Tham dự Hội thảo Quốc tế Lần thứ 3 về Quản lý Dữ liệu, Phân tích và Đổi mới (ICDMAI) tại Malaysia vừa qua, TS. Anand Nayyar - Giảng viên Khoa Sau Đại học, Nhà Khoa học thuộc Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Cao Đại học Duy Tân đã vinh dự nhận Giải thưởng Bài báo Xuất sắc nhất với nghiên cứu “Effective Classification & Handling of Incoming Data Packets in Mobile Adhoc Networks (MANETs) using Random Forest Ensemble TECHNIQUE (RF/ET)” (Tạm dịch: Phân loại và xử lý hiệu quả các gói dữ liệu trong các mạng tùy chỉnh di động sử dụng các kỹ thuật đồng bộ hóa ngẫu nhiên) trong Lĩnh vực 4 - “Những cải tiến trong công nghệ mạng".
TS. Anand Nayyar nhận giải thưởng Báo cáo Xuất sắc nhất tại ICDMAI 2019
Diễn ra từ ngày 18 - 20/1/2019 tại Kuala Lumpur, Malaysia, Hội thảo Quốc tế lần thứ 3 về Quản lý Dữ liệu, Phân tích và Đổi mới được Nhà xuất bản Springer tổ chức với mong muốn tạo nên một diễn đàn chung cho các học giả nổi tiếng, các nhà nghiên cứu và chuyên gia thuộc lĩnh vực Công nghệ Thông tin, Kỹ thuật Điện toán và Điện tử Viễn thông cùng chia sẻ, thảo luận về những cải tiến và đổi mới trong Công nghệ Quản lý và Phân tích Dữ liệu. Hơn 435 tham luận đề cập đến các vấn đề thuộc 4 lĩnh vực gồm Quản lý Dữ liệu và Tin học Thông minh, Quản lý Dữ liệu lớn, Trí tuệ Nhân tạo và Phân tích Dữ liệu, Những cải tiến trong công nghệ mạng của các giáo sư, nhà nghiên cứu, giảng viên trên toàn thế giới đã được gửi đến Hội thảo. Ban Tổ chức đã chọn ra 186 nghiên cứu hay nhất từ 4 lĩnh vực để trình bày tại Đại học Lincoln, Malaysia. Các báo cáo chất lượng sẽ được chọn xuất bản trong series Springer AISC (được lập chỉ mục ISI / Scopus).
Tham gia hội thảo lần này, TS. Anand Nayyar đến từ Đại học Duy Tân đã gửi 4 báo cáo khoa học về chủ đề Phân tích Big Data, Nhận diện khuôn mặt, Mạng cảm biến dưới nước và Mạng tùy chỉnh di động. Trong đó, nghiên cứu “Phân loại và xử lý hiệu quả các gói dữ liệu trong các mạng tùy chỉnh di động sử dụng các kỹ thuật đồng bộ hóa ngẫu nhiên” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của các chuyên gia tại Hội thảo. Cụ thể trong báo cáo này, TS. Anand đã đề xuất một phương pháp mới dựa vào Machine Learning để phân loại tất cả các gói dữ liệu nhập vào mạng tùy chỉnh di động. Đây là một loại mạng không dây chứa đến hàng tấn gói thông tin. Tuy nhiên, có rất nhiều gói thông tin “rác” và nhiều gói không an toàn, thậm chí có gói còn ảnh hưởng đến thông lượng chung và hiệu suất mạng. Với phương pháp phân loại dựa trên công nghệ Machine Learning, TS. Anand có thể phân loại các gói hợp pháp và ngừng cập nhật các gói thông tin “rác” vào mạng tùy chỉnh di động, giúp mạng này hoạt động theo cách tối ưu nhất.
TS. Anand Nayyar trình bày nghiên cứu tại Hội thảo
Nhận được sự đánh giá cao của Hội đồng Ban giám khảo về tính ứng dụng và độ chính xác cao lên đến 86%, nghiên cứu “Phân loại và xử lý hiệu quả các gói dữ liệu trong các mạng tùy chỉnh di động sử dụng các kỹ thuật đồng bộ hóa ngẫu nhiên” của TS. Anand Nayyar đã xuất sắc vượt qua hơn 30 báo cáo nghiên cứu cùng lĩnh vực để nhận Giải thưởng Bài báo Xuất sắc cho Lĩnh vực 4 - “Những cải tiến trong công nghệ mạng” tại Hội thảo Quốc tế Lần thứ 3 về Quản lý Dữ liệu, Phân tích và Đổi mới. Ngoài ra TS. Anand còn nhận được lời mời làm chủ tọa và diễn thuyết trong phiên thảo luận về Công nghiệp 4.0, hiện được coi là lĩnh vực nghiên cứu quan trọng nhất không chỉ đối với giáo dục mà còn đối với công nghiệp.
Trở về từ Hội thảo tại Kuala Lumpur, TS. Anand Nayyar chia sẻ: “Đây là một Hội thảo thực sự ý nghĩa khi giúp các giáo sư và chuyên gia trên thế giới có cơ hội trao đổi, thảo luận và gợi mở những ý tưởng sáng tạo mới, đồng thời góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong cộng đồng. Tôi rất vui và tự hào khi tên mình được xướng lên trong Lễ Trao giải Bài báo Xuất sắc nhất của Hội thảo Quốc tế Lần thứ 3 về Quản lý Dữ liệu, Phân tích và Đổi mới. Qua đây, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến Đại học Duy Tân đã hỗ trợ mọi mặt, tạo điều kiện tốt nhất để tôi có thể được trình bày nghiên cứu của mình đến cộng đồng. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn về lĩnh vực Công nghệ Thông tin, truyền đạt lại kiến thức và kinh nghiệm của mình đến các bạn sinh viên Duy Tân, và chúng tôi sẽ tiếp tục cùng nhau đem đến nhiều nghiên cứu có ích hơn nữa cho xã hội.”
(Truyền Thông)