Từ dữ liệu của Web of Science (WoS)- Mỹ, một nghiên cứu phân loại bài báo khoa học theo từng lĩnh vực và đưa ra kết quả thành tựu bài báo nghiên cứu chuẩn quốc tế của các trường ĐH Việt Nam trong nửa đầu năm 2024.
Tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và chính sách quản trị nghiên cứu (SARAP), Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), cho biết vừa hoàn thành một nghiên cứu về thành tựu bài báo khoa học chuẩn quốc tế của các trường ĐH Việt Nam trong nửa đầu năm 2024.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT về chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, bình quân một giảng viên tại trường ĐH có đào tạo tiến sĩ phải có số bài trong danh mục Web of Science (WoS) hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm. PHẠM HỮU
Tại nghiên cứu này, tiến sĩ Út đã căn cứ vào cơ sở dữ liệu của WoS, hiện được xem là cơ sở dữ liệu khoa học uy tín nhất trên thế giới, để đưa ra những số liệu và phân tích. Các công bố quốc tế của Việt Nam được tiến sĩ Út nghiên cứu trích xuất trong thời gian từ ngày 1.1 – 30.6.2024 và thời điểm trích xuất là lúc 21 giờ ngày 1.7.
ĐH Quốc gia TP.HCM đứng đầu
Kết quả cho thấy, Việt Nam có 5.431 bài báo khoa học được ghi nhận bởi WoS, được phân thành 13 loại. Trong đó, bài báo khoa học thuộc loại nghiên cứu chiếm đa số (92,69%) trong các ấn phẩm WoS của Việt Nam, với 5.034 bài. Các bài báo khoa học thuộc loại tổng quan chỉ có 220 bài, chiếm 4,05%.
Tỷ lệ bài báo qua các lĩnh vực của Việt Nam được WoS ghi nhận
Bài báo thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật (SCIE) là 68%, chiếm đa số so với các lĩnh vực khác. Trong khi lĩnh vực khoa học xã hội (SSCI) có phần khiêm tốn hơn, chiếm 9,89%. Chỉ có 0,7% các bài báo về nghệ thuật và nhân văn (AHCI). Bài báo thuộc nhóm được xem là dự bị (ESCI) thì chiếm 23,72%. Cần lưu ý thêm là mỗi bài báo có thể được liệt kê vào ít nhất một nhóm lĩnh vực.
Tiến sĩ Út cũng đã đưa ra kết quả thành tựu bài báo nghiên cứu gồm top 50 trường ĐH có số lượng bài báo nhiều nhất được WoS ghi nhận. Cụ thể, tổng cộng có tất cả 60 trường ĐH (trong số 240 trường) được xếp trong danh sách này với số lượng bài báo chuẩn WoS từ 20 trở lên.
60 cơ sở giáo dục ĐH có số lượng bài báo chuẩn quốc tế nhiều nhất trong số 240 trường ĐH có trong dữ liệu của WoS. CHỤP MÀN HÌNH
Theo đó, hầu hết là các trường ĐH công lập, chiếm tỷ lệ 88,33% (53 trường). Chỉ có 7 trường tư thục, chiếm tỷ lệ 11,66%. Trong top 10, đứng đầu là ĐH Quốc gia TP.HCM với 648 bài báo nghiên cứu, chiếm tỷ lệ 12,87% của cả nước. ĐH Quốc gia Hà Nội đứng thứ 2 với 405 bài báo nghiên cứu. Các vị trí còn lại theo thứ tự gồm các trường ĐH: Duy Tân, Bách khoa Hà Nội, Tôn Đức Thắng, Văn Lang, Cần Thơ, Y Dược TP.HCM, Nguyễn Tất Thành và Huế.
10 trường ĐH đứng đầu này có tổng số bài báo nghiên cứu chiếm 54,24% tổng số bài báo nghiên cứu của cả nước.
