Trước xu hướng ứng dụng và phát triển các công nghệ số ngày một lớn mạnh, các trường đại học đã mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực Công nghệ Thông tin đồng hợp tác với các tổ chức/doanh nghiệp trong và ngoài nước để phối hợp cùng nâng cao chất lượng đào tạo. Trên tinh thần đó, Đại học (ĐH) Duy Tân phối hợp với Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam, Câu lạc bộ Khoa-Trường-Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam), Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Đào tạo nhân lực công nghệ số đáp ứng nhu cầu thị trường lao động Việt Nam và thế giới” với kỳ vọng sự kết hợp từ 3 nhà gồm: nhà nước-doanh nghiệp-nhà trường sẽ góp sức cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực đảm bảo cả về lượng và chất.
Nhu cầu về nguồn nhân lực Công nghệ Số trình độ cao đang là một thách thức
Ngay trong phần phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam cho biết: “Phát triển nguồn nhân lực số nhằm đáp ứng thị trường lao động Việt Nam và vươn tầm thế giới là một trong những mục tiêu mà Tp. Đà Nẵng luôn đặc biệt quan tâm. Thành phố đang mở rộng đầu tư nguồn lực tài chính, dành nhiều chính sách ưu đãi và chính sách đào tạo phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin, đặc biệt là lĩnh vực Chip bán dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh đến Đà Nẵng. Tuy nhiên, thiếu hụt nhân lực công nghệ số có trình độ cao, đáp ứng được kỹ năng thực tế và yêu cầu chuyên môn vẫn đang là một trong những thách thức. Bởi vậy, hội thảo với sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo, các giảng viên và sinh viên,… là vô cùng cần thiết với mong muốn mang đến cơ hội chia sẻ, lắng nghe và trao đổi tích cực để đưa ra những giải pháp và chiến lược hiệu quả giúp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ số, cùng xây dựng nền tảng phát triển xã hội và đất nước.”
Ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
TS. Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Trên tinh thần tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp nền tảng và công nghệ mới nổi, gắn kết chặt chẽ với thị trường và các doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu, thì ngay trong 6 tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì làm việc với nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, doanh nghiệp FDI đến tìm hiểu cơ hội mở rộng đầu tư tại Việt Nam (như Apple, Intel, NVIDIA, Foxxcon, Meta, Synopsys, Microsoft, SpaceX, Samsung…) đồng thời đề nghị tăng cường hợp tác, đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Bán dẫn, Công nghệ Thông tin và Trí tuệ Nhân tạo. Hiện tại, Nhà nước tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phát triển nhân lực Bán dẫn để bảo đảm mục tiêu đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.”
Hiện nay, có khoảng 70% trên tổng số các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam đào tạo nhóm ngành Công nghệ Thông tin. Các trường đại học, cao đẳng này cũng bổ sung thêm các chuyên ngành mới để phù hợp với xu hướng công nghệ toàn cầu như AI và An ninh mạng. Điều này cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc mở rộng nguồn cung nhân lực Công nghệ Thông tin cũng như cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao trên thị trường. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều trường đại học tập trung đào tạo các lĩnh vực chuyên sâu.
TS. Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng chia sẻ nhiều thông tin hữu ích
về nhu cầu nhân lực CNTT, Công nghệ số cho thành phố Đà Nẵng
Theo TS. Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết: “Để cung cấp nguồn nhân lực Công nghệ Số mang tính đa dạng ngành nghề, cần đào tạo chuyên sâu thêm nhiều ngành nghề như Điện toán Đám mây, Vi mạch Bán dẫn, Trí tuệ Nhân tạo, Blockchain,… Hiện tại đang có rất ít các nhà trường đào tạo chuyên sâu các lĩnh vực này. Tại Đà Nẵng, chủ yếu mới có các trường như trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng; trường ĐH Duy Tân; Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng,… có đào tạo, nhưng số lượng còn hạn chế. Giải pháp thiết thực cần làm ngay là các cơ sở đào tạo sớm triển khai đại học số, mở rộng ngành nghề, sử dụng các phần mềm mã nguồn mở làm nguồn học liệu để phân tích các dự án, đào tạo song bằng về Công nghệ Thông tin, tăng cường các khóa học ngắn hạn đồng thời hình thành liên kết giữa các trường đại học, chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để triển khai đào tạo đạt chuẩn và gắn với nhu cầu đầu ra của doanh nghiệp.”
