English

Hợp tác & Hội nhập

Hội thảo Cơ hội và Thách thức của Cộng đồng ASEAN sau 2015 tại DTU

Ba trụ cột lớn của ASEAN đang dần hình thành với kỳ vọng tạo nên một sự bứt phá mới trong phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội cũng như tạo chất keo kết nối 10 nước ASEAN thành một khối thống nhất để nâng cao chất lượng sống của người dân. Thời khắc trọng đại đang đến gần cũng là lúc xuất hiện vô vàn những cơ hội và thách thức mới cho từng quốc gia cũng như khối ASEAN. Tạo điều kiện để đại diện các quốc gia, trong đó có các trường đại học cùng nhận định thấu đáo về tình hình ASEAN hiện tại, chia sẻ thông tin, giao lưu học hỏi và hiến kế để xây dựng một khối thịnh vượng ASEAN trong tương lai, Đại học Duy Tân phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và Hội các trường Đại học và Cao đẳng thuộc khối ASEAN (P2A) tổ chức Khai mạc “Hội thảo Quốc tế: Cộng đồng ASEAN sau 2015 - Cơ hội và Thách thức” vào sáng 15/5/2015. 
 
 
Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ phát biểu tại Hội thảo
 
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân chia sẻ: “Ngày 14/5/2015, chúng ta đã dành một ngày trọn vẹn cho Cuộc họp Thành viên Lần thứ IV Hội các trường Đại học và Cao đẳng thuộc khối ASEAN, hôm nay chúng ta thực hiện một cuộc hội thảo thú vị dành cho những người làm giáo dục Khu vực Đông Nam Á. Với chủ đề ‘Cộng đồng Asean sau 2015 - Cơ hội và Thách thức’, hội thảo thực sự cần thiết trước tình hình thế giới đang phát triển và nhiều chuyển biến như hiện nay. Trong khi thế giới đang diễn ra rất nhiều các cuộc cách mạng để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, môi trường sống, giáo dục nhằm mang đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn, các nước trong khối ASEAN cũng cần xác định vị thế và hiện trạng từ đó định ra những bước đi phù hợp nhất để phát triển đất nước. Đóng góp vào quá trình đó không thể thiếu lĩnh vực giáo dục trong đó phải kể đến tri thức nhân loại. Tài nguyên thiên nhiên nhiều nhưng cũng đến ngày cạn kiệt nhưng trí tuệ của con người là vô hạn. Phải chăng nếu có, tri thức chỉ bị giới hạn bởi không gian, biên giới cũng như nhận thức của con người. Bởi vậy, chúng ta cần phải tổ chức nhiều hơn nữa các hội thảo thiết thực như hôm nay để các trường đại học, cao đẳng cùng kết nối, hiến kế vì một ASEAN bền vững và phát triển trong tương lai."
 

 Đoàn Chủ tịch điều khiển Hội thảo
 
PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) đã gửi nhiều tâm huyết và kỳ vọng trước một hội thảo cần thiết và ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay: “Viện Nghiên cứu Đông Nam Á vinh dự và vui mừng được hợp tác với Đại học Duy Tân - một cơ sở đào tạo đại học có uy tín của Việt Nam đồng tổ chức ‘Hội thảo Quốc tế: Cộng đồng ASEAN sau 2015 - Cơ hội và Thách thức’. Đây thực sự là cơ duyên trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học với Duy Tân cũng như với Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - người luôn say mê, tâm huyết và có nhiều ý tưởng sáng tạo trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tổ chức hội thảo hôm nay chính là một trong những hình thức mà Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và Đại học Duy Tân tiến hành trong chương trình hợp tác dài hạn. Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết từ các học giả thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước và nước ngoài. Sự đa dạng trong cách tiếp cận, sự phong phú về nội dung và sự có mặt của các học giả hôm nay là minh chứng cho tình cảm và những đóng góp khoa học trước một hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước. Những ý kiến trao đổi thẳng thắn trên tinh thần khoa học cùng các kiến nghị cả về học thuật và thực tiễn chính là những đóng góp hữu ích nhất vì một Cộng đồng ASEAN phát triển sau năm 2015.” 
 
