, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em chuyên tâm học tập.
Và trên cả sự chủ động của các trường trong việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho HS là giáo dục ý thức tự học của HS. Thầy cô giáo tận tâm đến mấy, phụ huynh lo lắng tạo điều kiện biết bao nhiêu mà HS không có ý thức, bỏ bê học hành thì mọi thứ đều như không.
Khánh Hiền