Tin tức Tuyển sinh


Lối thoát cho sĩ tử chọn nhầm ngành

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT
Chọn nhầm ngành, nhiều teen quyết định 'đá chéo sân'
 
Không phải bàn về bóng đá, “đá chéo sân” ở đây ám chỉ các bạn sinh viên đang học ngành này nhưng vẫn theo đuổi, đam mê ngành khác. Không ít bạn đỗ ĐH mới nhận ra mình không hợp với ngành đang học nên đã mạnh dạn “đá chéo sân” để vừa không phải bỏ ngang chương trình, lại vừa có cơ hội theo đuổi và thực hiện tiếp ước mơ của mình.
 
Trung Khánh (SV ĐH Hùng Vương) sau 3 năm học Quản trị kinh doanh, đã quyết định thi văn bằng 2 khoa Đông Phương học, trường ĐH KHXH &NV để học và nghiên cứu về Hàn Quốc. Theo bạn ấy thì: “Đã lỡ học rồi thì học hành đàng hoàng cho có bằng cấp, sau này ra trường tìm việc làm cũng dễ hơn”.
 
Cũng là một trường hợp “đá chéo sân”, bạn Đặng Anh (20 tuổi, ĐH KHXH&NV) chia sẻ: “Xu hướng của bạn bè mình hiện giờ là đi tìm hiểu và học những ngành về báo chí và truyền thông, xung quanh mình ít ai học chuyên báo chí lắm nhưng rất nhiều bạn lại đi làm báo. Cá nhân mình cũng rất thích lĩnh vực này, nó làm cho mình thấy thú vị và năng động hẳn ra. Dù đang bận rộn để hoàn thành năm cuối của ngành Luật Quốc tế, nhưng mình vẫn sắp xếp thời gian theo học các khóa nghiệp vụ báo chí bên ngoài để trao dồi kiến thức và theo đuổi đam mê của mình".
 
"Lối thoát" cho sĩ tử chọn nhầm ngành?
 
Việc theo học cùng lúc nhiều ngành học có thể xem như một lối thoát cho các sĩ tử... lỡ bước - thừa khả năng nhưng chỉ là tạm thời chưa lựa chọn đúng sở trường. Tuy nhiên, khi quyết định “đá chéo sân”, teen nên cân đo đong đếm thật kỹ về mức độ yêu thích, đam mê cũng như khả năng thực hiện ước mơ đó của bản thân.
 
Để thi vào văn bằng hai của các trường, teen cũng phải tốn thời gian "xào nấu" các môn cơ bản và có một số kiến thức nhất định về lĩnh vực chuyên sâu của ngành đó. Nếu học các khóa đào tạo chuyên ngành ngắn hạn bên ngoài, trước hết bạn phải hoàn thành tốt chương trình học hiện tại của bản thân. Trong trường hợp học cả 2 ngành trong cùng một trường, bạn cần nghiền ngẫm kỹ lưỡng những quy định trường đề ra nhé. Hầu hết các trường đều yêu cầu bạn có điểm tổng kết ngành học thứ nhất từ khá trở lên.
 
Bên cạnh đó, việc chọn “sân” cũng là điều các bạn nên cân nhắc kỹ. Bạn đừng chạy theo trào lưu, "nghe đồn" lĩnh vực này đang "hot", ngành kia có tương lai mà vội vàng theo học, quên đi ước mơ thực sự của mình là gì. Vì trong quá trình học sẽ có những khó khăn và trở ngại nhất định mà ai cũng phải trải qua, nếu như không có đam mê thực sự, bạn sẽ rất khó để vượt qua và tiếp tục theo đuổi nó.
 
Do có nhiều cơ hội hoạt động về PR và cũng có người quen làm trong lĩnh vực này nên Băng Tâm (sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế, ĐH KHXH & NV) quyết định đăng ký “học chui” nhiều môn chuyên sâu về PR của Khoa Báo chí để thuận tiện cho công việc sau này. Tuy nhiên, khi vào học cô bạn gặp rất nhiều khó khăn và bỡ ngỡ. Tâm chia sẻ: "Thật ra việc học cùng lúc hai ngành học rất khó khăn, phải vừa hoàn thành tốt chương trình học chính thức, vừa phải sắp xếp thời gian để tìm hiểu ngành học kia càng nhiều càng tốt. Chẳng có con đường nào là dễ dàng, quan trọng là bạn có đủ sức để thực hiện không mà thôi".
 
Chỉ cần dám nghĩ, dám thực hiện
 
Tuấn Kiệt (20 tuổi, Q.Tân Bình) từng rơi vào tình trạng phải học ngành trái với sở thích vì thiếu tự tin để tiếp tục theo một ngành học khác. Sau một năm trăn trở, Kiệt quyết định bỏ ngang để thi đại học lại vào ngành học mà mình ao ước từ lâu.
 
Cũng như Kiệt, nhiều sĩ tử dù đậu ĐH với điểm số cao nhưng luôn bước vào giảng đường trong tâm trạng tiếc nuối. Tuy vậy, nhiều bạn cảm thấy rất ngại làm lại từ đầu vì không dám bước ra khỏi "vùng an toàn". Trên thực tế, nhiều người ra trường làm trái với ngành nghề mình được đào tạo, và họ vẫn thành công song con số đó không nhiều. Vậy tại sao bạn không chọn đúng con đường "mơ ước" của mình ngay từ đầu khi chưa quá muộn. Có dám thay đổi để theo đuổi ước mơ và đạt thành công hay không, điều đó phụ thuộc vào bản lĩnh của chính các bạn đấy!
 

Kênh Tuyển Sinh

(Theo: Tienphong)

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.