Như một lời hiệu triệu đối với toàn thể đội ngũ trí thức cùng những người đam mê nghiên cứu khoa học, Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành trở thành kim chỉ nam, thúc đẩy tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Trên tinh thần đó, Đại học (ĐH) Duy Tân đã trang trọng tổ chức Phát động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị vào chiều ngày 21/2/2025 với mong muốn góp phần vào công cuộc chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo và Chuyển đổi Số.
TS. Lê Nguyên Bảo - Giám đốc ĐH Duy Tân phát biểu tại buổi Phát động
Phát biểu tại buổi phát động, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐH Duy Tân cho biết: “Sự phát triển như vũ bão của Công nghệ Thông tin trong những năm gần đây đặt ra nhiều thách thức cho hầu hết các lĩnh vực ngành nghề, các cơ quan đoàn thể trong đó có cả các trường đại học. Trước thực tế đó, các trường đại học cần phải tăng cường các hoạt động đổi mới sáng tạo để luôn làm chủ công nghệ, bắt kịp với những bước tiến mới của văn minh thế giới.
Để hưởng ứng và biến Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị thành hiện thực tại ĐH Duy Tân thì trước hết đội ngũ giảng viên của nhà trường phải sử dụng thành thạo công cụ AI trong dạy học, đặc biệt Trường Khoa học Máy tính là đơn vị nòng cốt trong việc hướng dẫn và hỗ trợ cho nhân viên toàn trường. Do vậy, ĐH Duy Tân nhiệt liệt ủng hộ Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và bắt đầu có những chương trình hành động cụ thể để triển khai các nội dung liên quan đến đổi mới chương trình đào tạo, tập huấn cho đội ngũ giảng viên, đầu tư cho nghiên cứu khoa học,…”
TS. Lê Nguyên Bảo - Giám đốc ĐH Duy Tân khẳng định: “Người xưa từng nói ‘Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy’ nhưng trong nền giáo dục hiện đại vai trò của người thầy sẽ dần thay đổi. Người thầy ở thời điểm hiện tại và trong tương lai không đơn thuần là người truyền đạt kiến thức mà phải thay đổi để thích ứng với thời đại bằng cách nắm vững công nghệ và hướng dẫn cũng như định hướng cho người học cách nắm bắt những kỹ năng thiết thực để bắt nhịp với sự phát triển của thời đại số hóa.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia rất sát thực để Việt Nam không bị bỏ rơi trong đà phát triển vô cùng mạnh mẽ của công nghệ trên thế giới. ĐH Duy Tân đang tích cực triển khai các hoạt động, trong đó vào khoảng tháng 3, Trường Khoa học Máy tính sẽ công bố một số chatbot mới và tháng 6 các đội của Trung tâm Điện-Điện tử (CEE) và Trung tâm Cơ khí (CMI) dự kiến cho ra một số sản phẩm robot ứng dụng AI phục vụ cho đào tạo trong lĩnh vực Du lịch và Logistics cũng như ĐH Duy Tân đang tích cực triển khai Microlearning - phương pháp đào tạo phục vụ tối đa cho quá trình giảng dạy tại trường.”
GS.TS. Dương Quang Trung trình bày nghiên cứu
“Ứng dụng của AI và Quantum vào trong 6G”
Tại buổi Phát động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, GS.TS. Dương Quang Trung - Chủ nhiệm nghiên cứu xuất sắc Canada, Giáo sư của ĐH Memorial Newfoundland, Canada, Giám đốc Nghiên cứu Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh Quốc và Giáo sư của ĐH Queen Belfast, Anh Quốc đã trình bày nghiên cứu “Ứng dụng của AI và Quantum vào trong 6G”.
