English

Nghiên cứu

Phòng và Kiểm soát Tác nhân Ung thư từ Kiểm soát Thói quen Sinh hoạt

Hôm nay (9/11), tại Đại học Duy Tân, đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về phòng và kiểm soát ung thư. Tham dự có các Giáo sư – Chuyên gia đầu ngành đến từ các đại học, học viện, trung tâm nghiên cứu của Hoa kỳ, Nhật Bản; các Chuyên gia – Bác sỹ chuyên khoa trong nước đang thực hiện các dự án, công trình khoa học nghiên cứu về ung thư tại Việt Nam.

Phòng và Kiểm soát Tác nhân Ung thư từ Kiểm soát Thói quen Sinh hoạt
PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng,Viện trưởng Viện Y – Sinh - Dược Đại học Duy Tân (thứ hai, từ phải sang) chủ trì nội dung thảo luận. -Ảnh trong bài: T.N.

Nấu quá chín một số loại thực phẩm chưa hẳn là tốt cho sức khỏe

Đây là nội dung khuyến cáo có tính tựu trung cao, được nhiều tham luận đề cập.

Trong tham luận “Triển vọng nghiên cứu chất gây ung thư HCAs trong thức ăn để kiểm soát ung thư: Mức độ phơi nhiễm, chuyển hóa và các chỉ số đánh giá nguy cơ trong tương lai” tại hội thảo, Giáo sư Robert J. Turesky (Bộ môn Hóa Y học, Đại học Minnesota (Hoa Kỳ), lưu ý rằng:

Con người thường xuyên tiếp xúc với nồng độ thấp các hóa chất gây ung thư từ môi trường và thực phẩm.
 
Ba loại hóa chất đáng quan tâm ở Việt Nam gồm Aflatoxins; Axit Aristolochic (AA), và Heterocyclic aromatic amin (HAAs).
 
Aflatoxins do chủng Aspergillus có trong ngô, gạo, các loại đậu, sữa và phô mai được bảo quản trong điều kiện nóng ẩm.
 
Các nghiên cứu trước đó (của GS. Robert J. Turesky và các cộng sự), tại Trung Quốc và Châu Phi (vùng lân cận Sahara) ghi nhận được rằng, hóa sinh chuyển hóa từ Aflatoxins (là Aflatoxin B1) chính là chất có khả năng gây ung thư gan ở người. Trong khi đó, AA là chất gây độc cho thận và gây ung thư biểu mô đường tiết niệu trên (UUTC).

Đáng lưu ý là HAAs được tạo ra từ thịt gia cầm và cá được nấu chín kĩ. HAAs là một trong các chất gây đa ung thư ở các động vật gặm nhấm, bao gồm ung thư gan, tụy, dạ dày, ruột già, tiền liệt tuyến và tuyến vú ở loài cái.

Việc ăn thường xuyên các loại thịt được nấu quá kĩ có liên quan đến đa ung thư ở người tại những cơ quan này.

Tham luận của Giáo sư Robert J. Turesky đã mở ra thêm hướng nghiên cứu quan trọng khi “Lượng HAAs trong ẩm thực Việt Nam vẫn chưa được nghiên cứu và tác hại của HAAs đối với sức khỏe con người vẫn chưa được làm rõ. Nếu định lượng được HAAs trong các loại thịt và cá thường được sử dụng (tại Việt Nam) và sự tích lũy HAAs trong tóc (người dân Việt Nam), sẽ là những số liệu đầu tiên về mức phơi nhiễm loại chất gây ung thư trong thực phẩm tại Việt Nam”.
 
Phòng và Kiểm soát Tác nhân Ung thư từ Kiểm soát Thói quen Sinh hoạt
Các đề xuất của Giáo sư Robert J. Turesky đã mở ra thêm hướng nghiên cứu quan trọng liên quan đến kiểm soát tác nhân ung thư.

Đồng tình với sự quan tâm đặc biệt và những khuyến cáo cần thiết về HAAs của Giáo sư Robert J. Turesky, Chuyên gia Motoki Iwasaki - Nhà khoa học hàng đầu của Nhật Bản chuyên nghiên cứu mối liên quan dinh dưỡng và ung thư ở người, hiện công tác tại Khoa Dịch tễ học, Trung tâm Khoa học Y tế Công cộng, Trung tâm Ung thư Quốc gia, Nhật Bản, cũng cho rằng: HAAs và Acrylamide – là các chất gây nguy cơ ung thư có trong thực phẩm thường ngày.

