English

Nghiên cứu

Chống xói lở bờ biển Hội An: Kè ngầm chắn sóng từ xa là giải pháp khả thi

Theo TS. Nguyễn Thị Minh Phương - Trưởng khoa Môi trường và Công nghệ Hóa Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), giải pháp xây kè ngầm chắn sóng từ xa để chống xói lở bờ biển Hội An mà chính quyền tỉnh Quảng Nam dự định triển khai là khả thi trong điều kiện hiện nay.
 
TS. Nguyễn Thị Minh Phương
TS. Nguyễn Thị Minh Phương - Trưởng khoa Môi trường và Công nghệ Hóa, Trường Đại học Duy Tân. Ảnh NVCC
 
* PV: Thưa TS. Nguyễn Thị Minh Phương, theo bà đâu là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng xói lở bờ biển Hội An kéo dài nhiều năm nay?
 
TS. Nguyễn Thị Minh Phương: Dưới góc độ nghiên cứu địa chất và môi trường biển trong khu vực nhiều năm, cũng như tham khảo kết quả nghiên cứu của dự án “Nghiên cứu quá trình xói lở bờ biển Hội An” do nhóm chuyên gia Pháp phối hợp với các chuyên gia Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội thực hiện, kết thúc trong năm 2017, cần khẳng định 3 nguyên nhân chính dẫn đến xói lở bờ biển Hội An (kéo dài 7km từ bãi biển An Bàng đến Cửa Đại) như sau:
 
Thứ nhất là việc xây dựng ồ ạt các công trình thủy điện đầu nguồn đã chặn đứng nguồn cung trầm tích. Thứ hai là tình trạng khai thác cát tràn lan trên sông Thu Bồn làm mất trầm tích sông. Thứ ba là việc xây dựng các cây cầu ngang sông Thu Bồn gây cản trở, phần nào làm thay đổi dòng chảy. Nguồn cung trầm tích cho các bãi biển thiếu hụt, cộng hưởng với hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời gian vừa qua đã khiến tình trạng sạt lở ở bờ biển Hội An ngày càng trở nên nghiêm trọng. 
 
* PV: Vậy đâu là giải pháp khắc phục nguồn cung trầm tích một cách căn cơ nhất hiện nay, thưa bà? 
 
TS. Nguyễn Thị Minh Phương: Vấn đề thủy điện đầu nguồn, hay xây cầu ngang sông Thu Bồn chặn nguồn cung trầm tích, thay đổi dòng chảy là rất khó xử lý, do nhu cầu phát triển của khu vực. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát ồ ạt trên sông Thu Bồn như hiện nay hoàn toàn có thể khắc phục, nếu các biện pháp kiểm tra, giám sát và chế tài của chính quyền địa phương được thực hiện một cách mạnh mẽ và nghiêm túc hơn. 
 
* PV: Theo nhận định của bà, nguy cơ tiếp tục sạt lở trong thời gian tới ở khu vực này như thế nào?
 
TS. Nguyễn Thị Minh Phương: Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của các cơn bão nên hiện tượng sóng cao đánh thẳng vào bờ được quan sát thấy khá thường xuyên. Phần bờ biển bị sạt lở lộ ra mặt cắt có nơi cao 3m, sóng đánh thẳng vào mặt cắt nên khu vực này có nguy cơ tiếp tục sạt lở sâu thêm vào đất liền. Năng lượng của các con sóng này rất mạnh, nền trầm tích bở rời, do đó các tuyến kè bờ nếu được xây dựng, dù là kè cứng hay kè mềm cũng sẽ khó có thể trụ nổi. 
 
* PV: Là người có nhiều nghiên cứu liên quan, bà có ý kiến gì về giải pháp xây kè ngầm để chắn sóng từ xa của Quảng Nam trong chống xói lở bờ biển Hội An?
 
TS. Nguyễn Thị Minh Phương: Trước tiên, phải khẳng định xây kè ngầm để chắn sóng từ xa là một giải pháp hay. Tuy nhiên, tôi cho rằng TP.Hội An phải có một bộ giải pháp tổng thể trên cơ sở các dữ liệu thực tế về địa hình đáy, sóng, dòng chảy và lượng bùn cát. Thực tế cho thấy, các rạn san hô nằm ở vùng nước nông đã làm rất tốt nhiệm vụ bảo vệ đường bờ trước cả các cơn bão lớn và chúng ta hoàn toàn có thể học theo thiên nhiên cách này.
 
Chúng ta có thể và nên làm giảm sức mạnh của sóng khi còn xa bờ, bằng các tuyến kè ngầm giống như các rạn san hô. Khi bị chặn từ xa, năng lượng sóng đánh vào bờ sẽ giảm đi rất nhiều. Kè ngầm bằng các khối bê tông 4 chấu giống như ở khu vực Biển Tình (huyện Núi Thành) là một gợi ý tốt. Giải pháp này phải được đi cùng với các biện pháp hạn chế xây dựng đập phía thượng nguồn cũng như cấm hoàn toàn việc khai thác cát trên sông Thu Bồn thì việc bảo vệ bờ biển Hội An mới có thể bền vững được.
 
Việc nuôi bãi, nếu có tính đến, cũng chỉ nên thực hiện sau khi tuyến kè ngầm đã được xây dựng, bởi chỉ khi đó, năng lượng sóng vào bờ đã được giảm đi nhiều thì bãi nuôi mới có thể tồn tại và phát triển được. 
 
* PV: Xin cảm ơn bà!
 
(Nguồn:http://baoquangnam.vn/xa-hoi/chong-xoi-lo-bo-bien-hoi-an-ke-ngam-chan-song-tu-xa-la-giai-phap-kha-thi-95702.html)