English

Nghiên cứu

Ra mắt Tạp chí đầu tiên về “Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh”

Sau một thời gian hoạt động và xuất bản những số online đầu tiên, chiều ngày 25/8, Đại học Duy Tân đã chính thức ra mắt “Tạp chí quốc tế Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh”. Đây cũng là Tạp chí đầu tiên chuyên đề “Mạng công nghiệp và Hệ thống thông minh”.

Ra mắt Tạp chí đầu tiên về Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh
Lễ ra mắt Tạp chí đầu tiên về “Mạng Công nghiệp và Hệ thống thông minh”. Người đang phát biểu là TS Dương Quang Trung - Tổng biên tập. -Ảnh trong bài: T.N.  

Được biết, cùng với việc thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Cao vào năm 2011, góp phần tạo ra những chuyển biến về chất trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo tại Nhà trường, Đại học Duy Tân đã có đề án thành lập và ngày 10/8/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định cấp giấy phép hoạt động “Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân”. 

Tiếp đó, Tạp chí được Cục Thông tin và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ ra Quyết định số 33, ngày 30 tháng 5 năm 2012, cấp mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (ISSN).

Ngày 19/7/2017, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân, được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đưa vào “Danh mục các tạp chí khoa học chuyên ngành được tính điểm công trình khoa học quy đổi khi xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư”. Theo đó, điểm tối đa đến 0,5 điểm đối với bài báo thuộc chuyên ngành Vật Lý.

Tính từ số đầu tiên (tháng 11/2011) đến nay, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Đại học Duy Tân đã xuất bản được 29 số.
 
Với sự tăng trưởng liên tục của lực lượng nghiên cứu trong Trường, cũng như gia tăng hợp tác nghiên cứu với bên ngoài, đến nay, Đại học Duy Tân đã có 1.023 bài báo công bố trên tạp chí ISI và 47 bài báo đăng trên tạp chí Scopus, cùng nhiều công trình nghiên cứu cấp Bộ, cấp Tỉnh, Thành phố và cấp Trường,…

Với uy tín trong đào tạo và có nhiều thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế, Đại học Duy Tân đã được lựa chọn cùng phối hợp với “Liên minh Châu Âu vì sự đổi mới về Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh” đồng sáng lập và tổ chức Tạp chí quốc tế Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh.

Tạp chí quốc tế Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh
 Tạp chí quốc tế Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh. 

Tổng biên tập Tạp chí quốc tế Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh, TS. Dương Quang Trung cho biết, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ máy tính, như tính toán phân tán diện rộng, điện toán đám mây và hệ thống không gian mạng thực-ảo, rất nhiều mô hình mạng (mạng điều khiển, mạng truyền thông tin, mạng cảm biến, mạng quanh cơ thể, mạng xã hội, mạng cơ hội, mạng nền tảng đám mây,…) đã và đang được nghiên cứu và ứng dụng trong những khu công nghiệp lớn từ dệt, than, mỏ, thép, máy móc, hóa dầu, đến sinh học, v..v. 

Được hỗ trợ bởi các mạng công nghiệp khác nhau, tự động hóa trong công nghiệp có thể giảm thiểu chi phí nhờ vào việc tận dụng các hệ thống điều khiển và công nghệ thông tin để tối ưu năng suất trong sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ. 

Tuy nhiên, môi trường công nghiệp thường có nhiều biến động và khắc nghiệt, bao gồm nhiệt độ và độ ẩm cao, nhiễu điện từ và rung động mạnh, dẫn đến việc cần phải có những yêu cầu cụ thể cho các hệ thống công nghiệp thông minh trong những trường hợp nhất định. Tất cả những điều này cho thấy tầm quan trọng của việc phân tích, thiết kế và triển khai các hệ thống mạng truyền thông tin và mạng công nghiệp thông minh. 

Tạp chí “Mạng công nghiệp và Hệ thống thông minh” do Liên minh Châu âu vì sự đổi mới và Đại Học Duy Tân đồng quản lý và tổ chức sẽ tập trung vào các chủ đề của thiết kế, phân tích và triển khai các hệ thống truyền thông tin và mạng công nghiệp thông minh.