Cả hai chất này đều được tạo ra trong quá trình nấu thức ăn và đã được chứng minh gây ung thư trong các nghiên cứu trên động vật.
 
Và cũng như Giáo sư Robert J. Turesky, Chuyên gia Motoki Iwasaki nhìn nhận: Tuy nhiên, kết quả từ các nghiên cứu dịch tễ học vẫn chưa nhất quán và chỉ (mới có) một số các nghiên cứu được tiến hành trên các quần thể châu Á.

Từ những kết quả nghiên cứu ban đầu của chúng tôi, vấn đề đặt ra là phải cải thiện hơn nữa các phương pháp đánh giá. Các nghiên cứu dịch tễ học cần sử dụng các phương pháp cần thiết khác, như dùng các chất chỉ điểm sinh học. Nghiên cứu dịch tễ học với nhiều cách tiếp cận khác nhau sẽ giúp chúng ta hiểu rõ vai trò của các chất gây ung thư trong thực phẩm đối với quá trình phát triển của ung thư.

Cận cảnh tình hình tầm soát ung thư của Việt Nam qua một nghiên cứu trong nước

Hỗ trợ cho giả thuyết “vai trò của các cơ chế cơ bản ở thịt đỏ kích thích tế bào ung thư”; PGS.TS Lê Trần Ngoan - Bộ môn Sức khỏe Nghề nghiệp, Đại học Y Hà Nội, Việt Nam, cũng góp thêm cho những khuyến cáo có liên quan đến chế độ ăn uống ở người Việt Nam.

Theo ông, Heterocyclic amines (HCA) - được hình thành trong cá và thịt chín – là một nhóm các chất gây ung thư hóa học. Và được xem (như giả thuyết nghiên cứu) là chất “làm tăng nguy cơ u tuyến đại trực tràng và ung thư”.

PGS.TS Lê Trần Ngoan đã tổng hợp các bài phân tích về “Những rủi ro điều chỉnh đa biến tương đối”, trong mối liên hệ giữa lượng HCA và các chất khác (được hình thành từ quy trình sinh hóa của HCA) như PhIP (2-amino-1-methyl-6-phenylimidazo[4,5-b]pyridine), hay  MeIQx (HCAs 2-amino-3,8-dimethylimidazo[4,5,-f]quinoxaline) khi được nạp vào (cơ thể qua đường ăn) có liên quan đến nguy cơ u tuyến đại trực tràng và ung thư.
 
Phòng và Kiểm soát Tác nhân Ung thư từ Kiểm soát Thói quen Sinh hoạt
 Đã có không ít khuyến cáo: Không nên nấu quá chín một số thực phẩm hoặc để thực phẩm chín trong điều kiện ngọn lửa tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (đơn cử như các món nướng)...

Qua 34 bài báo khoa học (đã được đăng tải/xuất bản), khi đối chứng các luận điểm được đưa ra, tiến hành nghiên cứu và phân tích khả năng gây đột biến từ thịt, tác giả đã tìm thấy “có kết quả giám định HCA trong mối liên hệ với rủi ro gây ung thư”.
 
Cũng từ 34 bài báo khoa học nói trên, tác giả đã khảo sát trở lại các nghiên cứu bệnh - chứng và tìm thấy kết quả 12.753 trường hợp ung thư và 17.152 nhóm chứng tương ứng; trong đó, 10.821 trường hợp u tuyến đại trực tràng và 45.099 nhóm chứng tương ứng. 

Và PhIP được xem là một tác nhân (gây ung thư), PhIP hình thành chủ yếu trong thịt gà nấu chín (54%-74%). MeIQx đa số được phát hiện ở trong các loại thịt đỏ (83%-92%).
 
“Lượng MeIQx nạp vào (cơ thể) gia tăng đáng kể nguy cơ gây ung thư và u tuyến đại trực tràng. Chúng tôi đã tìm thấy mối liên kết tích cực trong MeIQx, MDM và cả ung thư và u tuyến đại trực tràng.
 
Từ đó, xin đề xuất rằng, các nghiên cứu tập thuần tương lai và nghiên cứu bệnh - chứng, cần được nhìn nhận là những phát hiện để hỗ trợ giả thuyết về “vai trò của các cơ chế cơ bản ở thịt đỏ (trong việc) kích thích tế bào ung thư” - PGS.TS Lê Trần Ngoan chia sẻ như một khuyến cáo.

