Chiều ngày 5/4/2017, Đại học Duy Tân đã tổ chức Seminar “Những thách thức trong nghiên cứu mạng 5G” tại số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Tham dự Seminar có: GS. Kumbesan Sandrasegaran - Chuyên gia ngành Kỹ thuật Điện tử, Đại học Công nghệ Sydney (Australia); TS. Hà Đắc Bình - Trưởng Khoa Điện - Điện tử Đại học Duy Tân cùng các giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên quan tâm.
GS. Kumbesan Sandrasegaran chia sẻ tại buổi Seminar
Tại Seminar “Mạng Di động Thế hệ 5G” được tổ chức tại Đại học Duy Tân vào tháng 1/2017, GS. Fumiyuki Adachi - Cơ quan Nghiên cứu Truyền thông Điện tử, Đại học Tohoku (Nhật Bản) đã cung cấp cho người nghe nhiều thông tin cụ thể về công suất, tiện ích vượt trội của mạng di động không dây 5G. Seminar “Những Thách thức trong Nghiên cứu Mạng 5G” lần này với bài thuyết trình chi tiết của GS. Kumbesan Sandrasegaran tiếp tục cung cấp cho sinh viên Khoa Điện - Điện tử Duy Tân những cơ hội và thách thức trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng mạng 5G vào thực tế.
Giảng viên và sinh viên Khoa Điện - Điện tử Duy Tân hào hứng với bài thuyết trình
của GS. Kumbesan Sandrasegaran
Được thiết kế nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu về mạng của con người trong tương lai, mạng 5G mang những ưu điểm vượt trội về tốc độ đường truyền, ổn định kết nối, diện tích phủ sóng, tiết kiệm năng lượng,... so với thế hệ mạng 4G. Tuy nhiên, những thách thức đi kèm cũng đồng thời phát sinh trong quá trình nghiên cứu ứng dụng mạng di động 5G bên cạnh các cơ hội mới. Theo đó, bài toán về những kiến trúc mạng có thể gia tăng lượng dữ liệu truyền tải và các tốc độ truyền tải dữ liệu cần thiết để có thể chứa được nhiều người dùng hơn trên hệ thống mạng được đặt ra cho các nhà nghiên cứu. Ngoài ra, những yêu cầu mới về cơ sở hạ tầng, nền tảng thiết bị, dịch vụ ứng dụng đi kèm,... cho mạng di động mới vẫn đang được các nhà khoa học tìm kiếm giải pháp thích hợp nhất.
GS. Kumbesan Sandrasegaran chia sẻ tại Seminar: “Để hoàn thiện quá trình triển khai mạng 5G trên toàn cầu với những chi tiết kiến trúc công nghệ mới và phương án kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng đi kèm là một chặng đường dài đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của các nhà khoa học. Mục tiêu mà chúng ta hướng tới là một thế hệ mạng đi động mới ra đời sẽ tạo nên những kết nối liên tục, tốc độ đường truyền vượt trội và xóa tan mọi thử thách về khoảng cách.”
(Truyền Thông)