English

Nghiên cứu

Hội thảo Công nghệ Sinh học Việt - Đức 2013

Từ ngày 14 -17/1/2013, Hội thảo Việt - Đức về ứng dụng Công nghệ Sinh học trong Nông nghiệp, Y tế và Bảo vệ Môi trường do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức (BMBF) cùng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MoST) phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo Việt - Đức nhằm tăng cường trao đổi các lĩnh vực hợp tác và phát triển các ý tưởng nghiên cứu chung. Nhiều khía cạnh của lĩnh vực công nghệ sinh học từ công nghệ plasma, công nghệ cảm biến sinh học áp dụng trong xử lý nước thải, công nghệ tẩy độc đất, công nghệ sinh học thực vật, kỹ thuật trồng các loại cây thuốc... đã được thảo luận tại hội thảo.
 
Đại diện trường Đại học Duy Tân có TS. Nguyễn Minh Hùng và TS. Nguyễn Thành Trung, cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tham dự hội thảo. TS. Hùng đã báo cáo các kết quả nghiên cứu về điều khiển quá trình phát triển kích thước cơ quan ở thực vật, một trong những nhân tố quan trọng liên quan đến tích lũy sinh khối ở thực vật. Các kết quả nghiên cứu của TS. Hùng là triển vọng để mở ra hướng hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học của Đức trong thời gian tới.
 

 
TS. Nguyễn Minh Hùng (hàng sau, ngoài cùng bên trái) chụp ảnh lưu niệm
cùng các nhà khoa học Việt Nam và Đức
 
Tại hội thảo, ông Lương Văn Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: “Hiệu quả tức thì mà hội thảo mang lại là mở ra các mối quan hệ giữa các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp của hai nước. Bên cạnh đó, hội thảo còn đem đến những cơ hội học tập nâng cao chuyên môn ở nước ngoài cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Từ đây, nhiều dự án ấn tượng, mang tầm vóc quốc tế được xây dựng và triển khai tại hai nước.”
 
Được biết, hội thảo lần này có sự tham dự của nhiều trường đại học, các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam và Đức. Đại diện phía Đức có Trường Đại học tổng hợp Greifswald, Potsdam, Hamburg; Trung tâm nghiên cứu Jülich; Cơ quan nghiên cứu Liên bang Đức về Dinh dưỡng và Thực phẩm; các viện nghiên cứu lớn của Đức như viện Leibniz, viện Helmholtz, viện Fraunhofer và một số đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức.
 
Phía Việt Nam có Viện Công nghệ sinh học, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam); các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam như Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Nông nghiệp, Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội… cùng đại diện các khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó phía Việt Nam cũng tổ chức chương trình tham quan các phòng thí nghiệm cho đối tác Đức để giới thiệu về hiện trạng công nghệ và nghiên cứu của đối tác Việt Nam.
 
(Truyền Thông)