Bốn môn thi của kỳ thi quốc gia 2015 - Ảnh: Quang Định - Đồ họa: N.Khanh
Ngoài bốn môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ.
7 Trước ngày 1-1 hằng năm, các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Căn cứ kết quả thi, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn.
Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.
“Hết thời” giấy báo điểm Theo ông Bùi Văn Ga, với phương thức tuyển sinh mới, thí sinh không phải chờ đợi các trường gửi giấy chứng nhận kết quả thi, rồi phiếu báo điểm có dấu đỏ, mà chính các em có thể in trực tiếp kết quả thi của mình từ Internet để đăng ký xét tuyển các trường ĐH. “Ngược lại, chính các trường ĐH cũng có thể tra cứu kết quả này của từng thí sinh vì Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục sẽ tập hợp và công bố công khai trên mạng” - ông Ga nói. |
Có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ được miễn thi
Một trong những điểm mới sẽ áp dụng trong kỳ thi quốc gia năm 2015 là những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được Bộ GD-ĐT công nhận sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ.
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo ngày 9-9 về lo ngại quy định này sẽ làm gia tăng tình trạng mua bán chứng chỉ ngoại ngữ vốn đã rất phổ biến, ông Nguyễn Vinh Hiển - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - khẳng định bộ sẽ ra quy định cụ thể chứng chỉ nào được phép miễn thi.
Theo đó, các chứng chỉ quốc tế chắc chắn được xét miễn thi, còn những chứng chỉ mua do các tổ chức đánh giá trong nước chưa đáng tin cậy có thể xảy ra chuyện “mua bán chứng chỉ” dễ dàng với giá 200.000-300.000 đồng như dư luận từng phản ảnh sẽ không được chấp thuận.
Trong tương lai, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức các trung tâm kiểm tra, đánh giá trình độ ngoại ngữ. Về lâu dài, thí sinh có thể tham gia các kỳ kiểm tra của các trung tâm này để xác nhận trình độ ngoại ngữ, không cần dự thi ngoại ngữ theo kiểu tập trung như hiện nay.
Tuy môn ngoại ngữ trở thành một môn thi bắt buộc nằm trong số bốn môn thi tối thiểu của kỳ thi quốc gia, nhưng Bộ GD-ĐT vẫn cho phép thí sinh ở các địa phương chưa có đủ điều kiện tối thiểu dạy và học ngoại ngữ được phép thi môn thay thế.
|
* PGS.TS ĐỖ VĂN XÊ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ):
Sức học yếu: nên thi ở cụm địa phương
Tôi cho rằng việc Bộ GD-ĐT đưa ra hai loại cụm thi (cụm thi tại địa phương do các sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH, CĐ và các cụm thi dành cho thí sinh có nguyện vọng tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ được tổ chức như các cụm thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ “ba chung” trước đây) là hết sức hợp lý và sẽ tạo sự đồng thuận của xã hội.
Với hai loại cụm này dùng cho hai đối tượng học sinh có sức học tốt và học sinh sức học còn yếu. Với học sinh có sức học chưa tốt, “yếu thì không nên ra gió” sẽ được thi ở địa phương được xét tốt nghiệp.
Những thí sinh dự thi tại cụm thi địa phương tuy không được sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển ĐH-CĐ, nhưng vẫn có thể được phép tham dự các kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ của các trường có phương án tuyển sinh riêng. Điều này thể hiện tính nhân văn trong giáo dục.
* PGS.TS PHẠM MINH HÙNG (phó hiệu trưởng Trường ĐH Vinh):
Coi thi đáng lo hơn chấm thi
Kỳ thi quốc gia hợp nhất chỉ có ý nghĩa khi khâu tổ chức được thực hiện nghiêm túc, tạo niềm tin để các trường ĐH có thể dựa vào đó làm căn cứ xét tuyển.
Bằng không, nếu tổ chức không nghiêm, để xã hội còn cảm giác “lấn cấn” về tính nghiêm túc của một kỳ thi đầu tư tốn kém thì coi như kỳ thi quốc gia dù đổi mới nhưng sẽ thất bại.
Với vai trò một trường ĐH đảm nhiệm cụm trưởng cụm thi Vinh nhiều năm qua, tôi cho rằng khi tổ chức theo hình thức cụm thi, điều gây lo lắng nhiều hơn và cần thiết được quan tâm hơn chính là khâu coi thi.
