English

Đại học

Sinh viên Duy Tân giao lưu với Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ

Chiều 30/8/2016, Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã giao lưu với sinh viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Duy Tân. Gắn tên tuổi với những trang thơ đẹp về tình yêu cùng những áng thơ bất hủ về một thời chiến tranh khói lửa, Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã mang đến buổi giao lưu những cảm xúc tươi mới nhất khi nói về một miền hoài niệm đã tạo nên bức tranh chân thực về cuộc đời và sự nghiệp của ông. 
 
 
 Các bạn sinh viên giao lưu với Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ 
 
Tần Hoài Dạ Vũ tên thật là Nguyễn Văn Bổn. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã sử dụng rất nhiều tên khác nhưng Tần Hoài Dạ Vũ là bút danh mà được người yêu thơ nhớ nhất. Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ sinh năm 1946 tại Giao Thủy, Quảng Huế, Đại Lộc, Quảng Nam. Ngay từ khi học lớp 10 (đệ tam C), Tần Hoài Dạ Vũ đã có thơ đăng trên tạp chí Bách khoa số 153 với tựa đề “Giã từ quá khứ”, sau này được tuyển chọn đăng trong Tuyển tập Thơ văn Việt Nam hiện đại (NXB Hội nhà văn, 1993).
 
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã từng tham gia dạy học tại trường Trung học Trần Cao Vân - Tam Kỳ, sau đó ông làm Giám học trường Trung học Quảng Điền - Thừa Thiên-Huế. Năm 1975, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Quốc học Huế và đến năm 1978, ông chuyển công tác về Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Quảng Nam, phụ trách công việc sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian với nhiều công trình như: Văn nghệ dân gian Quảng Nam Đà Nẵng (tập 1,2), Sở Săn hóa và Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng, 1983; Văn học dân gian Quảng Nam (Truyện cổ các dân tộc thiểu số miền núi), Sở Văn hóa và Thông tin Quảng Nam, 2004; Văn học Dân gian Quảng Nam (miền biển), Sở Văn hóa và Thông tin Quảng Nam, 2001; Thủ Thiệm, Tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng, NXB Lao Động, 2007. 
 
 
 Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ chụp ảnh lưu niệm
cùng thầy trò Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn
 
Tại buổi giao lưu, sinh viên học Văn - Báo chí đã tìm hiểu về cuộc đời với hơn 40 năm làm thơ và viết văn của Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ. Ông đã xuất bản nhiều tập như: Thơ Tình Tần Hoài Dạ Vũ (1992), Ngọn lửa hiu quạnh (1996), Tình yêu và vầng trăng lửa (1997), Suy niệm hoàng hôn (2005) và Tình ca trong mưa (2011).  Ông cũng là người chắp bút viết nhiều tác phẩm khác như Phác họa chân dung một thế hệ; Tần Hoài Dạ Vũ - Nguyễn Đông Nhật, NXB Trẻ (2007); Giấc mơ Duy Tân, Lê Công Cơ - Tần Hoài Dạ Vũ, NXB Trẻ (2015)…
 
Ngay trong buổi nói chuyện, Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã chia sẻ những ngày tháng thăng trầm của cuộc đời mình. Đó là những tháng ngày nghèo khó đến không có cơm ăn vẫn miệt mài đi học, là những tháng ngày cô đơn nuôi con ăn học với niềm tin mãnh liệt cùng quyết tâm nuôi con nên người. Khoảng thời gian khiến thơ ông mang nhiều nỗi đau nhất chính là thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt. Thơ ông đau đáu, xót thương, căm phẫn trước cuộc sống cơ hàn, bị áp bức của người dân và hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn với niềm tin son sắt vào Đảng. Một mảng thơ không bao giờ quên trong sự nghiệp của ông đó là tình yêu mãnh liệt của con người. Bằng rung cảm của một người nghệ sĩ, những mối tình đi qua cuộc đời ông, những người phụ nữ dịu dàng rất đỗi bình dị ông gặp trên đường cũng làm trái tim ông rung lên những thanh âm kỳ diệu. Để rồi mạch thơ tuôn trào, những vần thơ thăng hoa tình yêu nam nữ, trĩu nặng sự chia ly cách trở hay hoài niệm về một mối tình dang dở mang đến thật nhiều cung bậc cảm xúc cho người yêu thơ. 
 
Vừa độ tuổi có thể “cảm” được những bài thơ về tình yêu, sinh viên Văn - Báo chí đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu mảng thơ rất đời nhưng cũng rất tình của ông. Sinh viên Thanh Giang - K20 Khoa Khoa học Xã hội và Nhân Văn đã viết về thơ ông: “Ta từng thấy Huy Cận viết về tình yêu gắn với nỗi buồn thiên cổ, Nguyễn Bính nhẹ nhàng nồng nàn, Xuân Diệu nồng cháy mãnh liệt nhưng đến với Tần Hoài Dạ Vũ, ta bắt gặp một miền thơ mang nỗi lòng đa sầu đa cảm của riêng một người. Thơ ông xuôi về một miền ký ức, lúc là sự tận tụy dâng hiến, là sự nồng nàn sâu lắng, lúc mang nặng nét sầu thương khi lại là ắp đầy những hy vọng, khát khao. Tuy nhiên, mỗi trang thơ ông viết đều gửi gắm những thông điệp đáng trân trọng: cho dù hạnh phúc hay đau khổ con người hãy luôn có khát vọng yêu và được yêu. Tình yêu thực sự giúp con người biết vượt qua khó khăn, biết trân trọng cuộc sống, biết nâng niu những giá trị tốt đẹp để rồi từ đó nhân rộng ra cộng đồng. Những chân lý đó luôn đọng lại mãi trong lòng độc giả và cũng nhờ đó mà thơ ông sẽ được lưu giữ mãi trong trái tim những người yêu thơ hôm nay và mai sau.”
 
(Truyền Thông)