Không phải là ngành học mới, tuy nhiên, nguồn nhân lực liên quan đến chế tạo, sản xuất và sửa chữa ô tô cho ngành này vẫn còn đang thiếu hụt rất nhiều trước số lượng ô tô lưu thông tại VN ngày một tăng lên. Chính thức mở ngành học mới Công nghệ Kỹ thuật Ôtô trong mùa tuyển sinh năm 2020, Đại học (ĐH) Duy Tân mong muốn đóng góp một phần lực để đào tạo ngành nghề đang rất “hot” và có nhu cầu cấp thiết hiện nay. Cùng trò chuyện với TS. Hà Đắc Bình - Trưởng khoa ở ĐH Duy Tân để tìm hiểu về quá trình chuẩn bị đào tạo ngành học này tại trường.
PV: Khi Việt Nam bắt đầu có thương hiệu ôtô riêng, đồng thời, nhiều thương hiệu ôtô trên thế giới cũng đặt trụ sở và mở showroom tại Việt Nam thì các ngành học liên quan đến ôtô ngày càng được giới trẻ quan tâm. Thầy có thể chia sẻ sâu hơn về nhu cầu nhân lực của ngành này trong giai đoạn hiện nay?
TS. Hà Đắc Bình: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam đã được đề ra từ rất sớm, trong đó từng bước tăng dần tỉ lệ nội địa hóa xe sản xuất trong nước và phát triển thương hiệu xe Việt. Có rất nhiều doanh nghiệp FDI như Toyota, Honda, Daihatsu, Ford, Mercedes,… đã đầu tư nhà xưởng lắp ráp tại Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt như Công ty Ôtô Hòa Bình, Auto Trường Hải và gần đây nhất là Vinfast của Tập đoàn Vingroup ra đời mang sứ mạng đẩy mạnh việc phát triển ôtô thương hiệu Việt. Cùng với sự phát triển kinh tế và tâm lý sử dụng ôtô để có sự an toàn, tiện lợi cho cá nhân và gia đình, nhu cầu sử dụng ô tô của người Việt đang tăng cao. Riêng trong năm 2019, lượng xe tiêu thụ ở Việt Nam chạm ngưỡng 400.000 chiếc, tăng hơn 100.000 chiếc so với năm 2018. Điều này thúc đẩy lĩnh vực ô tô phát triển mạnh mẽ, dẫn đến nhu cầu cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng tăng nhanh. Hơn nữa, ngành công nghiệp ôtô hiện nay đang dần chuyển hướng sang ôtô điện và tương lai không xa là xe tự hành, càng làm cho nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này tăng cao. Với mức cầu này, các cơ sở đào tạo tại khu vực miền Trung cũng như trên cả nước hiện không đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của ngành ôtô.
TS. Hà Đắc Bình - Trưởng khoa, phụ trách ngành Công nghệ Kỹ thuật Ôtô ở ĐH Duy Tân
PV: Đâu thực sự là lý do để ĐH Duy Tân mở ngành Công nghệ Kỹ thuật Ôtô vào mùa tuyển sinh 2020, trước xu hướng người dân sử dụng ôtô ngày càng nhiều, thưa thầy?
TS. Hà Đắc Bình: Sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, ĐH Duy Tân quyết định mở ngành Công nghệ Kỹ thuật Ôtô vào mùa tuyển sinh 2020. Với sự tâm huyết cùng kinh nghiệm đào tạo các ngành Cơ Điện và Điện tử trong nhiều năm qua, các giảng viên nhà trường đều tin tưởng sẽ đào tạo và cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô ở khu vực miền Trung và Tây nguyên. Nhiều nhà xưởng và phòng thí nghiệm mới cũng đang được xây dựng tại trường cho nỗ lực này, theo đúng triết lý “học qua hành” (“learning by doing”) của trường.
PV: Qua tìm hiểu được biết, Công nghệ Kỹ thuật Ôtô là ngành học có liên quan giữa các lĩnh vực như Cơ khí, Tự động hóa, Điện-Điện tử và Công nghệ Chế tạo Máy. Chương trình học có nhiều kiến thức tổng quát và chuyên sâu như vậy dường như có vẻ khá “nặng” khi sinh viên chỉ có 4,5 năm học tập. Vậy chương trình đào tạo của nhà trường được thiết kế có điểm gì đặc biệt giúp sinh viên nắm vững kiến thức để ra trường có thể vững tay nghề và làm việc ngay, thưa thầy?
TS. Hà Đắc Bình: Trước tiên, người học phải tìm hiểu một cách nghiêm túc để có những kiến thức đúng, chuẩn về ngành học này từ đó xác định xem có phù hợp với năng lực, đam mê của bản thân. Công nghệ Kỹ thuật Ôtô là ngành học về cơ khí, tự động hóa, điện-điện tử, và công nghệ chế tạo máy giúp cho người học có khả năng khai thác, sử dụng và quản lý các dịch vụ kỹ thuật ô tô như:
-điều hành sản xuất phụ tùng,
-lắp ráp, cải tiến,
-nâng cao hiệu quả sử dụng.
