English

Nghiên cứu

Hợp tác quốc tế giúp Tạp chí của ĐH Duy Tân vào danh mục SCOPUS

Tạp chí Quốc tế Mạng công nghiệp và Hệ thống thông minh của ĐH Duy Tân đã được Hội đồng Tuyển chọn nội dung và Tư vấn (CSAB) đánh giá thông qua, và được chấp nhận vào hệ thống cơ sở dữ liệu SCOPUS.
 
Để có được kết quả này, ĐH Duy Tân đã mất 3 năm từ khi chính thức ra mắt, 7 năm kể từ khi lên ý tưởng và triển khai Tạp chí Quốc tế Mạng công nghiệp và Hệ thống thông minh.
 
Trong Lễ Công bố vào chiều ngày 16.2.2022, nhiều nhà khoa học của trường trong nước, cả ở nước ngoài đã hội họp để đánh giá, chia sẻ thông tin, có những định hướng cụ thể với hy vọng sẽ tiếp tục xuất bản được nhiều bài báo khoa học có giá trị trên tạp chí, và cho ra đời những tạp chí khoa học chuyên ngành mới, có giá trị của ĐH Duy Tân.
 
Ghi nhận vào hệ thống cơ sở dữ liệu SCOPUS
 
SCOPUS được xây dựng từ tháng 11.2004, thuộc sở hữu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan). Đây là một cơ sở dữ liệu thư mục chứa 57 triệu bản tóm tắt, gần 22.000 danh mục từ hơn 5.000 nhà xuất bản, trong đó hơn 30.000 là các tạp chí đánh giá chuyên ngành trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y tế, xã hội, nghệ thuật và nhân văn.
 
Hợp tác quốc tế giúp Tạp chí của ĐH Duy Tân vào danh mục SCOPUS
Tạp chí Quốc tế Mạng công nghiệp và Hệ thống thông minh của ĐH Duy Tân
 
Tạp chí Quốc tế Mạng công nghiệp và Hệ thống thông minh do ĐH Duy Tân cùng phối hợp với Tổ chức EAI (European Alliance for Innovation) - Liên minh châu Âu vì sự Đổi mới về mạng công nghiệp và Hệ thống thông minh đồng sáng lập và xuất bản vào năm 2018, có chỉ số quốc tế là: ISSN: 2410-0218.
 
Để được đưa vào danh sách SCOPUS, các tạp chí sẽ được đánh giá rất nghiêm túc về chất lượng, mức độ ảnh hưởng, danh tiếng của nhà xuất bản, sự uy tín và đa dạng của các tác giả, ban biên tập…
 
Đặc biệt, các ấn phẩm phải ra liên tục 4 số/năm trong ít nhất 3 năm, với các công bố quốc tế chất lượng. Ban biên tập là sự cộng tác giữa GS-TS.Dương Quang Trung, ĐH Queen’s Belfast (Vương quốc Anh) và TS.Lê Nguyên Bảo; TS.Võ Nguyên Sơn, ĐH Duy Tân (Việt Nam) đã làm việc rất nhịp nhàng các năm qua, với các nhóm cộng tác viên trong và ngoài nước, đảm bảo sự liên tục của các ấn phẩm tạp chí về mặt số lượng lẫn chất lượng bài. Có như thế tạp chí mới vượt qua được sự đánh giá khắt khe, nghiêm túc của CSAB, và được gia nhập vào danh mục SCOPUS như ngày hôm nay.
 
Tạp chí tập trung chủ đề vào nhiều mảng kiến thức, bao gồm:
 
- Ứng dụng của mạng cảm biến không dây;
 
- Dữ liệu lớn;
 
- Mạng truyền thông tin và điều khiển trong công nghiệp;
 
- Trí tuệ nhân tạo (AI);
 
- Học máy (Machine Learning);
 
- …
 
Nhận được những đánh giá cao từ nhiều nhà khoa học
 
Hợp tác quốc tế giúp Tạp chí của ĐH Duy Tân vào danh mục SCOPUS
Các nhà khoa học của ĐH Duy Tân ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng
chia sẻ thông tin về các định hướng nghiên cứu tại lễ Công bố
 
Từ Anh Quốc, GS-TS.Dương Quang Trung, Tổng biên tập (TBT) của Tạp chí chia sẻ: “Khoảng 6, 7 năm về trước, thầy Lê Nguyên Bảo (đồng TBT) có nói với tôi về ý tưởng thành lập một tạp chí, với hướng đi ban đầu là được chấp nhận vào SCOPUS hay Thomson ISI. Đây là một chặng đường dài, đòi hỏi 5, 10 hay 20 năm bởi sẽ phụ thuộc vào hướng nghiên cứu, hay rất nhiều yếu tố liên quan. Năm 2018, khi thực hiện một đề tài khoa học, chúng tôi đã nhận ra cơ hội để thành lập tạp chí. Tôi và thầy Bảo cùng làm TBT. Tôi lo chuyên môn, thầy Bảo lo phần tổ chức, quản lý, nhân sự…”.
 
Hợp tác quốc tế giúp Tạp chí của ĐH Duy Tân vào danh mục SCOPUS
GS-TS.Dương Quang Trung chia sẻ về Tạp chí
 
Tổ chức một tạp chí rất khó. Để tạp chí phổ biến, nhiều người đọc, truy cập còn khó hơn, trong khi hiện có cả triệu tạp chí như vậy. Làm sao có thể thu hút được nhiều độc giả, gây chú ý, được các nhà khoa học gửi bài có chất lượng tốt đăng. Và chúng tôi định hướng xây dựng tạp chí Open Access.
 
