English

Nghiên cứu

Hội thảo Quốc tế Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Đại học Duy Tân

Ngày 21/7/2017, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam phối hợp với đối tác chiến lược là Tập đoàn Phoenix Contact (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và Ứng dụng tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam”. Diễn ra tại ĐH Duy Tân trọn vẹn một ngày, Hội thảo đã mang đến những góc nhìn mới về Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, góp phần tìm hiểu những bước tiến vượt bậc của Khoa học Công nghệ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng đồng thời cũng đặt con người trước thử thách lớn về phân chia lao động, đào tạo nguồn nhân lực, khoảng cách giàu nghèo…
 
Hội thảo Quốc tế Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Đại học Duy Tân 
Ông Klaus Hengsbach phát biểu tại Hội thảo
 
Hội thảo thu sự quan tâm của Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành và hơn 200 đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Tại Hội thảo, Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã được các đại biểu nhìn nhận một cách thấu đáo, từ đó đưa ra rất nhiều các tham luận, các ý kiến để giúp giáo dục có những cải cách đáp ứng nhu cầu của xã hội. 

Theo TSKH. Phan Quang Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam nhận định: “Đây là cuộc cách mạng có quy mô, phạm vi và tính phức tạp của sự thay đổi sẽ không giống với bất cứ những gì mà chúng ta đã từng trải qua từ trước tới nay. Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, rô bốt, internet vạn vật, khoa học vật liệu, công nghệ di động không dây mang tính liên ngành sâu rộng. Với tốc độ phát triển mang cấp số mũ, cuộc cách mạng có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Bởi thế, cùng với sự thay đổi của công nghệ, giáo dục đào tạo phải thay đổi để đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức để tránh nguy cơ bị đào thải.”
 
Hội thảo Quốc tế Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Đại học Duy Tân 
Đông đảo các đại biểu đến tham dự Hội thảo
 
Một cách rất cụ thể, qua báo cáo “Vai trò và thách thức đối với đại học trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, TS. Phạm Thị Ly - Đại học Quốc gia Tp. HCM và Đại học Nguyễn Tất Thành khẳng định các trường đại học của Việt Nam để đáp ứng các thay đổi theo cuộc cách mạng cần phải quốc tế hóa chương trình đào tạo, cần phải đảm bảo chất lượng đào tạo và thực hiện kiểm định giáo dục quốc gia và quốc tế. TS. Phạm Thị Ly đã đặt từ “Đáp ứng với sự thay đổi” ngang hàng với “Sự sống còn” nhằm nhấn mạnh mong muốn mọi chiến lược, chương trình đào tạo đưa ra đều phải vì một mục đích đào tạo nguồn nhân lực có thể đáp ứng trước mọi thay đổi để làm chủ công nghệ và làm chủ thời cuộc trong tương lai.

Ông Klaus Hengsbach - Giám đốc Đào tạo Tập đoàn Phoenix Contact của CHLB Đức đã có những suy nghĩ rất thực tế và thấu đáo về những ảnh hưởng của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với nguồn nhân lực trong tương lai: “Như chúng ta đã biết, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi thế giới mà chúng ta đang sống với những ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực trong đó có giáo dục và đào tạo. Hội thảo này sẽ đi sâu hơn về những tác động của cách mạng 4.0 đối với lĩnh vực giáo dục nhằm tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách, các trường đại học, các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về những cơ hội cũng như thách thức sẽ phải đối mặt, từ đó đưa ra những kế sách phù hợp. Là một tập đoàn có uy tín trong lĩnh vực Tự động hoá, Phonenix Contact luôn cần một đội ngũ kỹ sư chất lượng cao và công nhân có tay nghề. Do đó, chúng tôi đã chủ động thiết lập quan hệ đối tác với nhiều trường đại học và các doanh nghiệp trên thế giới thông qua việc hỗ trợ các hoạt động giáo dục tại nhiều địa phương. Phoenix Contact hiện có hơn 14.500 nhân viên với doanh thu đạt hơn 1,9 tỷ Euro. Thành công của Phoenix Contact phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và năng năng lực sáng tạo của đội ngũ này. Đây cũng là một thách thức lớn trong công tác đào tạo nhân lực của tập đoàn. Phoenix Contact mong muốn trở thành đối tác chiến lược của các trường đại học và cao đẳng tại Việt  Nam và sẵn sàng hỗ trợ các trường đại học thiết kế những chương trình đào tạo phù hợp nhằm đào tạo đội ngũ kỹ sư chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng trong tương lai.”

Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân đã chia sẻ những bước phát triển vững chắc của Đại học Duy Tân trong suốt gần 23 năm qua cũng như chiến lược hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo, là một bước đi rất phù hợp đáp ứng nhu cầu xã hội khi bước vào Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0: “Ngay từ khi thành lập trường, Đại học Duy Tân đã xác định phát triển theo 5 Hóa là Anh ngữ hóa, Tin học hóa, Chuyên nghiệp hóa, Quốc tế hóa và Trẻ hóa. Đó là những tiệm cận rất quan trọng để xây dựng một đại học lớn mạnh, tạo dựng uy tín trong đào tạo với người học. Theo quá trình phát triển, Nhà trường đã thực hiện rất nhiều hướng đi, trong đó có hợp tác quốc tế để giúp sinh viên tiếp cận với những chương trình đào tạo chất lượng nhất trên thế giới. Trong đó tiêu biểu có hợp tác với Đại học Carnegie Mellon (CMU) - là 1 trong 4 đại học hàng đầu về Công nghệ Thông tin ở Mỹ (theo U.S. News 2017) từ năm 2008 để nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực Công nghệ Thông tin tại Việt Nam nói chung và sinh viên ĐH Duy Tân nói riêng. Tiếp đó, trường đã tham gia sáng lập tổ chức P2A giúp sinh viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập để nâng cao kỹ năng “mềm”, tìm hiểu về đất nước và con người của nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN để tự tin và tìm kiếm việc làm ở khắp thế giới. Sự chuẩn bị một cách chu đáo hành trang kiến thức và các kỹ năng cho sinh viên của nhà trường sẽ giúp cho các em tự tin để sáng tạo, phát triển năng lực để có được những vị trí việc làm tốt nhất trong tương lai trên phạm vi toàn cầu.”

(Truyền Thông)