Xây dựng hệ sinh thái đào tạo Công nghệ Thông tin bám sát yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp
Hội thảo có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các trường đại học với mục tiêu chia sẻ các cách thức, hướng đi đã và đang triển khai để hoạt động đào tạo đạt hiệu quả cao nhất.
Trong đó, PGS.TS. Nguyễn Gia Như - Hiệu trưởng Trường Khoa học Máy tính, Đại học Duy Tân với chủ đề tham luận: “Hệ sinh thái đào tạo nhân lực CNTT: Góc nhìn từ Đại học Duy Tân” đã chia sẻ rất cụ thể hệ sinh thái trong đào tạo Công nghệ Thông tin tại trường.
Nhiều lãnh đạo các trường đại học, doanh nghiệp chia sẻ các hoạt động hướng đến
đào tạo nguồn nhân lực Công nghệ Thông tin đạt hiệu quả cao nhất
Hệ sinh thái ở Đại học Duy Tân được thiết lập bởi sự gắn kết của nhiều yếu tố như: chương trình đào tạo, hạ tầng công nghệ, đội ngũ giảng viên, hợp tác doanh nghiệp, phát triển kỹ năng “mềm”, hỗ trợ khởi nghiệp và nghiên cứu, quốc tế hóa giáo dục. Sự kết nối chặt chẽ giữa Đại học Duy Tân với các tập đoàn và doanh nghiệp số mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong hoạt động đào tạo giúp sinh viên nhanh chóng thích ứng với những yêu cầu của môi trường làm việc thực tế. Với gần 500 sinh viên được học các khoá học AI, Big Data và IoT mỗi năm cùng với các chương trình của dự án Samsung Innnovation Campus cho sinh viên, Đại học Duy Tân không chỉ mở ra cơ hội được học tập và nghiên cứu cho những bạn trẻ yêu thích công nghệ số mà còn mang cơ hội việc đến cho sinh viên. Gần đây nhất, Công ty LLL - doanh nghiệp chuyên về an ninh mạng đã đến phỏng vấn và “chốt đơn” 23 nhân tài là các sinh viên đang tham gia dự án “Vườn ươm nhân tài an toàn - an ninh mạng” (Blue Rock) của nhà trường.
Các khách mời chụp hình lưu niệm cùng các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo,
quản lý nhà nước và doanh nghiệp thuộc ngành Công nghệ Thông tin, Công nghệ số tại Hội thảo
Các đại diện từ các trường đại học khác như trường Đại học FPT, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã chia sẻ các hoạt động đạt hiệu quả trong nhiều năm qua trong công tác đào tạo nguồn nhân lực như: thiết kế chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, hợp tác với nhiều đại học quốc tế đưa sinh viên ra nước ngoài,... Nhiều ưu điểm nổi bật khi nhà trường kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp có thể thấy là: tạo môi trường tốt cho sinh viên rèn luyện và thể hiện năng lực, sinh viên được làm việc với doanh nghiệp ngay tại trường, sinh viên được hỗ trợ tài chính, thu hút được nguồn lực từ doanh nghiệp,…
Tọa đàm “Đào tạo nhân lực công nghệ số đáp ứng nhu cầu thị trường lao động Việt Nam và thế giới” diễn ra vô cùng sôi nổi với sự tham gia của nhiều khách mời đến từ các cơ sở đào tạo đã giúp người tham dự hiểu sâu hơn về khó khăn, thuận lợi và những cơ hội trong đào tạo nhân lực Công nghệ Số để có những hướng đi đúng đắn mang đến hiệu quả cao cho hoạt động đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Duy Tân chia sẻ: “Nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0 đặc biệt là sự xuất hiện của công nghệ AI mang đến nhiều công cụ đắc lực cho con người nên tầm quan trọng của việc học đại học hay học ngoại ngữ bị giảm sút. Tôi thì cho rằng, sự xuất hiện của công nghệ AI trong thời đại số càng thúc đẩy chúng ta học tập để nâng cao năng lực bản thân, cải thiện khả năng ngoại ngữ, nâng cao kiến thức Công nghệ Thông tin để làm chủ công nghệ đồng thời sử dụng AI làm trợ lý đắc lực cho công việc. Do vậy, Hội thảo hôm nay không chỉ tạo cơ hội cho chúng ta cùng gặp gỡ, kết nối mà còn chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm quý giá đồng thời học tập lẫn nhau và đưa ra những giải pháp tốt nhất cho hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ số đáp ứng nhu cầu thị trường lao động Việt Nam và thế giới.”
(Truyền Thông)