GD&TĐ - Tại Đà Nẵng đã diễn ra khai mạc Hội nghị thường niên CDIO vùng Châu Á năm 2018 với sự tham gia của 200 đại biểu của 55 trường đại học đến từ 12 quốc gia trên thế giới do trường ĐH Duy Tân đăng cai.
Diễn ra từ ngày 12 – 14/3, các nhà giáo dục, doanh nghiệp tham dự Hội nghị thường niên CDIO vùng Châu Á năm 2018 có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm hay nhất trong việc đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật.
Hội nghị CDIO khu vực Châu Á 2018 thu hút sự tham gia của đại biểu đến từ 12 trường ĐH trên thế giới
Một số tham luận tiêu biểu như: Tìm kiếm sự kết thúc trong việc đổi mới đào tạo kỹ sư; Giáo dục học cho lớp học ngược dựa vào thực nghiệm; Trí tuệ nhân tạo và Máy học; Sự quan tâm của SV đối với xây dựng thành phố thông minh hơn; Chương trình đào tạo linh hoạt để có cơ hội việc làm tối ưu…
Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị còn có hoạt động thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho sinh viên CDIO Academy.
CDIO (Conceive - Hình thành Ý tưởng; Design - Thiết kế Ý tưởng/Sản phẩm; Implement - Thực hiện/Triển khai Ý tưởng/Sản phẩm; Operate - Vận hành Sản phẩm/Dự án) là một sáng kiến mới cho giáo dục, là một hệ thống các phương pháp và hình thức tích lũy tri thức, kỹ năng trong việc đào tạo sinh viên nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Khởi nguồn vào năm 2000 từ Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Hoa Kỳ), cho đến nay mạng lưới các trường đại học áp dụng CDIO trên thế giới đang ngày càng được mở rộng, đặc biệt là ở Mỹ và Bắc Âu. CDIO được biết đến như là một hệ thống các phương pháp xây dựng chương trình, nội dung và cách thức đào tạo các ngành nghề kỹ thuật. CDIO cũng được xem như là một quy trình đào tạo chuẩn, căn cứ vào yêu cầu đầu ra (outcome-based) để thiết kế các định chế đầu vào, môi trường học tập, phương pháp giảng dạy.
Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic và về phương pháp tổng thể mang tính phổ cập có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực giáo dục và đào tạo khác nhau. Cách tiếp cận CDIO hướng tới đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn (năng lực C-D-I-O) và ý thức trách nhiệm với xã hội.
Đến nay, Hiệp hội CDIO thế giới đã có trên 100 thành viên là các trường Đại học Công nghệ Kỹ thuật uy tín hàng đầu; trong đó, Hiệp hội CDIO Khu vực châu Á hiện có 28 thành viên.
Riêng tại Việt Nam đã có 5 trường đại học được kết nạp là thành viên của Hiệp hội CDIO, bao gồm Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Đà Lạt và Trường Đại học FPT.
(Nguồn:http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/55-truong-dai-hoc-tham-gia-hoi-nghi-thuong-nien-cdio-vung-chau-a-nam-2018-3918421-c.html)