Nhiều chỉ tiêu trường nhóm giữa, nhóm cuối
Trường ĐH Lâm nghiệp có lẽ là một trong những trường đầu tiên thông báo xét tuyển bổ sung sau khi có kế quả xét tuyển đợt 1.
Trong thông báo điểm trúng tuyển của trường hôm 1/8 đã có thông báo về quyết định trường sẽ xét tuyển bổ sung với tất cả các ngành học của cả 2 cơ sở (Hà Nội và Đồng Nai).
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp, cho biết sau xét tuyển đợt 1, trường chỉ đạt 70% chỉ tiêu. Trong tổng số 2.000 chỉ tiêu của miền Bắc chỉ mới có 1.600 thí sinh trúng tuyển, còn thiếu 400. Cơ sở Đồng Nai cũng thiếu tới 100 chỉ tiêu.
Chưa kể số lượng thí sinh đến nhập học có thể thấp hơn, nên Trường ĐH Lâm nghiệp quyết định thông báo xét tuyển bổ sung ngay trong ngày 2/8.
Trường ĐH Thủy lợi cũng là một trong những trường đầu tiên thông báo xét tuyển bổ sung với tổng chỉ tiêu là 990, trong đó cơ sở miền Bắc là 790, cơ sở miền Nam là 200.
12/14 nhóm ngành của cơ sở miền Bắc đều có chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Có nhóm ngành chỉ tiêu xét tuyển lên tới 260. Ở miền Nam cả 5/5 nhóm ngành đều xét tuyển bổ sung. Số chỉ tiêu bổ sung lên tới hơn 34% tổng chỉ tiêu của cơ sở này.
Ở Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, dù chưa có thông báo chính thức song hội đồng tuyển sinh của trường cũng đã có quyết định sẽ tuyển sinh bổ sung đợt 2.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, theo kết quả xét tuyển đợt 1, về cơ bản cơ sở tại Hà Nội của trường đã tuyển gần đủ, chỉ thiếu một số ít chỉ tiêu ở một vài ngành có truyền thống khó tuyển.
Tuy nhiên, ở cơ sở Vĩnh Yên và Thái Nguyên, số lượng thí sinh trúng tuyển chỉ mới đạt 50-60%. Vì vậy, chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của trường chủ yếu là cho các cơ sở này.
Bên cạnh đó, kết quả chính thức của đợt xét tuyển vừa qua vẫn phải đợi sau khi thí sinh hoàn tất việc nộp giấy xác nhận nhập học tới trường mới biết chính xác trường tuyển được bao nhiêu. "Tới lúc đó mới có thể dưa ra được thông báo chính thức về các chỉ tiêu xét tuyển bổ sung cho từng ngành" - ông Long nói.
Năm nay, theo quy chế của Bộ GD-ĐT, các trường được tự do trong việc xét tuyển. Các thí sinh sẽ xem thông báo xét tuyển bổ sung của các trường và nộp phiếu đăng ký nguyện vọng trực tiếp về các trường. Trường nào sẽ xét tuyển trường đó chứ Bộ sẽ không làm công việc lọc ảo cho các trường như đợt đầu tiên.
Quy chế cũng cho phép các trường tuyển sinh nhiều lần trong năm, và chỉ quy định mức điểm chuẩn của đợt sau không được thấp hơn mức điểm chuẩn của lần trước.
Không còn cơ hội ở ngành hot, trường hot
Khác với năm 2016 khi nhiều trường đại học lớn tuyển không đủ thí sinh trong đợt đầu, thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết ngay sau đợt xét tuyển đầu tiên của năm nay đã có 170/322 trường tuyển được từ 100% chỉ tiêu trở lên.
Điều này có nghĩa, về lý thuyết đã có 170 trường tuyển đủ thí sinh dù kết quả chính thức vẫn phải đợi thí sinh đến xác nhận nhập học.
Như vậy, số trường chưa tuyển đủ là 152 trường sẽ tiếp tục xét tuyển đợt 2.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, theo quy chế xét tuyển năm nay, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng và xét theo điểm từ trên xuống dưới nên về cơ bản, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các nguyện vọng mà các em đã lựa chọn.
Vì vậy, về cơ bản, những ngành, trường lớn đã tuyển đủ thí sinh ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên. "Số trường tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt đầu tiên năm nay tăng cao gấp 2 lần so với năm 2015".
Những ngành, trường không tuyển đủ thí sinh là do thí sinh đã không chọn nguyện vọng vào ngành, trường đó do tính thu hút của các ngành trường này là không cao. Điều này không chỉ xảy ra với những trường tốp dưới mà cả những ngành kém thu hút của các trường tốp trên.
Ông Nghĩa dự đoán, việc xét tuyển bổ sung vẫn diễn ra như mọi năm vì thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn, hoặc chấp nhận vào một ngành, trường nào đó còn chỉ tiêu để "đỗ đại học", hoặc không đi ĐH mà chọn đi học CĐ, cũng có những thí sinh sẽ bỏ để thi lại năm sau.
Ông Nguyễn Hoàng Long thì cho rằng mặc dù thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng, song vẫn có tình trạng nhiều thí sinh điểm cao mà vẫn trượt do chủ quan và không tìm hiểu kỹ thông tin.
"Nhiều thí sinh quá tự tin vào mức điểm của mình chỉ đăng ký 1-2 nguyện vọng vào những ngành, trường hot nhất dẫn đến trượt đại học" - ông Long phân tích. "Đáng ra, với cơ hội tốt do quy chế xét tuyển năm nay tạo ra, thí sinh nên đăng ký từ 3-6 nguyện vọng, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn".
Theo ông Long, số lượng thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt như nêu trên năm nay sẽ không nhiều song đây cũng là một nguồn tuyển cho các trường tốp giữa và tốp dưới để tìm kiếm thí sinh phù hợp.
Lê Văn
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/co-hoi-nao-cho-thi-sinh-xet-tuyen-dot-bo-sung-388091.html