Đề thi THPT quốc gia 2018 năm nay sẽ bao gồm kiến thức lớp 11 và 12. Thế nên, hiện nay học sinh (HS) lớp 12 đang phải vừa học kiến thức mới vừa ôn tập kiến thức cũ mà không chờ đến giai đoạn gần cuối năm học như trước kia.
Nếu như năm học 2016 - 2017, yêu cầu đề thi THPT quốc gia gói gọn kiến thức trong chương trình lớp 12 nên sau khi kết thúc chương trình, tức vào khoảng tháng 4, giáo viên (GV) và HS mới bước vào giai đoạn “nước rút”. Tức là thời điểm đó GV mới cho học trò ôn tập, luyện câu hỏi theo định dạng đề minh họa thì năm học này hoàn toàn khác.
Ngay Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), là trường thuộc tốp đầu của TP.HCM, khi đề cập đến việc chuẩn bị kiến thức cho HS cuối cấp, ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó, nói: “Trong quá trình học, GV thực hiện việc ôn tập một cách tự nhiên. Tức là khi gặp những kiến thức đã học ở lớp 11, GV lưu ý nhắc lại để học trò không bị xao nhãng”.
Ông Nguyễn Tỷ Chế Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình), cho biết GV trường đã biên soạn tài liệu ôn tập cho HS, lưu ý những kiến thức căn bản và tổ chức các hoạt động vui học kiến thức.
Còn ông Tạ Công Minh, GV môn giáo dục công dân ở Q.3, chia sẻ đã biên soạn tài liệu hệ thống hóa môn này lớp 11 và lớp 12. Theo đó, căn cứ vào từng bài trong sách giáo khoa, GV đưa ra các nội dung kiến thức HS cần đạt và các câu hỏi trắc nghiệm để HS kiểm tra kiến thức và làm quen với dạng câu hỏi.
Ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3), cho biết thời điểm này GV chưa có thông tin của Bộ về việc sử dụng kiến thức 11 ở mức độ như thế nào trong đề thi sắp tới. Cho nên, nếu chờ đến khi kết thúc chương trình lớp 12 mới quay ra ôn tập kiến thức lớp 11 thì e rằng sẽ không kịp. Không còn cách nào khác là những kiến thức kết nối được là kết nối ngay.
(Nguồn: báo Thanhnien.vn)