English

Hợp tác & Hội nhập

Chương trình Giao lưu Trực tuyến P2A về các Mục tiêu Phát triển bền Vững của Liên Hiệp Quốc

Chiều 11/10/2023, Lễ Bế mạc chương trình Giao lưu trực tuyến P2A về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc đã được tổ chức tại Đại học Duy Tân, số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Tham dự buổi lễ có bà Zhang Yu - Giảng viên Trung tâm Nghiên cứu Liên văn hóa, Đại học Bách khoa Temasek (Singapore); ông Muhammad Fauzan - Đại học UPN Veteran Yogyakarta, Indonesia; TS. Lê Nguyễn Tuệ Hằng - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, TS. Lee Younghee - Giảng viên Trường Du lịch, Đại học Duy Tân; Ban thư ký P2A cùng đông đảo các giảng viên và sinh viên đến từ 22 trường đại học và cao đẳng trong khối ASEAN.
 
Chương trình Giao lưu Trực tuyến P2A về các Mục tiêu Phát triển bền Vững của Liên Hiệp Quốc
Lễ Bế mạc chương trình Giao lưu trực tuyến P2A
 
TS. Lê Nguyễn Tuệ Hằng - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân chia sẻ: “Thay mặt Ban Thư ký P2A, tôi xin chúc mừng chương trình Giao lưu trực tuyến P2A về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc năm 2023 đã thành công tốt đẹp. Thành công này có được là nhờ vào sự hợp tác giữa các bạn sinh viên và các điều phối viên từ 22 trường đại học và cao đẳng. Dù chương trình học tập tại trường vẫn đang diễn ra nhưng các bạn vẫn nỗ lực sắp xếp để tham gia rất nhiệt tình và đầy trách nhiệm. Tôi rất tự hào về phần thuyết trình trong video của các bạn khi đã thể hiện được tinh thần đồng đội, ý tưởng sáng tạo và kỹ năng thực hiện dự án xuất sắc. Tôi hy vọng rằng thông qua chương trình này, các bạn không chỉ học thêm được nhiều điều mới mẻ mà còn có cơ hội kết nối được với những người bạn khác trong khối ASEAN để phát triển các kỹ năng ‘mềm’ cần thiết và kiến thức chuyên môn hữu ích cho bản thân.”
 
Trong thời gian từ ngày 6/9 - 11/10/2023, các bạn sinh viên đến từ 22 trường đại học và cao đẳng trong khối ASEAN được chia thành 17 nhóm để cùng nhau tìm hiểu, thảo luận và làm dự án dưới hình thức video về những chủ đề được giao như: xóa nghèo, không còn nạn đói, sức khỏe và có cuộc sống tốt, giáo dục có chất lượng, bình đẳng giới, nước sạch và vệ sinh, năng lượng sạch với giá thành hợp lý, công việc tốt và tăng trưởng kinh tế, các thành phố và cộng đồng bền vững, tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, tài nguyên và môi trường biển,...
 
Chương trình Giao lưu Trực tuyến P2A về các Mục tiêu Phát triển bền Vững của Liên Hiệp Quốc
Ban tổ chức trao giải Nhì cho Nhóm 14 với chủ đề: Sự sống dưới nước
 
Theo tổng kết của Ban Tổ chức, 17 nhóm sinh viên đến từ các trường đại học và cao đẳng trong khối ASEAN đã có thời gian học tập, thảo luận và hoàn thành các dự án đúng thời hạn. Dự án của các nhóm sinh viên đều nhận được phản ứng rất tốt trên trang facebook chính thức của P2A với hơn 23.000 biểu tượng cảm xúc tích cực. 8 video xuất sắc nhất làm về các chủ đề liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc đã được lựa chọn phát tại buổi bế mạc, bao gồm:
 
- Nhóm 2 với chủ đề: Xóa đói,
- Nhóm 3 với chủ đề: Sức khỏe và Hạnh phúc,
- Nhóm 5 với chủ đề: Bình đẳng giới,
- Nhóm 11 với chủ đề: Thành phố và cộng đồng bền vững,
- Nhóm 12 với chủ đề: Sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm,
- Nhóm 14 với chủ đề: Sự sống dưới nước,
- Nhóm 15 với chủ đề: Sự sống trên mặt đất,
- Nhóm 16 với chủ đề: Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ.
 
Ban Giáo khảo đánh giá cao sự nỗ lực và kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả dù có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ của các thành viên đến từ nhiều đất nước để hoàn thiện dự án chất lượng nhất. Nhiều ý tưởng sáng tạo, cách sử dụng âm thành và hình ảnh sống động, cách lựa chọn hình thức thể hiện thú vị thu hút người xem được các thành viên Ban Giám khảo dành nhiều lời khen tặng. 
 
Chương trình Giao lưu Trực tuyến P2A về các Mục tiêu Phát triển bền Vững của Liên Hiệp Quốc
Đại diện các thành viên P2A chụp ảnh lưu niệm tại chương trình
 
Kết quả chung cuộc như sau:
 
- Giải Nhất được trao cho nhóm 15 với chủ đề: Sự sống trên mặt đất
- Giải Nhì được trao cho nhóm 14 với chủ đề: Sự sống dưới nước,
- Giải Ba thuộc về nhóm 16 với chủ đề: Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ.
 
Ông Muhammad Fauzan - Đại học UPN Veteran Yogyakarta, Indonesia có nhận xét về video đạt giải Nhất: “Tôi rất ấn tượng với việc các bạn bắt đầu video của mình về hình ảnh những khu vực ngập nước. Tình trạng ngập nước diễn ra nhiều nơi trên trái đất nguy hiểm không kém so với nạn phá rừng bởi thực tế cho thấy đất ngập nước có khả năng biến mất nhanh gấp 3 lần so với việc phá rừng. Do đó, ý tưởng ủ rác hữu cơ có chứa nước để giữ ẩm cho đất nhằm giảm tình trạng bốc hơi và bổ sung chất dinh dưỡng cho đất theo tôi là một giải pháp hay. Đồng thời, đây còn là giải pháp có tính khả thi cao bởi bất cứ cá nhân nào cũng có thể thực hiện trong đời sống hàng ngày.”
 
(Truyền Thông)