English

Giấc mơ Duy Tân

Đại học Duy Tân và Khát vọng Đổi mới

Anh hùng lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) vừa có cuộc trò chuyện với Báo Quảng Nam về câu chuyện nghề và khát vọng đổi mới của Đại học Duy Tân. Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ chia sẻ:
 
Năm 18 tuổi, tôi đi vào ngành giáo dục ở bậc trung học, tuy nhiên chưa tròn 4 năm làm giáo viên, năm 22 tuổi nghe theo tiếng gọi của kháng chiến, tôi thoát ly lên chiến khu. Chuyện xếp bút nghiên hồi đó sao mà đơn giản quá! Và cả một thế hệ học sinh - sinh viên - trí thức miền Nam đã dấn thân vào cuộc kháng chiến gian khổ cùng dân tộc như thế. Lúc đó tôi thầm mong hòa bình lập lại, nếu còn sống, sẽ tiếp tục công việc của một nhà giáo. Tôi cho rằng, với một dân tộc, cái gốc là ở giáo dục, và nếu có một nền giáo dục tốt thì đất nước đó sẽ phát triển nhanh chóng. Từ đó, những hình dung về một ngôi trường giảng dạy hiện đại và hiệu quả, vững trên nền tảng nhân văn chín dần trong tôi. Mãi đến năm 1985, khi tình cờ gặp được GS. Trần Văn Thọ vừa từ Nhật trở về, các bước phác thảo đề án mở trường mới hoàn thành. Tuy nhiên, việc xây dựng một trường đại học tư thục tại Việt Nam bấy giờ là một chuyện… “không tưởng”.
 
Đại học Duy Tân và Khát vọng Đổi mới 
Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ (ngồi giữa) trong buổi gặp mặt nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2017. Ảnh: THANH BÌNH
 
Đổi mới từ tên gọi
 
- Nhưng tại sao chọn tên trường là Duy Tân, thưa thầy?
 
- Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ: Năm 1992, tôi nghỉ hưu ở tuổi 51 và bắt đầu hình thành Ban vận động thành lập trường đại học tư thục miền Trung. Lúc này, không khí đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đi vào cuộc sống. Ngày 15.9.1993, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân ký quyết định thành lập Hội đồng sáng lập trường với 24 thành viên. Tuy nhiên, lúc bấy giờ Nhà nước không có luật quy định, không hề có một hành lang pháp lý nào nên việc xây dựng đề án rất gian nan. Chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũng không đồng ý với chủ trương thành lập trường tư. Giữa lúc rối như tơ vò đó, may mắn lại đến. Tháng 3.1994, Chính phủ có quy chế đầu tiên về đại học tư thục. Và tân Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng là đồng chí Mai Thúc Lân đã trực tiếp chỉ đạo, đề án xin thành lập Trường Đại học Tư thục miền Trung được duyệt và chuyển ra Hà Nội. Song Bộ GD-ĐT lại đề nghị đổi tên trường, vì sau này miền Trung có nhiều trường đại học thì thế nào?
 
Chất lượng làm nên tầm vóc
 
Từ đi thuê chỗ dạy, đến nay Trường Đại học Duy Tân đã có hệ thống giảng đường khang trang, hiện đại với 5 cơ sở đào tạo trên tổng diện tích 70.000m2. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên từ con số hàng chục đến nay đã phát triển lên hơn 1.100 người. Trong số 750 giảng viên, thì người có trình độ tiến sĩ, hàm giáo sư, phó giáo sư chiếm 19,5% (bình quân đại học cả nước 15%) và 72% trình độ thạc sĩ. Đó là những con số biết nói, làm nên tầm vóc Trường Đại học Duy Tân hôm nay.
 
Đang phân vân thì vợ tôi - cũng là thành viên Hội đồng sáng lập (cô Nguyễn Thị Lộc - PV) gợi ý, nên lấy tên Trường Đại học Dân lập Duy Tân. Vì thời Minh Trị Thiên Hoàng, nhờ có phong trào Duy Tân mà có một nước Nhật hùng mạnh như ngày nay. Mặt khác, vào năm 1906, phong trào Duy Tân khởi phát ở Quảng Nam rồi lan ra cả nước, cũng nhằm vào mục tiêu “đổi mới”. Nay Đảng cũng chủ trương đổi mới, chọn tên Trường Đại học Duy Tân là hợp lý, hợp tình. Duy Tân là khát vọng đổi mới.
 
- Qua 23 hình thành và phát triển, khát vọng Duy Tân đã trở thành hiện thực, thưa thầy?
 
- Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ: Từ khát vọng đổi mới mãnh liệt đó, chúng tôi đã làm nên Trường Đại học Duy Tân như ngày nay. Thành tựu đó là gì? Từ lúc đầu chỉ được Bộ GD-ĐT cho tuyển mỗi năm 550 sinh viên, bây giờ tuyển sinh 5.500 SV/năm, tăng gấp 10 lần. Từ chỗ chỉ đào tạo 4 ngành, nay đã đào tạo 21 ngành với 44 chuyên ngành. Từ chỗ chỉ đào tạo hệ đại học, sau đó thêm đào tạo cao đẳng, trung cấp và năm 2009 Chính phủ cho phép đào tạo sau đại học. Từng bước Duy Tân đẩy đào tạo lên, đi vào hợp tác với các doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm cho sinh viên. Bởi vì, khẩu hiệu của  Duy Tân  là “Tất cả vì quyền lợi học tập và việc làm của sinh viên”.
 
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ
 
- Thầy có thể nói rõ hơn với vài con số cụ thể?
 
- Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ: Năm 1994 đến nay, Duy Tân là trường đại học ngoài công lập đầu tiên và lớn nhất miền Trung đào tạo đa bậc, đa ngành và đa lĩnh vực. Nhất quán với tôn chỉ mục đích đề ra, trên nền tảng nhân văn và hệ thống giảng dạy hiện đại, nhà trường đã đào tạo được 3 khóa tiến sĩ, 14 khóa thạc sĩ với hơn 1.200 học viên; 23 khóa đại học, cao đẳng với hơn 70.000 sinh viên; 6 khóa cao đẳng nghề với hơn 1.400 sinh viên. Các ngành đào tạo khá đa dạng như Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Ngoại ngữ, Du lịch, Điện tử, Xây dựng, Kiến trúc, Y, Dược và các ngành khoa học xã hội gồm: Ngữ văn - Báo chí, Quan hệ quốc tế, Văn hóa du lịch, Luật kinh tế. Tính qua 18 khóa tốt nghiệp, Trường Đại học Duy Tân đã cung cấp cho thị trường lao động, nhất là TP.Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên hơn 55.000 nhân lực có chất lượng cao (tiến sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân…), làm lợi cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng về việc đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao. Sinh viên Trường Đại học Duy Tân ra trường nhanh chóng tìm được việc làm với tỷ lệ rất cao; đặc biệt 100% sinh viên học ngành Công nghệ phần mềm có việc làm ngay tại thời điểm ra trường.
 
Điểm nổi bật, Trường Đại học Duy Tân đã đột phá về chương trình hợp tác quốc tế với các đại học lớn của Mỹ. Đầu tiên là Trường Đại học Canergie Mellon - một trong 4 trường hàng đầu của Mỹ về đào tạo công nghệ thông tin, tiếp theo là các Trường Đại học PenState, California, Purdue, họ đã chuyển giao cho Duy Tân 14 chương trình và Duy Tân đã đưa hơn 400 lượt giảng viên đến Mỹ tập huấn, hình thành nên khối đào tạo quốc tế của Duy Tân rất thành công.
 
- Nhiều người cho rằng các trường đại học ở nước ta đang “trăm hoa đua nở” về đào tạo, yếu về nghiên cứu khoa học (NCKH), chưa thực sự là mô hình hiện đại. Với Trường Đại học Duy Tân thì thế nào, thưa thầy?
 
- Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ: Năm 2009, khi Bộ GD-ĐT tiến hành kiểm định lần 1, Trường Đại học Duy Tân đạt “0 điểm” về NCKH. Nhưng từ năm 2010 đến nay, Duy Tân đã phát triển NCKH trở thành “điểm sáng” của giáo dục đại học cả nước. Trường đã có 25 công trình Nafosted, hơn 650 bài báo công bố quốc tế danh mục ISI. Theo Bộ GD-ĐT, trong tốp 20 trường đại học của Việt Nam công bố ISI nhiều nhất năm học 2016 -2017, Trường Đại học Duy Tân có 331 bài công bố ISI, đứng ở vị trí thứ 4 (sau Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh và Đại học Tôn Đức Thắng), gấp hơn 2 lần số lượng bài ISI cộng lại của Đại học Huế (74 bài, vị trí 10) và Đại học Đà Nẵng (72 bài, vị trí 11) và là đại diện duy nhất của các trường ngoài công lập.
 
Đại học Duy Tân cũng đang nghiên cứu có chính sách thực sự tốt, trả lương bổng xứng đáng và tạo môi trường khoa học phát triển để thu hút nhân tài trẻ trong nước và quốc tế. Bởi lẽ, trước thềm năm học khóa 23, Hội đồng quản trị Đại học Duy Tân đã đặt ra mục tiêu nằm trong “Tốp 300 đại học châu Á năm 2022”. Mục tiêu đó cũng chính là “Khát vọng Duy Tân”.
 
- Xin cảm ơn thầy! Chúc “Khát vọng Duy Tân” trở thành hiện thực!

(Nguồn:http://baoquangnam.vn/xa-hoi/giao-duc/201711/dai-hoc-duy-tan-va-khat-vong-doi-moi-769329/#.Wh7BGrxCoIU.gmail)