Nghiên cứu tiền đề đòn bẩy phục vụ phát triển công nghệ thiết yếu theo xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Còn theo TS. Lê  Nguyên Bảo - Hiệu trưởng, Phó Tổng biên tập Tạp chí, những lĩnh vực nghiên cứu nằm trong phạm vi của Tạp chí sẽ là tiền đề và đòn bẩy cho sự phát triển những công nghệ thiết yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Cụ thể gồm: Các ứng dụng của mạng cảm biến không dây, mạng quanh cơ thể trong các ứng dụng công nghiệp diện rộng; Các ứng dụng của mạng xã hội, dự liệu lớn, tính toán phân tán diện rộng, tính toán di động và điện toán đám mây trong các mạng công nghiệp và dịch vụ khác nhau; Phân tích mạng truyền thông tin và điều khiển trong công nghiệp bao gồm mạng thời gian thực, bảo mật, khả năng mở rộng, độ tin cậy và ổn định;

Ra mắt Tạp chí đầu tiên về “Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh”
 TS Lê Nguyên Bảo
 
Thiết kế và chọn lựa các giao thức và giải thuật mạng theo từng ứng dụng cụ thể; Hệ thống mạng cơ hội trong công nghiệp (hệ thống xử lý nước thải, rôbot dưới nước, trạm dữ liệu bề mặt và dưới nước,…); Các ứng dụng của hệ thống thông minh trong công nghiệp như hệ thống hợp tác, điều khiển chất lượng, tối ưu, hỗ trợ ra quyết định, chuỗi cung  ứng, chuổi giá trị, tổ chức và xã hội ảo, quản lý rủi ro/khủng hoảng,…

Phân tích và thiết kế hệ thống nhúng thời gian thực (tính toán thời gian thực, hệ điều hành thời gian thực, truyền thông tin thời gian thực, công nghệ hệ thống nhúng kết nối mạng,…); Các kỹ thuật điều khiển tiên tiến trong điều khiển tiến trình, thiết bị, giám sát, thích nghi,…;Các hệ thống sản xuất tự động, phân tích và mô hình hóa, lập lịch, xếp hàng,…;

Tính toán thông minh trong tự động hóa, giải thuật tiến hóa, mờ, trí tuệ nhân tạo, máy học,…Thiết kế phần cứng và phần mềm cho các hệ thống thông minh; Mô phỏng và kiểm thử các mạng công nghiệp và hệ thống thông minh.

Các ứng dụng cho thành phố thông minh, khu công nghiệp thông minh, y tế điện tử, giao thông thông minh,… và các ứng dụng đa phương tiện, phương pháp nhận dạng, quản lý nội dung, quản lý tri thức,…

Trao đổi với các nhà khoa học, chuyên gia, đội ngũ giảng viên và các nghiên cứu sinh cũng như các cơ quan truyền thông tại buổi ra mắt, TS Dương Quang Trung cho biết, Ban biên tập đã và đang tập trung mời gọi giới nghiên cứu và đặc biệt là lực lượng giảng viên, nghiên cứu sinh đang làm việc tại Đại học Duy Tân, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, đóng góp bài báo khoa học, công bố công trình mới, đề tài nghiên cứu mới trên “Tạp chí quốc tế Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh”.

“Một Tạp chí quốc tế chuyên ngành có thực sự nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu, độc giả là giới khoa học và các đối tượng nghiên cứu ứng dụng hay không, đều nhờ vào các tên tuổi xuất hiện trên Tạp chí cùng các bài báo, công trình, phát hiện mới của họ. 

Mời cho được và phát huy có hiệu quả những cây bút khoa học, những cộng tác viên chuyên ngành có uy tín, là nhiệm vụ hàng đầu của Ban biên tập. 

Tạp chí hôm nay chính thức ra mắt, có thực sự nổi tiếng, được đánh giá cao, có uy tín trong giới học thuật hay không còn tùy thuộc vào các trích dẫn từ “Tạp chí quốc tế Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh” trên các Tạp chí quốc tế chuyên ngành khác, đã có uy tín và có nhiều độc giả.

Và muốn được Tạp chí khác trích dẫn như vậy, thì vấn đề vẫn là thu hút cho được cộng tác viên nổi tiếng, có uy tín trong giới khoa học”.

TS. Dương Quang Trung tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Viễn Thông năm 2012 tại Thụy Điển, trở thành Assistant Professor tại trường Queen"s University Belfast, Vương Quốc Anh vào năm 2013 và được đề bạt chức danh Reader (Giáo sư bậc 3 trên 4. Ngạch Giáo sư ở Anh có 4 bậc) vào năm 2017.

Ông là tác giả của 3 cuốn sách, 2 chương sách và hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học gồm 180 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học ISI và 130 công trình nghiên cứu ở hội nghị quốc tế, với gần 6.000 trích dẫn.

(Nguồn:http://www.ictdanang.vn/chi-tiet?articleId=36884)