Sáng ngày 22/11/2024, tại số 3 Quang Trung, dưới sự chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Đà Nẵng, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Đà Nẵng phối hợp cùng Đại học Duy Tân, Đại học New South Waves (Australia) và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Quốc tế “Kết nối Công nghệ Đà Nẵng - Australia.
Hơn 150 khách mời trong và ngoài nước tham dự hội thảo "Kết nối Công nghệ Đà Nẵng - Australia"
Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ 2024 và là cơ hội tiếp cận các giải pháp công nghệ từ những quốc gia có nền tảng khoa học kỹ thuật phát triển, đồng thời thúc đẩy giao lưu, kết nối, chuyển giao công nghệ với các chuyên gia, đối tác quốc tế nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đây cũng là một phần quan trọng trong chiến lược hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp của thành phố, phù hợp với mục tiêu nâng cao năng lực khoa học và đổi mới sáng tạo trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 150 đại biểu, bao gồm các nhà lãnh đạo, chuyên gia công nghệ, đại diện các quỹ đầu tư, cơ sở nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Một số khách mời tiêu biểu gồm:
- GS.TS. Yeoh Guan Heng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Hội đồng Nghiên cứu Australia (ARC) về Vật liệu chống cháy và Công nghệ an toàn
- GS.TS. David Nguyen - Giáo sư lĩnh vực Công nghiệp, Đại học New South Wales, Australia
- Bà Lê Thị Thục - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Đà Nẵng
- Nguyễn Viết Toàn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Tp. Đà Nẵng
- Võ Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Tp. Đà Nẵng
- TS. Trương Tiến Vũ - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Đại học Duy Tân
- TS. Lê Văn Chung - Giám đốc Trung tâm Mô phỏng & Mô hình hoá (CVS) - Đại học Duy Tân
- …
và các chuyên gia công nghệ, đại diện các quỹ đầu tư, cơ sở nghiên cứu, bệnh viện, trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức Khoa học - Công nghệ trong và ngoài nước.
Bà Lê Thị Thục - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Thục chia sẻ: “Hội thảo lần này là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa Đà Nẵng và các đối tác quốc tế, đặc biệt là Australia trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ. Thông qua Hội thảo, chúng tôi mong muốn tạo ra một môi trường trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giúp các doanh nghiệp, các trường đại học nắm bắt được xu hướng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực chuyển giao và hấp thụ công nghệ, ứng dụng các giải pháp tiên tiến vào thực tế sản xuất, kinh doanh và có được những cơ hội hợp tác lâu dài với các đối tác quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.”
Hội thảo gồm 4 tham luận chuyên sâu đến từ các chuyên gia hàng đầu:
• ThS. Võ Đức Anh: “Giới thiệu về cơ chế chính sách thử nghiệm có kiểm soát Sandbox”
Với cơ chế chính sách thử nghiệm có sự kiểm soát Sandbox, các trường đại học sẽ tự chủ hơn, doanh nghiệp sẽ tự chủ đầu tư hơn, tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giảm thiểu rủi ro trước khi sản phẩm triển khai chính thức ra thị trường.
ThS. Võ Đức Anh trình bày tham luận “Giới thiệu về cơ chế chính sách thử nghiệm có kiểm soát Sandbox”
• GS.TS. Yeoh Guan Heng: “Trung tâm nghiên cứu về các giải pháp chống cháy cho những công trình trọng điểm” (đã gọi vốn được 5 triệu đô từ Chính phủ Úc)
Cụ thể trong tham luận, GS.TS Yeoh Guan Heng giới thiệu các dự án giải pháp chống cháy, bảo vệ con người khỏi nguy cơ cháy nổ và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, có thể kể đến: Sơn chống cháy (được thương mại hoá và bày bán dưới nhãn hiệu Fire Coat, lớp phủ chống cháy có thể rửa sạch, hệ thống chống cháy không dây, ứng dụng AI và IoT hỗ trợ thoát hiểm, quy trình gia nhiệt Joule xử lý rác thải thành carbon tốt. Trong đó, Fire Coat - lớp phủ trương nở là sản phẩm phủ được lên nhiều bề mặt chất liệu để hạn chế bắt lửa và bảo toàn nhân mạng. Ngoài ra, mục tiêu của trung tâm còn là biến những chất thải nhựa trở thành năng lượng sạch và có giá trị lâu dài, sản xuất những sản phẩm an toàn không gây hại cho người sử dụng, đáp ứng được tiêu chuẩn và kiểm định nghiêm ngặt của thế giới.
GS.TS. Yeoh Guan Heng trình bày tham luận
“Trung tâm nghiên cứu về các giải pháp chống cháy cho những công trình trọng điểm”
• GS.TS. David Nguyen: “Máy tính lượng tử cho Giảng dạy và Nghiên cứu tại trường đại học và ứng dụng trong việc tăng cường an ninh mạng”
Theo GS.TS. David Nguyen, máy tính lượng tử có tốc độ xử lý thông tin nhanh hơn so với máy tính thông thường được sử dụng để đảm bảo an toàn an ninh mạng, đảm bảo an toàn và không bị tấn công cho các thiết bị như máy bay không người lái, radar quân sự, các thiết bị thông minh khác,…
GS.TS. David Nguyen cho rằng Việt Nam với thế mạnh về nguồn nhân lực, có thể hợp tác với Australia để thành lập các phòng Lab, các chương trình học để đào tạo nguồn nhân lực từ sinh viên các trường đại học trở thành các kỹ sư Công nghệ Thông tin có nền tảng IT tốt.
GS.TS. David Nguyen trình bày tham luận “Máy tính lượng tử cho Giảng dạy và Nghiên cứu tại trường đại học
và ứng dụng trong việc tăng cường an ninh mạng”
• TS. Lê Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng & Mô hình hoá (CVS) - Đại học Duy Tân: “Công nghệ mô phỏng và tương tác toàn diện trong đào tạo kỹ thuật ô tô thông minh”
Sản phẩm là kết quả của nghiên cứu khoa học công nghệ mới nhất, giúp tìm hiểu và trải nghiệm về công nghệ mô phỏng tiên tiến và giải pháp tương tác hiện đại trong đào tạo Kỹ thuật Ô tô Thông minh. Sản phẩm mô phỏng chân thực với tỉ lệ 1:1 và dữ liệu về xe ô tô đầy đủ, giúp học viên thực hành trong môi trường an toàn, tương tác 3D sinh động, nâng cao trải nghiệm học tập, với các nội dung đào tạo liên tục được cập nhật theo xu hướng mới.
TS. Lê Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng & Mô hình hoá (CVS) - Đại học Duy Tân
trình bày tham luận “Công nghệ mô phỏng và tương tác toàn diện trong đào tạo kỹ thuật ô tô thông minh”
Các chuyên gia, doanh nghiệp và đại biểu tại hội thảo "Kết nối Công nghệ Đà Nẵng - Australia"
Hội thảo cũng bao gồm các phiên thảo luận và kết nối, tạo không gian trao đổi trực tiếp và chuyên sâu giữa các chuyên gia, doanh nghiệp và đại biểu tham dự. Các nội dung được tập trung thảo luận gồm: tính ứng dụng thực tiễn, tiềm năng thương mại hoá của các nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ươm tạo khởi nghiệp và nhiều vấn đề liên quan khác.
(Truyền Thông)