180 trường ĐH chỉ có dưới 20 bài báo/trường/6 tháng
Tiến sĩ Út nhận định: "Bên cạnh top 50 gồm 60 ĐH có ít nhất 20 bài báo nghiên cứu WoS, vẫn còn tới 180 cơ sở giáo dục ĐH trong nửa năm đầu chỉ có số lượng dưới 20 bài báo chuẩn WoS (tức ISI trước đây). Điều này cho thấy số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học ở nhiều trường đang ở mức báo động".
ĐH Quốc gia TP.HCM đứng đầu danh sách có nhiều bài báo khoa học chuẩn quốc tế nhất trong 6 tháng đầu năm
Lý giải cho việc tại sao những trường có dưới 20 công bố quốc tế trong nửa năm bị xem là đáng báo động, tiến sĩ Út cho biết: "Theo Thông tư 01 năm 2024 của Bộ GD-ĐT ban hành chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, tiêu chí 6.2 chỉ rõ: Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù, không thấp hơn 0,6 bài/năm, trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm".
Tiến sĩ Út lấy ví dụ Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai có 21 bài trong nửa năm 2024. Thông tin 3 công khai trên website của trường có 291 giảng viên (số liệu ngày 11.6.2023). Như vậy, có thể cả năm 2024 sẽ là 42 bài hoặc nhiều hơn hoặc ít hơn.
"Nếu lấy 42/291 là 0,144. Ngoài ra, nếu tính thêm trọng số lĩnh vực và thêm bài không có trong danh mục WoS nhưng có trong danh mục Scopus và thêm năng suất vào cuối kỳ, thì có thể tỷ lệ sẽ tiến về 0,3. Từ đó cho thấy các trường đào tạo tiến sĩ mà có dưới 20 công bố trong nửa năm đầu 2024 là nhóm có thể bị báo động về số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học. Đối với những trường không có đào tạo tiến sĩ thì có thể 'nhẹ thở' hơn", tiến sĩ Út thông tin.
Tiến sĩ Út cho rằng một giảng viên có chất lượng cao thì tối thiểu phải có năng lực chuyên môn tốt, phương pháp giảng dạy tốt và năng lực nghiên cứu khoa học tốt. Khi có nghiên cứu khoa học, giảng viên mới có thể tạo ra những kết quả nghiên cứu mới trong chuyên ngành. Từ đó, chất lượng bài giảng của họ mới được nâng cao, tạo ra những luận văn, luận án có giá trị.
Nghiên cứu ngắn hạn giúp trường ĐH kịp thời điều chỉnh
Theo tiến sĩ Út, ông nghiên cứu vấn đề này đã trên 10 năm chủ yếu phục vụ cho công tác tham mưu, nhưng đây là lần đầu tiên công bố dưới dạng kết quả nghiên cứu mới. Nghiên cứu này cũng đã được Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam của Bộ Khoa học và công nghệ công bố.
"Những thông tin về thành tựu nghiên cứu tức thời (nửa năm hay năm hiện tại) có thể cung cấp thông tin cập nhật và hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước về ĐH, các cơ quan chủ quản ĐH, những người làm nghiên cứu và cả cộng đồng về thành tựu của các trường ĐH. Nhờ vào đó, các trường ĐH có thể tiếp tục phát huy những chiến lược hiệu quả, kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh có thể dẫn đến những rủi ro trong quản trị ĐH", tiến sĩ Út chia sẻ.
|
(Nguồn: https://thanhnien.vn/truong-dh-nao-co-nhieu-nghien-cuu-chuan-quoc-te-nhat-trong-6-thang-dau-nam-1852407250957429.htm?fbclid=IwY2xjawERJBlleHRuA2FlbQIxMAABHRGnOHxwEU3FVopZBMxBVRWFFUJRop0hAoOAl4xp7If3bDHod9dWewbSUg_aem_l3d96eq0ouOEjg36MTBmYg)