Các trường ĐH được giao nhiệm vụ phụ trách cụm thi ngoài năng lực sẵn có để được chọn lựa thì cần đầu tư nghiêm túc cho việc tập huấn cán bộ coi thi, tạo cơ chế lành mạnh cho xã hội cùng giám sát về kỳ thi.
Thực tế, đã có ý kiến cho rằng muốn tránh tác động của địa phương, quy mô của mỗi cụm thi phải mang tính chất “liên tỉnh”, nhưng với kinh nghiệm tổ chức cụm thi lâu nay, tôi cho rằng muốn đảm bảo kỳ thi an toàn thì quy mô mỗi cụm thi không nên quá 50.000-60.000 thí sinh.
Theo đó, cụm thi được tổ chức căn cứ trên lượng thí sinh của địa phương, chứ không nên cộng gộp đơn thuần các tỉnh với nhau, gây khó cho khâu tổ chức.
* Bà HOÀNG THỊ THU HIỀN (giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):
Đổi mới cần nhất quán
Ở TP.HCM, chỉ những trường có nhiều học sinh yếu mới lo cho học sinh thi đậu tốt nghiệp. Đối với đa số các trường còn lại, việc học sinh đậu tốt nghiệp THPT coi như nằm trong tầm tay, vấn đề quan trọng là làm sao các em đậu được ĐH.
Như vậy, nếu thi theo phương thức mà Bộ GD-ĐT đưa ra thì tình trạng học lệch lại có cơ hội phát triển. Vì ngoài ba môn bắt buộc: toán, văn, ngoại ngữ, chắc chắn học sinh sẽ chọn những môn thi thuộc sở trường của mình và phù hợp với nguyện vọng xét tuyển vào trường ĐH mà mình muốn.
Trước đây môn sử, địa đã bị “bỏ rơi” thì với phương án thi như thế này, nó tiếp tục bị “bỏ rơi” một cách nặng nề hơn. (Ngay chính các trường cũng phải lên kế hoạch dạy học, ôn thi đáp ứng nhu cầu thi cử của học sinh. Thế thì giáo viên không thể ép học trò của mình phải học sử, địa, giáo dục công dân trong khi các em không dự thi những môn này).
Việc bỏ các khối thi coi như chương trình phân ban đã phá sản hoàn toàn. Giáo viên chúng tôi rất mong Bộ GD-ĐT sớm công bố “mô hình đổi mới” của các môn học.
Từ đó, giáo viên có căn cứ để dạy học sinh. Bên cạnh đó, việc đổi mới cần nhất quán, đừng nửa này nửa kia - rất khổ cho giáo viên và học trò. Đừng như năm trước, gần đến sát ngày thi Bộ GD-ĐT mới công bố việc đổi mới cách ra đề thi khiến nhiều trường “vắt chân lên cổ mà chạy”.
* Bà ĐỖ THỊ BÍCH DUYÊN (hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):
Phải xây dựng lại kế hoạch giảng dạy
Việc cải tiến chỉ còn một kỳ thi quốc gia là đáp ứng đúng sự mong mỏi của xã hội, vừa đỡ tốn kém tiền bạc, vừa làm giảm áp lực cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, quá trình dùng điểm của kỳ thi này để thí sinh nộp đơn xét tuyển vào trường ĐH, CĐ, tôi nghĩ cần thêm ý kiến của các chuyên gia trường ĐH.
Làm sao để việc xét tuyển này thật sự công bằng và khách quan, giảm bớt sự “phiêu lưu” cho thí sinh (chứ như những gì Bộ GD-ĐT công bố, sau khi có điểm rồi thí sinh đem điểm đó đi dự tuyển là khá phiêu lưu bởi các em không thể biết có bao nhiêu thí sinh dự tuyển, điểm chuẩn cao hay thấp...).
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH có phương án tuyển sinh riêng là cần thiết và phù hợp với xu thế hiện nay. Hiện nay, ở trường chúng tôi vẫn đang xếp lớp theo khối khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Mặc dù học sinh được hướng nghiệp rất rõ rệt, nhưng với phương án thi như thế này của bộ, chắc chắn các giáo viên sẽ phải xây dựng kế hoạch giảng dạy để đáp ứng nhu cầu vừa đậu tốt nghiệp vừa đậu ĐH của học sinh. T.HUỲNH - H.HG. - N.HÀ ghi
|
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140910/9-diem-moi-cua-ky-thi-quoc-gia/643711.html