English

Thể Thao - Văn hóa

Đêm giao lưu Văn học: “Trước sông Hàn”

Đến hẹn lại lên, vào dịp Tết Nguyên Tiêu, những người yêu thơ trên cả nước lại cùng nhau quây quần, chia sẻ những áng thơ, những dòng cảm xúc đồng điệu trong sự kiện Ngày Thơ Việt Nam, trong đó có cả Đại học Duy Tân. Có lẽ bởi thế mà đêm giao lưu Văn học “Trước sông Hàn” diễn ra tối ngày 19/2/2019 do Trung tâm Truyền thông, Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn cùng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng phối hợp tổ chức đã mang đến một không gian ấm cúng, để các nhà thơ, nhà văn cùng các thầy cô chia sẻ cảm xúc, bày tỏ tình cảm qua từng vần thơ.

Các nhà thơ, giảng viên và sinh viên Duy Tân cùng giao lưu Văn học

Các Nhà thơ, Giảng viên và Sinh viên Duy Tân cùng Giao lưu Văn học "Trước Sông Hàn"

Thơ ca luôn là tiếng nói của tâm hồn, là ký hiệu ngôn từ của cảm xúc dâng trào từ trái tim của mỗi con người. Đến với thơ ca, những khách thơ như chạm đến được những tâm hồn đồng điệu, trong sáng và giàu chất nhân văn. Với chủ đề “Trước sông Hàn”, các nhà thơ đã gửi gắm vào đó tình yêu quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, tình yêu đất nước, tình đồng chí đồng đội và cả những trăn trở đầy trách nhiệm giữa bộn bề cuộc sống. 
 
Tại sân thơ này, những vần thơ đặc sắc mang đậm âm hưởng của xứ Đà xưa được cất lên từ những người nghệ sĩ tài hoa, lỗi lạc. Cả khán phòng lặng yên và bồi hồi lắng nghe những câu thơ cháy bỏng về biển đảo Trường Sa - là một phần “máu thịt” của Việt Nam ta. Bài thơ “Tổ Quốc và Trường Sa” do nhà thơ Đỗ Cảnh Thìn sáng tác, đã mang lại thật nhiều cung bậc cảm xúc:
 
“Những đảo đá nhô lên từ lòng biển
Người lính hiên ngang giữ bên cột mốc chủ quyền
Phấp phới Quốc kì tung bay trên ngực đảo
Tổ Quốc bắt đầu từ phía mặt trời lên
Ơi Việt Nam! Tổ Quốc thiêng liêng
Đây Trường Sa tuyến đầu ngăn sóng dữ
Đây Trường Sa đã trở thành bất tử
Cho đất nước yên bình từ phía mặt trời lên.”
 
Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Đỗ Cảnh Thìn ngâm thơ tại Đêm Giao lưu
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn ngâm thơ tại Đêm Giao lưu
 
Đứng “Trước sông Hàn”, các nhà thơ, nhà văn đất Quảng như: Bùi Xuân, Ngân Vịnh, Lê Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Hạnh, Thái Bá Lợi, Đinh Thị Thúy,… đã thể hiện cảm nhận sâu sắc nhất những còn - mất sau chiến tranh, được - không giữa cuộc đời và hơn hết, là lắng nghe lời “thì thầm” của gió và “tiếng nói” của lòng sông Hàn - con sông chứng kiến bao biến đổi thăng trầm của Tp. Đà Nẵng. Những mạch cảm xúc cứ thế nối liền nhau, họ cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện về xứ Đà xưa, về con sông Hàn thơ mộng, hay về người lính và những năm tháng kháng chiến gian khổ. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã cất cao giọng ngâm: 
 
“Thôi dào dạt, lại dịu êm,
Nửa như đuổi bắt, nửa tìm đến nhau.
Biết tìm đâu giữa mai sau,
Bóng trăng như bóng em ngày qua sông.
Chiều nghiêng nửa phố chiều trông,
Phố như tranh vẽ xao lòng đò ngang.
Nét non tươi đẫm mơ màng,
Ẩn trong dấu vết thời gian chưa mờ.
Chiều buồn phố rất nên thơ,
Qua sông mà cứ mong chờ hoàng hôn
…”
(Lục Bát Qua Sông - Nguyễn Ngọc Hạnh)
 
Câu chuyện “Trước sông Hàn” được kể bằng thơ qua các tác phẩm như: “Chiêm bao”, “Những điểm đã mất”, “Ngày 20”, “Đất nước mình chẳng ngộ gì đâu em”,… hay là bài thơ “Xuân của em”, “Cầu quay lung linh” của 2 bạn sinh viên Duy Tân Khoa Du Lịch và Khoa Y. Mỗi bài thơ đều chất chứa niềm vui, nỗi buồn, sự khắc khoải, thương nhớ về quê hương, đất nước và con người. Đêm thơ cũng là dịp để tôn vinh những giá trị của thơ, và cũng là cầu nối gắn kết các nhà thơ đến gần hơn với giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân. Toàn thể hội trường như lắng mình theo những âm điệu bay bổng, thả hồn phiêu du theo những vần thơ ngọt ngào. 
 
Nhà thơ, nhà văn cùng giảng viên và sinh viên Duy Tân chụp ảnh lưu niệm
Nhà thơ, Nhà văn cùng Giảng viên và Sinh viên Duy Tân chụp ảnh lưu niệm
 
Tham gia đêm giao lưu, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chia sẻ: “Mỗi năm, khi tiết trời vẫn còn xuân, không khí ở Đại học Duy Tân lại trở nên ấm áp, tươi vui và nhộn nhịp bởi những cuộc giao lưu như thế này. Cũng chính vì thế, anh em nghệ sĩ lại có dịp cùng nhau trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm với các em sinh viên Đại học Duy Tân về những câu chuyện văn học. Đây là một sân chơi ý nghĩa dành cho những ai yêu thơ văn, mong muốn chia sẻ tình cảm, và giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống.”
 
Đêm giao lưu Văn học khép lại nhưng âm hưởng của nó cứ ngân vang mãi trong lòng mỗi chúng ta khi nhớ về quê hương, nhớ về xứ Quảng ngày xưa hay nhớ về những hồn thơ giàu cảm xúc, nhẹ nhàng mà xuyến xao. Đêm thơ “Trước sông Hàn” đã giúp thầy cô và các em sinh viên Duy Tân có thêm cơ hội thắt chặt tình cảm, chia sẻ tâm tình và được đón nhận những vần thơ đặc sắc từ các nhà thơ, nhà văn đầy tài năng. 
 
(Truyền Thông)