Để sinh viên có một kiến thức nền tổng quát cùng các kiến thức chuyên sâu, khoa đã xây dựng một chương trình học đầy đủ các môn học cần thiết. Từ các môn cơ sở ngành như: Sức bền vật liệu, Nguyên lý máy, Chi tiết máy, Truyền động Thủy lực và Khí nén, Hệ thống Điều khiển,… đến các môn học giúp nắm vững các kiến thức chuyên ngành như: Động cơ Đốt trong, Tính toán Ôtô, Hệ thống An toàn và Tiện nghi trên Ôtô, Kiểm định Kỹ thuật Ôtô…
Chương trình đào tạo sắp xếp các môn học một cách hợp lý đồng thời áp dụng qui trình giảng dạy theo mô hình CDIO (Conceive/Hình thành Ý tưởng - Design/Thiết kế - Implement/Triển khai - Operate/Vận hành), học tập dựa trên dự án sẽ hỗ trợ tối đa việc nắm bắt đầy đủ các kiến thức ngành/chuyên ngành và kỹ năng liên quan như:
-kỹ năng làm việc nhóm,
-kỹ năng giải quyết vấn đề,
-kỹ năng thuyết trình,
-Kỹ năng giao tiếp,
-…
Như vậy, thời gian 4,5 năm là vừa đủ cho sinh viên lĩnh hội các kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm tốt công việc của mình.
Sinh viên theo học ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô sẽ được thực hành trong xưởng Cơ khí - Điện tử với nhiều thiết bị hiện đại
PV: Trên thế giới, sinh viên theo học các ngành học về ôtô thường được thực hành ở các công xưởng chế tạo và sửa chữa với máy móc hiện đại trong một diện tích không gian “khủng”. Điều này giúp sinh viên không bị “khớp” hay choáng ngợp khi đi làm. ĐH Duy Tân đã chuẩn bị những gì về cơ sở vật chất để hỗ trợ sinh viên thực hành trong quá trình học, thưa thầy?
TS. Hà Đắc Bình: Để chuẩn bị cho sinh viên ngành này thực hành, ĐH Duy Tân đã đầu tư nhà xưởng cơ khí tại khu nhà B, cơ sở Hòa Khánh Nam với các trang thiết bị cơ khí hiện đại như các máy CNC, máy cắt laser, các máy tiện, phay, bào, khoan, hàn,… Ngoài ra, ĐH Duy Tân đang tiến hành xây dựng các nhà xưởng, garage ôtô thực tế với diện tích gần 1.000 m2 và khả năng phục vụ 6 xe cùng lúc, dự trù sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
PV: Nhiều năm đào tạo trong lĩnh vực Điện-Điện tử và Cơ Điện tử, những thành quả trong đào tạo hỗ trợ như thế nào để đào tạo ngành mới Công nghệ Kỹ thuật Ôtô trong năm nay, thưa thầy?
TS. Hà Đắc Bình: Qua nhiều năm đào tạo, đơn vị đã áp dụng thành công phương pháp giảng dạy theo dự án CDIO. Đặc biệt, khoa cũng tham gia kiểm định ABET (chuẩn Hoa Kỳ) trong năm học 2019-2020 cho ngành Điện-Điện tử. Đây là chuẩn kiểm định các ngành Công nghệ - Kỹ thuật cao nhất của Hoa Kỳ và được xem là chuẩn “vàng” trong đào tạo kỹ thuật trên thế giới. Ngoài ra, khoa có nhập khẩu 2 chương trình quốc tế là:
-Điện-Điện tử, và
-Cơ Điện tử
từ ĐH Purdue - 1 trong những trường hàng đầu về kỹ thuật của Hoa Kỳ. Quá trình hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng đào trong từng ngành học chính là những kinh nghiệm quí để đơn vị tiến hành mở ngành mới Công nghệ Kỹ thuật Ôtô trong năm nay.
Chia sẻ thêm một điều rất đáng quan tâm đó là, trong tương lai ôtô điện và ôtô tự hành sẽ thay thế ôtô truyền thống. Đón trước xu hướng phát triển, khoa đã thiết kế nhiều môn học liên quan đến xu thế này vào trong chương trình, tiêu biểu như các môn học:
-Điều khiển Tự động Ôtô,
-Nhiên liệu và Năng lượng mới trong Ôtô,
-Ôtô tự hành,
-…
Đặc biệt, nhà trường đã gởi một số chuyên gia từ hai năm qua tham gia dự án lập trình thông minh cho xe tự hành với Đại học Nevada ở Las Vegas (UNLV) và đang tiến đến xây dựng lab thí nghiệm Điều khiển Tự động và AI cho Xe tự hành. Đây chính là những điểm đặc sắc trong chương trình đào tạo Công nghệ Kỹ thuật Ô tô của khoa Điện-Điện tử ĐH Duy Tân.
PV: Cám ơn những chia sẻ thú vị của thầy.
Các bạn có thể xem thêm thông tin về đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô của ĐH Duy Tân tại đây: khoa Điện-Điện tử