  
PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
phát biểu tại Hội thảo

Sau Lễ Khai mạc, 2 phiên họp toàn thể đã diễn ra trong không khí sôi nổi với những tham luận sâu cùng sự góp ý chân thành của các học giả. Với trên 110 bài nghiên cứu của 26 viện và trường đại học trong và ngoài nước gửi về, Ban Tổ chức đã chọn 50 bài chất lượng đăng kỷ yếu và báo cáo tại Hội thảo. Nhiều báo cáo đã được đánh giá cao bởi những nghiên cứu sâu rộng và thiết thực về ASEAN như “Bàn về tầm nhìn của cộng đồng kinh tế ASEAN sau 2015 và một số vấn đề đặt ra” của của TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Chỉ mới ở bước khởi đầu” của TS. Werner R.Murhadi, Đại học Surabaya, Indonesia; “Triển vọng của cộng đồng ASEAN trong thập niên tới” của PGS. TS Hoàng Khắc Nam, Trưởng Khoa Quốc tế học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội; “Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi cộng đồng ASEAN chính thức ra đời vào cuối năm 2015” của PGS.TS Nguyễn Công Khanh, Nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Đại học Vinh…

 
 Đông đảo các học giả, các giảng viên và sinh viên
trong và ngoài nước tham dự Hội thảo
 
Bên cạnh những góc nhìn rộng về kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử, nhiều đại biểu đã dành thời gian và tâm sức nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề cụ thể của ASEAN trong giai đoạn hiện nay trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Tiêu biểu như PGS.TS Trịnh Thị Định, Đại học Khoa học - Đại học Huế với đề tài “Vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ đại học tham gia cộng đồng ASEAN” nhận định: “Khi lao động lành nghề trong Cộng đồng ASEAN được tự do chu chuyển, được làm việc, được định cư và được đối xử bình đẳng tại tất cả các nước thành viên thì sức ép cạnh tranh đối với lao động của nước sở tại là rất lớn. Trong thị trường lao động ASEAN, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức kỷ luật lao động và vốn ngoại ngữ là những yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh của người lao động. Bởi vậy, các trường đại học cần phải tìm hiểu để việc đào tạo không mang tính thị hiếu, phải có dự báo về nhu cầu nhân lực cũng như định hướng nghề nghiệp giúp sinh viên không chỉ của riêng Việt Nam mà cả khu vực ASEAN không ‘thua’ trên ‘sân nhà’.” Một góc nhìn khác với chủ đề “Xây dựng bản sắc ASEAN: Quá trình và những kết quả bước đầu”, TS. Trần Xuân Hiệp, Trưởng khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Duy Tân đã khẳng định về tầm quan trọng trong việc xây dựng bản sắc ASEAN: Đây chính là nền tảng để các nước chung tay thúc đẩy và bảo tồn di sản văn hóa khoa vực, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, tạo cơ hội để người dân trao đổi văn hóa, nâng cao hiểu biết giữa các nước thành viên. Để thực hiện được điều đó, ngoài việc đề ra các định hướng hợp tác văn hóa, nghệ thuật giữa các nước ASEAN còn cần đưa việc giảng dạy về ASEAN vào các cấp học khác nhau trong từng quốc gia với sự thống nhất và chia sẻ từ hệ thống giáo dục trong toàn khối.

Bế mạc Hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Hiển - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Huế tổng kết: “Sau quá trình chuẩn bị chu đáo và triển khai hội thảo mang đậm tính học thuật, ‘Hội thảo Quốc tế: Cộng đồng ASEAN sau 2015 - Cơ hội và Thách thức’ đã đạt được những kết quả mong đợi. Hội thảo đã thể hiện được 3 chủ đề lớn, gồm: Thực trạng và thách thức trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, Triển vọng của ASEAN, Việt Nam trong quá trình hội nhập về văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học. Bên cạnh những tham luận có hàm lượng học thuật cao, phần thảo luận chất vấn với nhiều câu hỏi thẳng thắn đã gợi mở ra nhiều vấn đề với mong muốn chung tay góp sức khắc phục những khó khăn trong quá trình hình thành ba trụ cột lớn của ASEAN. Các công bố nghiên cứu khoa học mới về ASEAN trong hội thảo sẽ được chắt lọc và chuyển hóa thành những kiến nghị gửi lên Ban Thư ký ASEAN, các cơ quan có thầm quyền ở Việt Nam và các nước thành viên khác của ASEAN. Mong rằng sẽ có nhiều hội thảo được tổ chức tiếp nối như Hội thảo tại Đại học Duy Tân để các nhà nghiên cứu cùng nhau thảo luận, góp sức thúc đẩy quá trình hiện thức hóa ASEAN và xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015.”

(Truyền Thông)