Theo chia sẻ của GS.TS. Dương Quang Trung, Công nghệ Truyền thông Di động 6G được định hướng thương mại hóa toàn cầu vào năm 2030, tích hợp các công nghệ tiên tiến như Trí tuệ Nhân tạo (AI), Dữ liệu Lớn, Công nghệ Chuỗi khối (Blockchain) với mục tiêu hướng tới một xã hội siêu thông minh dựa trên 4 trụ cột là kết nối thông minh, kết nối sâu, kết nối không đồng nhất và kết nối toàn diện. 6G với khả năng liên lạc cực kỳ đáng tin cậy và độ trễ thấp sẽ mở ra cơ hội cho phép triển khai nhiều hình thức ứng dụng mới như thực tế ảo (VR) với góc nhìn 360 độ, tự động hóa nhà máy, xe tự hành, chăm sóc sức khỏe từ xa,…
Tại Việt Nam, GS.TS. Dương Quang Trung đã gắn bó với ĐH Duy Tân, trực tiếp đứng lớp giảng bài cho sinh viên khối ngành Công nghệ Thông tin, Điện - Điện tử cũng như tổ chức nhiều Hội thảo Quốc tế thiết thực, có ý nghĩa và được đánh giá cao tại ĐH Duy Tân như: Hội nghị Quốc tế về Máy tính, Quản lý và Truyền Thông - The International Conference on Computing, Management and Telecommunications (ComManTel), Trại hè Nghiên cứu Khoa học Quốc tế,… Hiện tại, GS.TS. Dương Quang Trung giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Mạng Công nghiệp & Hệ thống Thông minh (EAI Endorsed Transactions on Industrial Networks and Intelligent Systems) cùng TS. Lê Nguyên Bảo - Giám đốc ĐH Duy Tân giữ chức đồng Tổng biên tập Tạp chí. Đây là tạp chí do ĐH Duy Tân và Tổ chức EAI (European Alliance for Innovation) có 90.000 thành viên đến từ 167 quốc gia đồng tài trợ và tổ chức xuất bản.
ĐH Duy Tân đã chính thức trao quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư năm 2024 của Giám đốc ĐH Duy Tân cho PGS.TS. Nguyễn Quang Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng, ĐH Duy Tân ngay tại buổi phát động. GS.TS. Nguyễn Quang Hưng là một trong 45 Giáo sư được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận trong đợt công bố 614 nhà giáo đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2024 (trong đó có 45 Giáo sư và 569 Phó giáo sư).
Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch
Hội đồng ĐH Duy Tân trao quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư cho
PGS.TS. Nguyễn Quang Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu
Khoa học Cơ bản và Ứng dụng (IFAS), ĐH Duy Tân
GS.TS. Nguyễn Quang Hưng đã đạt được rất nhiều thành tựu trong suốt quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học, cụ thể:
- Thành viên Hội đồng Khoa học ngành Vật lý của Quỹ NAFOSTED từ năm 2017 đến nay;
- Công bố tổng cộng 96 bài báo khoa học, trong đó, số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín mà ứng viên làm tác giả chính sau khi được công nhận chức danh Phó Giáo sư là 35 bài;
- Hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học do Quỹ Nafosted tài trợ, xuất bản 1 cuốn sách chuyên khảo được sử dụng làm tài liệu phục vụ đào tạo tại ĐH Duy Tân và hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ;
- Chủ trì 2 chương trình đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ được đưa vào áp dụng thực tế tại ĐH Duy Tân.
Trong quá trình công tác, GS.TS. Nguyễn Quang Hưng đã xuất sắc nhận được:
- Giải thưởng Nghiên cứu trẻ do Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam trao tặng vào năm 2012,
- Nhận thư khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ với ghi nhận: "Bài báo có ý nghĩa đặc biệt đối với nghiên cứu Vật lý hạt nhân ở Việt Nam và là niềm tự hào cho khoa học cơ bản Việt Nam" cho một công trình - nghiên cứu đăng tải trên tạp chí quốc tế uy tín Physical Review Letters năm 2017,
- Được Quỹ NAFOSTED 2 lần liên tiếp đề cử giải chính tại Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 và 2020.
GS.TS. Nguyễn Quang Hưng đã:
- Chủ nhiệm 4 đề tài nghiên cứu cơ bản về Vật lý do Quỹ NAFOSTED tài trợ, trong đó có 1 đề tài nhóm nghiên cứu mạnh về "Phát triển một mô hình lý thuyết thống nhất và vi mô cho mô tả cấu trúc hạt nhân tại nhiệt độ bằng không, nhiệt độ và mô men góc khác không, có tính tới lời giải chính xác bài toán kết cặp" giai đoạn 2020-2023,
- Chủ nhiệm 1 đề tài nhóm nghiên cứu mạnh của Quỹ NAFOSTED về “Nghiên cứu các sai hỏng cấu trúc và biến tính vật liệu nano bằng phương pháp hạt nhân”, giai đoạn 2024-2028,
- Trực tiếp đồng chủ nhiệm một dự án về "Nghiên cứu niên đại của các kiến trúc cổ tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê: góp phần nâng cao giá trị lịch sử và công tác bảo tồn di tích" do Quỹ VinIF tài trợ,
- …
Những thành tựu từ nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trẻ Việt Nam, trong đó có ĐH Duy Tân đang có đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển đất nước.
(Truyền Thông)