3 ảnh chân dung cỡ 4´6cm được chụp trong thời gian 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ ĐKDT; 3 phong bì đã dán sẵn tem ghi rõ họ, tên và địa chỉ, số điện thoại của TS. Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có).
Riêng TS có nguyện vọng học tại các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH, trường CĐ thuộc các đại học (sau đây gọi chung là trường) thì cần nộp thêm bản photocopy mặt trước của tờ phiếu ĐKDT số 1.
Học sinh đang học lớp 12 trung học phổ thông (THPT) tại trường nào thì nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại trường đó. Các đối tượng khác (thí sinh tự do) nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại các địa điểm do sở giáo dục và đào tạo (sở GD&ĐT) quy định. Các địa điểm này không thu hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT của học sinh đang học lớp 12.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT, các trường không thay đổi thời hạn, không kết thúc việc nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT trước hoặc sau thời hạn quy định.
Về hồ sơ ĐKDT, bà Tạ Song Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội lưu ý với các TS: Về cơ bản, mẫu hồ sơ ĐKDT năm nay vẫn như năm trước, tuy nhiên có một số thay đổi nhỏ mà TS cần lưu ý. Ở mục 2 (trường ĐKDT), TS chú ý ghi đúng mã ngành. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2012, toàn bộ mã ngành đào tạo của các trường ĐH, CĐ đều thay đổi. Mỗi ngành có một mã chung cho tất cả trường cùng đào tạo. Mã ngành đào tạo được quy định có 6 chữ số (chứ không phải 2-3 chữ số như trước) và có chữ C đứng ở đầu nếu là hệ CĐ, chữ D đứng đầu nếu là hệ ĐH. Ví dụ như ngành giáo dục mầm non, với CĐ là C140201, với ĐH là D140201. Do đó, TS cần tra cứu kỹ các thông tin về mã ngành để tránh nhầm lẫn khi ghi phiếu mà ảnh hưởng đến nguyện vọng và quyền lợi của mình. Năm nay, Bộ có bổ sung cụm thi Hải Phòng. TS tỉnh ngoài đang học tại Hà Nội năm nay có thêm cơ hội lựa chọn địa điểm thi cho bớt vất vả, song cần nhớ phải ghi rõ ký hiệu cụm thi vào phiếu ở mục 14.
Hồng Hạnh