English

Đại học

Tọa đàm: Luận bàn về Giáo dục Đại học Việt Nam

Sáng ngày 5/6/2019, Đại học Duy Tân đã tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Luận bàn về Giáo dục Đại học Việt Nam”. Buổi Tọa đàm có sự tham dự của ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Tp. Đà Nẵng, TS. Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng Đại học Phú Xuân (Huế), PGS. TS. Nguyễn Phong Nam - Giảng viên cao cấp Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Duy Tân cùng lãnh đạo nhà trường và các khách mời.
 
Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ phát biểu tại buổi Tọa đàm
 
Trong buổi Tọa đàm, nhiều bài viết về giáo dục nói chung và giáo dục đại học Việt Nam nói riêng đã được đưa ra thảo luận. Theo đó, bài viết “Một vài ý kiến luận bàn về giáo dục và giáo dục đại học” của Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ nhận được nhiều sự quan tâm của các khách mời khi nêu bật được vai trò của giáo dục nói chung và giáo dục từ cấp từ mầm non đến đại học: Giáo dục là phương thức duy nhất để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây cũng là lĩnh vực góp phần nâng cao kiến thức, thay đổi cách cư xử cũng như hình thành các thái độ của công dân đối với đất nước trong phạm vi khu vực cũng như trên toàn thế giới… Bên cạnh đó, tác giả Lê Công Cơ cũng chỉ ra rằng: Hiện tại giáo dục đại học Việt Nam nói riêng vẫn chưa thực sự hội nhập được với “gia đình” đại học tiên tiến của thế giới và đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển giáo dục đại học nước nhà, đặc biệt nhấn mạnh “giáo dục đại học Việt Nam cần phát triển, nâng cấp theo chuẩn quốc gia, quốc tế với mục tiêu phát triển bền vững vì tương lai của mỗi người dân Việt.”
 
PGS. TS. Nguyễn Phong Nam nêu lên những suy nghĩ về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam
 
Những quan điểm khác của Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ như: Giáo dục gia đình gắn với giáo dục học đường và xã hội, Giáo dục lòng yêu nước gắn với giáo dục ý thức về sức mạnh của lòng dân,… cũng nhận được sự đồng tình của đông đảo các khách mời. Bên cạnh đó, các khách mời cũng nhất trí với quan điểm cùng những phân tích sâu sắc của tác giả Bùi Văn Tiếng trong bài viết “Giáo dục truyền thống: Một vài kinh nghiệm từ các trường phổ thông ở Đà Nẵng trước năm 1975”. Theo tác giả: Có thể thấy những nhân vật/sự kiện lịch sử được đưa vào giáo dục truyền thống trong các trường học ở Đà Nẵng trước năm 1975 đều thuộc thời kỳ trung đại và cận đại. Truyền thống ở đây chính là lịch sử, mà lịch sử thì giống như sông, bao giờ cũng có ngọn có nguồn và bao giờ cũng chảy. Bao giờ cũng chảy nên lịch sử vận động không ngừng không nghỉ, ngày nay vừa mới là tương lai của ngày qua lại sắp thành quá khứ của ngày mai, và cứ thế… Nhưng truyền thống - lịch sử khi được đưa vào giáo dục trong nhà trường, đòi hỏi phải có một điểm dừng nhất định trên dòng chảy hầu như vô tận ấy.
                                                            
Ở một khía cạnh khác, PGS. TS. Nguyễn Phong Nam lại có những “Suy ngẫm về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam”. Nhiều vấn đề bất cập của giáo dục đại học Việt Nam đã được PGS. TS. Nguyễn Phong Nam nêu ra và nhận định: “Chỉ có đổi mới thì mới khắc phục được các ‘vấn nạn’, mới lấy lại niềm tin của xã hội và tương lai giáo dục đại học nước nhà mới tươi sáng được. Vấn đề mấu chốt được đặt ra là, đại học Việt Nam cần đổi mới cái gì?, đổi mới thế nào?, đổi mới từ đâu?…Những câu hỏi này tuy không mới nhưng rất khó trả lời.” 
 
Đồng quan điểm, tác giả Nguyễn Hữu Thái với bài viết “Mô hình mới nào cho giáo dục đại học Việt Nam” cũng đã “mạnh dạn chỉ ra một số bất cập và bế tắc của nền giáo dục nước ta, nhất là các căn bệnh kinh niên của giáo dục đại học và xin đề xuất một mô hình giáo dục đại học thực sự tiên tiến và phù hợp cho giai đoạn phát triển mới của đất nước”. Và, mô hình mà tác giả Nguyễn Hữu Thái nhắc đến có những đặc điểm như: Có các biện pháp cụ thể hóa giáo dục toàn dân, Thống nhất được quản lý giáo dục đại học và xây dựng quyền tự chủ, Tự chủ về tài chính, tự trị về quản lý và tự do học thuật,...
 
Với những bài viết thể hiện tâm huyết của các giảng viên, những người làm công tác quản lý và nghiên cứu giáo dục đối với nền giáo dục đại học Việt Nam, tọa đàm “Luận bàn về giáo dục đại học Việt Nam” kỳ vọng đóng góp những ý kiến tham mưu cho các nhà quản lý giáo dục trong công tác hoạch định và hoàn thiện chính sách đối với giáo dục nhất là giáo dục đại học. 
 
(Truyền Thông)