English

Tin tức Duy Tân

Báo cáo Khoa học: Sán lá Ký sinh Truyền qua Thực phẩm - Nguy cơ & Kiểm soát

Sáng ngày 22/8/2018, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam đã thực hiện báo cáo khoa học với chủ đề “Sán lá ký sinh truyền qua thực phẩm: Nguy cơ và Kiểm soát” tại Đại học Duy Tân. TS. Nguyễn Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cùng đông đảo giảng viên và sinh viên khối ngành Khoa học Sức khỏe đã đến tham dự và lắng nghe báo cáo.

 Báo cáo Khoa học: Sán lá Ký sinh Truyền qua Thực phẩm - Nguy cơ & Kiểm soát
 TS. Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về
Sán lá ký sinh truyền qua thực phẩm
 
Theo báo cáo khoa học của TS. Nguyễn Mạnh Hùng: Bệnh sán lá lây truyền qua thực phẩm là các bệnh nhiễm sán do ăn phải thực phẩm có chứa ấu trùng của từng loại sán liên quan. Bệnh sán lá lây truyền qua thực phẩm có 2 dạng biểu hiện lâm sàng là cấp tính và mãn tính, cả toàn thân và cơ quan cụ thể, bệnh trở nên trầm trọng hơn khi số lượng sán tăng lên qua các đợt nhiễm trùng. Người dân bị nhiễm sán lá hầu hết là do thói quen ăn uống hàng ngày, nhất là thói quen ăn các đồ tươi sống như: gỏi cá, nem chua, bê thui, bò tái,... Tỷ lệ người bị nhiễm bệnh sán lá ký sinh truyền qua thực phẩm rất cao và tăng theo từng năm. Người bị nhiễm bệnh sán lá có nhiều triệu chứng và mức độ khác nhau, mức độ cao nhất có thể gây tử vong.

Trong báo cáo, TS. Nguyễn Mạnh Hùng tập trung vào đường nhiễm bệnh sán ở người qua 2 ký chủ trung gian là từ ốc đến cá. Vòng đời phát triển của sán bắt đầu từ trứng sán có trong cơ thể con người, sau đó theo “chất thải” của con người ra môi trường bên ngoài và nhiễm vào ao hồ. Ốc có trong nước ăn trứng sán lá và từ đây trứng phát triển thành ấu trùng, sau đó ấu trùng sẽ tự do hoạt động trong nước và ký sinh vào cá, ăn phải cá có chứa ấu trùng sán sẽ khiến con người bị nhiễm bệnh sán lá. Một số bệnh sán lá thường gặp là: Sán lá gan, Sán lá phổi,... Người bị nhiễm sán lá thường sẽ có các triệu chứng như: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, vàng da,... 
 
Báo cáo Khoa học: Sán lá Ký sinh Truyền qua Thực phẩm - Nguy cơ & Kiểm soát 
Đông đảo Giảng viên và Sinh viên khối ngành Khoa học Sức khỏe tham dự buổi báo cáo 

Để tránh bị nhiễm sán, TS. Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số giải như: lấy bùn ao, rải vôi trong ao, vệ sinh tường ao, bê tông hóa các kênh mương,... để hạn chế ốc sống trong ao hồ và cá bị nhiễm sán lá. Tuy nhiên những biện pháp đó không thể triệt để được việc sán lá ký sinh trong ốc và cá nên TS. Nguyễn Mạnh Hùng đã đặc biệt nhấn mạnh rằng: Để có thể phòng tránh được bệnh sán lá, người dân phải thay đổi được thói quen ăn uống của bản thân, nhất là không nên ăn những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thức ăn chưa được nấu chín kỹ.

Được biết, tại Đại học Duy Tân có giảng dạy môn học về Ký sinh trùng cho các sinh viên khối ngành Khoa học Sức khỏe. Bởi vậy, những thông tin được TS. Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ trong buổi báo cáo sẽ giúp các bạn sinh viên có thêm được những kiến thức bổ ích, hỗ trợ cho việc học tập cũng như nghiên cứu của mình trong suốt thời gian học tập trên giảng đường đại học.

(Truyền Thông)