Thí sinh không thể đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký trực tuyến (Ảnh: Thùy Linh)
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường công khai số điện thoại đường dây nóng
Bộ GD&ĐT đề nghị các trường xét hồ sơ của học sinh đã đăng ký vào trường mình theo đúng quy định, không phân biệt đã nộp lệ phí hay chưa. Việc trục trặc nộp lệ phí sẽ được xử lý sau khi các em đã trúng tuyển.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định như vậy trên website chính thức của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng nhấn mạnh, các trường phải đơn giản hóa, không gây phiền hà cho thí sinh trong việc nhận lệ phí xét tuyển.
Đề nghị nói trên của Bộ GD&ĐT được đưa ra sau khi có nhiều phản ánh của thí sinh về việc nộp lệ phí dự thi của các thí sinh đăng ký trực tuyến khá phức tạp trong những ngày vừa qua.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, để hỗ trợ thí sinh, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường công khai số điện thoại đường dây nóng trên trang thông tin điện tử của các trường. Vì vậy, thí sinh có thể gọi điện đến để phản ánh cũng như có thêm thông tin về việc đăng ký xét tuyển.
Bộ cũng yêu cầu các cán bộ tham gia tư vấn tuyển sinh của trường phải nắm vững quy chế để giải thích cho thí sinh và người nhà. Hiện các trường báo cáo đã hoàn tất việc cử cán bộ tham gia tư vấn tuyển sinh.
Thí sinh không thể đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký trực tuyến
Thí sinh không được đổi nguyện vọng hay hủy thông tin đã đăng ký thành công theo phương thức trực tuyến.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, thí sinh sau khi đã đăng ký thành công thì không được đổi nguyện vọng đã đăng ký.
Các thí sinh cũng không hủy được các thông tin đã đăng ký thành công trên hệ thống trên hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GD&ĐT.
Ông Nghĩa cũng lưu ý, các thí sinh sau khi đã đăng ký thành công theo phương thức trực tuyến thì không cần phải nộp hồ sơ theo hình thức trực tiếp hay nộp qua bưu điện nữa vì như vậy là vi phạm quy chế.
Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT khuyên thí sinh: “Để chắc chắn đã đăng ký thành công, thí sinh sau khi đăng ký trực tuyến chỉ cần in ra hoặc lưu lại phiếu xác nhận kết quả đăng ký như là bằng chứng đã đăng ký thành công”.
Theo ông Nghĩa, trong mọi trường hợp, thí sinh chỉ nên đăng ký theo một hình thức (trực tuyến, qua bưu điện hoặc trực tiếp).
Với những trường hợp ghi nhầm mã trường, mã ngành hoặc nộp thiếu giấy tờ (khi đăng ký trực tiếp hoặc nộp qua bưu điện), các thí sinh liên hệ với trường để đề nghị điều chỉnh chứ không tiếp tục nộp hồ sơ bằng các hình thức đăng ký trực tuyến.
Các trường bảo mật dữ liệu xét tuyển
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, khác với năm ngoái, năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường không công khai tình hình diễn biến hồ sơ xét tuyển.
Bởi lẽ, ở các kỳ thi trước, thí sinh chỉ được đăng ký 1 trường song năm nay, mỗi thí sinh có quyền đăng ký 2 trường với 4 nguyện vọng, vì thế các trường sẽ không biết được ngoài trường mình thì thí sinh còn đăng ký vào những trường nào khác.
Do đó, việc công bố thông tin về hồ sơ hoàn toàn không có ý nghĩa tham khảo mà còn gây tác dụng tiêu cực, khiến thí sinh và người nhà hoang mang.
Bộ GD&ĐT vẫn cho phép các trường có thể tải dữ liệu về đăng ký xét tuyển để tham khảo, nhưng dữ liệu này phải tuyệt đối bảo mật chứ không được công khai.
"Nếu các trường công khai thông tin này, gây ra tâm lý hoang mang hay bất cứ hậu quả nào thì trường đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm" - ông Ga nói.
Thứ trưởng Ga cũng khuyên, thí sinh cần tham khảo kết quả tuyển sinh năm ngoái của các trường cũng như dựa vào kết quả học tập của mình để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Thùy Linh
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chi-dao-moi-nhat-cua-Bo-Giao-duc-ve-xet-tuyen-dai-hoc-post169935.gd