English

Sau Đại học

Cụ ông 85 tuổi nhận Bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh

85 là cái tuổi để nhiều người an nhàn bên con cháu, vui thú điền viên thì cụ ông Lê Phước Thiệt (Đại Lộc, Quảng Nam) lại miệt mài “đèn sách” trên giảng đường đại học, hoàn thành chương trình Cao học để nhận tấm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh

Năm 2013, cụ Lê Phước Thiệt và vợ quyết định quay trở về quê nhà ở Thị trấn Ái Nghĩa, Huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam sau 40 năm định cư ở Mỹ. Tình cờ đọc được Hồi ký của Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, cảm phục tấm gương của người chiến sĩ cách mạng trung kiên với khát vọng “canh tân” giáo dục, cụ Thiệt đã quyết định nộp hồ sơ và được đặc cách vào học cũng như được miễn toàn bộ phí khi học Cao học ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học Duy Tân.
 
Cụ ông 85 tuổi nhận Bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh 
85 tuổi, cụ Lê Phước Thiệt vẫn miệt mài "đèn sách" trên giảng đường đại học 

Tất cả 7 người con, 15 cháu và 4 chắt của cụ Thiệt định cư ở Mỹ khi nghe tin đều khuyên ngăn vì cụ tuổi đã cao, sức yếu và mong muốn cụ được nghỉ ngơi an nhàn bên con cháu, làng xóm. Thế nhưng cụ Thiệt vẫn quyết tâm đi học bởi “Ở tuổi này, tôi đi học không phải để làm ông nọ bà kia mà học để mở mang kiến thức, để làm gương cho con cháu biết quý trọng kiến thức. Ở Mỹ, tôi bận rộn với nỗi lo ‘cơm áo gạo tiền’ để nuôi các con, để trang trải cuộc sống, không có thời gian đi học nên 70 tuổi tôi mới tốt nghiệp đại học. Hơn nữa, tuổi già dễ mắc bệnh mất trí nhớ nên học tập cũng là một cách rèn luyện giúp tôi làm chậm quá trình đó.”

Trong suốt thời gian học tập tại Đại học Duy Tân, cụ Lê Phước Thiệt luôn là học viên đến sớm nhất và chăm chỉ nhất. Dù trời nắng hay mưa, dù có những lúc căn bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính tái phát khiến cụ đau ốm, mệt mỏi nhưng cụ vẫn đến lớp đều đặn, không nghỉ bất kỳ 1 tiết học nào. Cứ 16h chiều hàng ngày, cụ đi xe bus từ Đại Lộc ra Đà Nẵng, rồi lại bắt xe ôm đến Đại học Duy Tân. Cụ là gương mặt thân quen đối với tất cả nhân viên của thư viện Đại học Duy Tân khi mỗi ngày đều tới đọc sách, tìm kiếm tài liệu và đến 18h vào lớp học như bao học viên khác.

Để rèn luyện sức khỏe đảm bảo cho việc học, cụ Thiệt rất chú ý đến chế độ dinh dưỡng trong ăn uống hàng ngày và giữ thói quen tập thể dục bằng những bài tập phù hợp với lứa tuổi và đi bộ trên máy tập ở nhà. Như tất cả các học viên khác, cụ Thiệt cũng tra cứu tài liệu và làm bài tập trên laptop, trao đổi với giảng viên và bạn học qua email, làm bài tập nhóm, thuyết trình,... Thậm chí, cụ còn có lợi thế hơn so với các học viên khác khi thông thạo tiếng Anh nhưng cụ vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân phải luôn cố gắng và chăm chỉ hơn nữa. 

Nhờ tinh thần ham học hỏi và nỗ lực của bản thân, cụ Lê Phước Thiệt đã hoàn thành luận văn và bảo vệ tốt nghiệp thành công, ra trường theo đúng tiến độ đào tạo. “Trước khi làm tài tốt nghiệp, tôi có bị ngã dập phần mềm tay phải. Bác sĩ nói tôi phải phẫu thuật thì mới mong khỏe lại, cộng với căn bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính tái phát khiến sức khỏe của tôi giảm sút. Tôi đã suy nghĩ đến chuyện dừng việc học lại nhưng nhờ sự động viên của Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, của TS. Hồ Văn Nhàn - người trực tiếp hướng dẫn luận văn cho tôi, của các thầy cô trong trường và các bạn học viên, tôi đã có thêm động lực để tiếp tục thực hiện luận văn, hoàn thành khóa học.”, cụ Thiệt cho biết.

(Truyền Thông)