Khi đã đạt được nhiều yếu tố về số lượng trích dẫn, đội ngũ editor đến từ hơn 40 nước trên thế giới, số lượng bài báo có chất lượng… đồng thời, phải đảm bảo mỗi năm ra 4 số, mỗi số có ít nhất 5 bài (tổng sẽ là hơn 20 bài được chấp nhận trên tổng số hàng trăm bài được nộp vào) liên tục trong 3 năm, chúng tôi đã được vào danh mục SCOPUS.
 
Thống kê gần đây nhất trong 3 tháng, đã liên tục nhận được hơn 100 bài, từ chối khoảng 83 bài, 13 bài được chấp nhận còn khoảng 4 bài đang review. May mắn là tạp chí nhận được rất nhiều hỗ trợ từ ĐH Duy Tân, và cộng đồng các nhà nghiên cứu trên thế giới cùng hợp tác, tất cả đều làm vì đam mê khoa học và tạo ra kiến thức mới cho cộng đồng. Hy vọng một ngày gần nhất, tạp chí sẽ được vào danh mục ISI với nhiều bài đăng chất lượng hơn nữa”.
 
Các Thành tích và Giải thưởng tiêu biểu GS-TS.Dương Quang Trung:
 
• Giải thưởng danh giá Research Fellowship (2015-2020) dành cho các nhà nghiên cứu trẻ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh (cả nước Anh năm đó chỉ có 8 người được trao giải cho tất cả các lĩnh vực KH-KT.
 
• Được ĐH Queen’s Belfast - một trong những đại học hàng đầu của Vương quốc Anh, phong Giáo sư (Full Professor) chỉ sau hơn 6 năm làm việc (vào năm 2018). Đây là một trong những trường hợp nhanh nhất trong lịch sử 200 năm của trường.
 
Hợp tác quốc tế giúp Tạp chí của ĐH Duy Tân vào danh mục SCOPUS
 
• Giải thưởng Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất tại hội nghị ngành viễn thông lớn nhất của thế giới IEEE Globecom vào các năm 2016 và 2019.
• Giải thưởng uy tín Newton Prize 2017 - do Hội đồng Giải thưởng Newton (Quỹ Newton, Vương quốc Anh) phối hợp với UNESCO đồng tổ chức.
• Được xếp hạng trong danh sách 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trên thế giới theo thành tựu trọn đời (tạp chí PLoS Biology của Mỹ công bố).
 
Hợp tác quốc tế giúp Tạp chí của ĐH Duy Tân vào danh mục SCOPUS
TS.Lê Nguyên Bảo chia sẻ các hướng đi trong thời gian tới của tạp chí
 
Nghiên cứu khoa học là một thành tố cốt lõi trong phát triển của một trường ĐH. Ngoài những đóng góp, đăng tải các bài viết có chất lượng trên các tạp chí uy tín trên thế giới, việc ĐH Duy Tân đưa được tạp chí của mình vào danh mục SCOPUS nhằm hình thành sức mạnh nội lực của mình trong nghiên cứu là rất quan trọng. Sức mạnh nội lực này dù vậy phải được xây dựng ban đầu trên cơ sở hợp tác quốc tế, cộng tác với các nhà nghiên cứu và các trường ĐH, tổ chức có uy tín trên thế giới để cùng phát triển khi vốn kinh nghiệm ban đầu của nhà trường là ít ỏi, gần như bằng không. Điều này một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, Nghị định số 99/2014/NĐ-CP, Nghị định số 27/2020/NĐ-CP) cũng như theo xu thế chung của thế giới trong việc liên tục xây dựng và mở rộng mạng lưới khoa học quốc tế để phát triển nghiên cứu khoa học của nước nhà.
 
TS.Lê Nguyên Bảo, đồng TBT Tạp chí Mạng công nghiệp và Hệ thống thông minh chia sẻ: “Có được thành quả hôm nay ngoài công sức của các nhà khoa học làm việc tại ĐH Duy Tân, và các cộng sự trên thế giới thì phải đặc biệt kể đến nhiệt tâm của GS-TS.Trung, người dù đang công tác ở nước ngoài nhưng vẫn luôn hướng về việc hỗ trợ cho sự phát triển khoa học trong nước. Mong rằng từ Tạp chí Quốc tế Mạng công nghiệp và Hệ thống thông minh, chúng ta sẽ có hình mẫu, kinh nghiệm để xây dựng nhiều hơn nữa các tạp chí chất lượng ở các chuyên ngành khác nhau, để được chấp nhận vào các danh mục uy tín trên thế giới. Hiện tại, trường có một số lĩnh vực cũng đang phát triển rất mạnh như Vật lý, Khoa học máy tính… Chúng tôi định hướng trong thời gian tới sẽ xây dựng 1, 2 tạp chí quốc tế nữa với khát vọng tiếp tục vào được SCOPUS hay ISI. Chúng tôi kêu gọi sự cộng tác với các nhà khoa học có uy tín, các trường ĐH khác, đặc biệt là trong nước để cùng nhau tạo nên các liên minh xây dựng các tạp chí có uy tín với thế giới”.
 
Được chính thức thành lập vào năm 2018, đến nay, Tạp chí Quốc tế Mạng công nghiệp và Hệ thống thông minh của ĐH Duy Tân đã trở thành 1 trong 9 tạp chí của cả nước được vào hệ thống SCOPUS, và cũng là tạp chí đầu tiên của một trường ĐH ở miền Trung được vào danh mục SCOPUS.
 
(Nguồn: https://thanhnien.vn/hop-tac-quoc-te-giup-tap-chi-cua-dh-duy-tan-vao-danh-muc-scopus-post1430676.html)