Diễn đàn khoa học chuyên ngành hướng đến mục tiêu kiểm soát tác nhân ung thư – chủ động phòng bệnh

Trong một ngày làm việc hội thảo khoa học quốc tế về phòng và kiểm soát ung thư (Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, Việt Nam) còn nghe các báo cáo quan trọng: “Vai trò của hệ sinh thái vi sinh trong ăn uống, béo phì và ung thư (TS Rashmi Sinha, Phân ngành Dịch tễ học trao đổi chất, Khoa Dịch tễ học ung thư và Di truyền học, Viện ung thư quốc gia, Bethesda, Maryland, Hoa Kỳ); “Học tập, nghiên cứu và hoạt động nghề nghiệp về Y dự phòng - Y tế Công cộng ở Đại học Harvard đối với sinh viên Y khoa, thực tập ngắn hạn, nội trú, sau Tiến sĩ và chuyên khoa Y học chuyên sâu”(GS.Walter C. Willett - Đại học Y tế Công cộng Harvard, Hoa Kỳ).

Đặc biệt, có 2 báo cáo chuyên sâu/nghiên cứu liên quan đến tình hình ung thư tại Việt Nam “Hút thuốc lào và nguy cơ ung thư dạ dày ở nam giới Việt Nam”; “Tử vong do các bệnh không lây nhiễm ở tỉnh Nghệ An giai đoạn 2005-2014”.

Những tham luận khoa học, nghiên cứu chuyên sâu tại hội thảo được đánh giá cao, khi đã chỉ ra cơ chế/tác nhân gây ung thư, vấn đề chuyển hóa, và các chỉ số khoa học đánh giá, dự báo nguy cơ ung thư do một số chất hóa học gây ra cho con người. Bên cạnh đó, là các tiến bộ trong lĩnh vực kiểm soát ung thư, chẩn đoán và điều trị ung thư.

Đây là những chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm từ các Chuyên gia – Bác sỹ chuyên khoa đầu ngành vô cùng quý giá đối với ngành Y trong nước.

Các diễn giả cũng công bố các nghiên cứu mới nhất về vai trò của dịch tễ  học và giám sát ghi nhận ung thư; các nghiên cứu liên quan về hệ sinh thái vi sinh thuộc ống tiêu hóa đối với ung thư ở người; béo phì, và rối loạn chuyển hóa gây béo phì.

Đặc biệt, một số báo cáo/bài báo khoa học đã chia sẻ kết quả nghiên cứu phù hợp cho yêu cầu phòng chống bệnh ung thư tại Việt Nam. Qua đó nhấn mạnh lại lần nữa “cần quan tâm nhiều hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn các tác nhân, nhằm phòng bệnh ung thư cho người Việt Nam”. Xu hướng chung vẫn là khuyến cáo cảnh giác với một số thói quen trong sinh hoạt, thay đổi lối sống….. Đó là công tác dự phòng và sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư; chăm sóc giảm nhẹ bệnh ung thư; hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh ung thư….

Phòng và Kiểm soát Tác nhân Ung thư từ Kiểm soát Thói quen Sinh hoạt
Một chuyên gia đầu ngành Việt Nam đặt câu hỏi với diễn giả quốc tế.

Được biết, trong số các chuyên gia Y khoa đầu ngành đến Việt Nam lần này, có Giáo sư Walter C. Willett -  Đại học Y Tế Công cộng Harvard, Hoa Kỳ.

Giáo sư Walter C. Willett từng là nhân vật của truyền thông, khi ông cùng giới khoa học và sinh viên Hoa kỳ “không ngưng nghỉ” trong cuộc đấu tranh phản đối sự can dự của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam. Năm nay, Đại học Y Hà Nội đã chính thức phong tặng ông là Giáo sư danh dự.

Giáo sư Walter C. Willett là Nhà khoa học hàng đầu Hoa kỳ và thế giới về khoa học dinh dưỡng và Dịch tễ học dinh dưỡng. Tính đến tháng 5/2018, ông đã công bố khoa học, các công trình nghiên cứu nguyên bản (oroginal articles) lên đến 1.521 bài.

Tại hội thảo, ông chia sẻ (tóm tắt) các kết quả nghiên cứu khoa học phù hợp cho công tác nghiên cứu và phòng bệnh ung thư cho người Việt Nam.

Ngoài ra, cùng với các đồng nghiệp ở Đại học Y Hà Nội, các nhà khoa học Việt Nam, ông đang xúc tiến chuẩn bị cho nhiều dự án nghiên cứu khoa học nhằm kiểm soát bệnh ung thư. Giáo sư Walter cũng cho biết, đích thân sẽ tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ từ Hoa Kỳ cho những nghiên cứu này.

(Nguồn:http://www.ictdanang.vn/chi-tiet?articleId=37577)